Tumgik
#asklemd
lemd · 5 months
Note
Hello anh, có thể anh đọc được cái này hoặc không! Em vừa bước chân qua tuổi 28 với một công việc văn phòng nhàn hạ, nhưng càng làm em càng thấy bản thân mình trở nên tù túng và thiếu động lực, năm ngoái em nhận được thông báo sa thải khỏi một công việc sau hơn 4 năm gắn bó, cũng không trách cấp trên gì cả vì đó là sự thay đổi mà nđt mới vào muốn, và em chấp nhận. Không biết có ai cũng như em không khi luôn muốn gắn bó với 1 công ty lâu dài, nhưng khi bắt đầu tìm việc mới, những thứ gọi là kinh nghiệm kia lại không giúp gì đc cho em khi sang công ty mới. Vì tuổi trẻ không kiểm soát tài chính cũng như quyết định nghỉ học ĐH nên giờ em bị đắn đo giữa việc tiếp tục đi làm trả nợ và học thêm về các ngành khác. Bắt đầu lại ở tuổi 28 liệu có còn là lựa chọn tốt cho em nếu như để học xong khoảng 2 năm mới có đc mức lương hiện tại? Em cảm ơn anh đã lắng nghe!!
Em thân mến,
Mỗi người có mỗi một hoàn cảnh khác nhau, phải không. Nhưng dù hoàn cảnh gì thì lúc nào cũng có thể bắt đầu lại, bắt đầu mới, hay thậm chí bắt đầu 1 cái cũ nghĩ từ lâu mà chưa làm.
02 năm cuộc đời thực ra trôi qua nhanh lắm. Em còn sống tận mấy lần 20 năm nữa cơ mà. Nếu mà xét về mặt logic là cả cuộc đời thì 02 năm này chỉ là một cái chớp mắt mà thôi. Rồi em có khi còn chẳng nhớ mình đã từng phải làm những điều như vậy, hoặc toàn bộ 02 năm khổ sở cũng chỉ gói gọn lại trong 01 kí ức thôi, 01 hình ảnh nào đó chẳng hạn, rồi em lại bước tiếp.
Không chỉ có riêng em, những người khác cũng đã, đang, và có thể sẽ rơi vào hoàn cảnh của em. Anh nghĩ rằng em, và các bạn, rồi cũng sẽ có cách nào đó để vượt qua. Có thể hơi vất vả một chút. This too shall pass.
Có 1 điểm anh không hẳn là đồng ý với em khi em nói "kinh nghiệm" của em không có ích cho công việc mới. Anh nghĩ anh và em định nghĩa về "kinh nghiệm" hơi khác. Có lẽ thứ mà em nghĩ là "kinh nghiệm" ấy chỉ đơn thuần là các thói quen hoặc kiến thức để xử lý công việc cụ thể thôi. Và khi thay đổi môi trường, thay đổi quy trình làm việc thì em sẽ không áp dụng được thói quen cũ và kiến thức của 1 hệ thống khác vào chỗ mới. Đấy chưa phải là kinh nghiệm. Kinh nghiệm phải là những khả năng tư duy, khả năng xử lý vấn đề, cộng với kiến thức tích lũy được về ngành nghề, về lĩnh vực, về ứng xử với con người để giúp em đạt được mục đích của mình.
Anh thực ra cũng là 1 người non kinh nghiệm. Và ở tuổi 35 anh cũng phải ra khỏi sự thoải mái của mình để bắt đầu một môi trường mới - và anh cũng như em thôi - sẽ còn lâu anh mới có thể quay lại được với sự thoải mái mà mình đã từng tận hưởng 4 năm trước đây. Anh cũng khổ sở chẳng khác gì em đâu. Anh cũng là con người mà.
Anh em mình cùng cố gắng nhé! ^^
28 notes · View notes
lemd · 8 months
Text
Hello anh. Em không biết dạo này anh còn trả lời ask nữa không nhưng em vẫn cứ mạo muội submit một chiếc vào đây. Hy vọng có thể nghe suy nghĩ của anh về vấn đề em đang gặp phải dưới góc nhìn của cánh đàn ông.  Em và bạn này là đồng nghiệp chung bộ phận với nhau, rất vui vẻ và thân thiết. Còn bạn này là người [nước ngoài] có bạn gái là người Việt. Sang năm tính cưới. Trước đó vì mqh giữa bọn em thân thiết ở công ty, nên thỉnh thoảng có nhắn tin cho nhau (tính theo tháng), năm mới christmas sinh nhật đều đúng 00h nhắn chúc mừng (đa phần là bạn ý nhắn đến trước), có đi ăn đi chơi với nhau theo nhóm 1-2 lần. Nói chung là giữ khoảng cách an toàn mặc dù em không phủ nhận là em có cảm tình với bạn ấy.  Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm nay. Cứ khi nào bạn ấy uống biêng biêng say là bạn ấy sẽ ra ngồi gần chỗ em, dùng đũa dùng cốc của em, nói chuyện và đôi khi secretly skinship với em. Về phía em thì em nghĩ vì bạn ý say nên mới như vậy, còn em cũng không muốn làm căng với người say nên cũng cho qua những lần skinship đó. Tuy nhiên duy nhất 1 lần khiến em bất ngờ là khi chỉ có 2 đứa với nhau (ở private, không phải cty), bạn ý không say nhưng [...] khiến em nhận ra những lần trước không phải vì say nên bạn ý mới làm thế. Nhưng qua những lần như vậy em với bạn ý nhắn tin với nhau nhiều hơn (gần như ngày nào cũng ntin qua lại). Em muốn ở cạnh bạn ý, nchuyen với bạn ý nhưng mỗi lần như vậy em đều có cảm giác tội lỗi và sai trái vì bạn ý là người đã có bạn gái rồi... Em không biết có phải bạn ấy gặp cú shock với việc sắp phải cam kết hôn nhân  nên muốn vùng vẫy trước khi vào chuồng hay không. Em cũng không biết là bạn ý có thích em thật không hay để cho đỡ chán thì chọn ai cũng được. (nếu ai cũng đc thì có thể ra ngoài vớ đại ai đó dc ko méo gì chọn đồng nghiệp ngay sát sườn :v). Bạn ý một mặt nói với em là mqh của bạn ý với bạn gái vì đã lâu rồi nên không còn cảm giác yêu đương nữa mà giống với gia đình hơn và bạn ý cảm thấy chưa sẵn sàng cho hôn nhân lắm, nhưng một mặt bạn ý vẫn care bạn gái ở mức độ tối thiểu để không khiến mqh đó đổ vỡ giống như maintain nhưng rồi tối về thì vẫn lại nhắn tin với em. Em có nói với bạn ý là việc em thổ lộ tình cảm của em cho bạn ý chỉ là để giải toả cảm xúc của em thôi, còn em không mong đợi việc bạn ý chia tay bạn gái để đến với em vì em không muốn mình trở thành lý do cho sự đổ vỡ mqh của người khác. Mà kể cả bạn ý có ctay bạn gái để đến với em thật thì em cũng sợ tương lai mình cũng có thể trở thành nạn nhân giống bạn gái bạn ý bây giờ. Vì vậy nên đến khi nào em cảm thấy việc em đang làm gây cảm xúc quá tiêu cực cho em, hay khiến em cảm thấy quá thảm hại thì em sẽ tự xoá sổ cảm xúc này. Cho đến giờ em đã rất kiềm chế việc mò đến gặp bạn ý, rủ bạn ý đi chơi mặc dù bạn ý tỏ ra rất vui mỗi lần em làm như vậy. Bạn ấy rủ em qua nhà xem phim, rủ em đi chơi đi du lịch cùng. Nhưng dĩ nhiên em không thể nhận lời được.  Đây rõ ràng là red flag nhưng em không biết nên làm gì với cảm xúc của em nữa khi mà cứ phải kiềm chế hoài anh ạ. Theo anh bạn ý có nghiêm tuc với em không ạ?  Sorry anh vì em viết dài. Em cũng kể khá chi tiết nữa nên cũng sợ người quen hay ai đó đọc được. Vậy nên nếu cơ may được anh trả lời, nhờ anh giữ private hoặc xoá bớt những phần em đã gạch đi giúp em ạ. 
Em thân mến,
Thực sự thì anh cũng không có nhiều thời gian cho Tumblr nữa nên thi thoảng anh chỉ có thể vào đây và lắng nghe tâm sự của mọi người thôi. Có thể mọi người biết hoặc không biết, nhưng không phải tâm sự nào anh cũng có thể giải đáp được. Anh không phải là thần thánh đến mức chuyện gì cũng tinh thông, và anh lại càng không có đủ thời gian mỗi ngày để quan tâm đến tất cả mọi người và mọi thứ. Nhưng riêng tâm sự này, anh nhận ra một trong những độc giả lâu năm của blog, anh quyết định viết vài dòng trước khi em làm gì mà có lẽ về sau em sẽ hối hận.
Nếu em muốn nghe lời khuyên của 1 người đàn ông, thì anh cũng muốn khẳng định lại một lần nữa là anh không thể đại diện cho tất cả đàn ông, và câu trả lời của anh có thể thiếu sót. [Ở đây, xin được báo trước đến tất cả các độc giả nam khác là câu trả lời có thể không phải là tích cực cho cánh đàn ông lắm và mình không chọn phe hay đạt được lợi ích gì cả từ câu trả lời này.] Câu trả lời có lẽ đã khá rõ ràng với tất cả mọi người, đặc biệt là với em, người gửi đi tâm sự. Đúng, cậu [người nước ngoài] này là 1 lá cờ đỏ bay phấp phới. Nhưng việc em lựa chọn có leo lên nó và biến thành 1 ngôi sao vàng hay không hoàn toàn là quyết định của em. Nhưng đừng để 1 lá cờ đỏ có nhiều hơn 1 ngôi sao vàng.
Cậu ta có cảm tình với em không? Chắc chắn là có rồi.
Cậu ta có nghiêm túc với em không? Ồ, anh nghĩ là có đấy, dành từng ấy thời gian cho em thì rõ ràng là rất nghiêm túc. Em có nhớ câu thoại trong phim Người Phán Xử không? Đại loại là, người nghiêm túc thì đến cả việc ngoại tình cũng rất nghiêm túc. Đúng thế đấy. Có khi còn vạch ra kế hoạch gặp em lúc nào, đi đâu làm gì, còn nghiêm túc hơn là cô bạn gái "chính thất" hiện tại nữa - cái người tội nghiệp không còn được yêu-nghiêm-túc nữa.
Liệu bọn em có tương lai với nhau không? À chắc chắn là có tương lai rồi, một tương lai có màu xám xịt. Em đã nghĩ đúng rồi đấy, chả có gì đảm bảo cậu ấy sẽ không làm lại điều đó với em - bỏ em trước ngày cưới để nhắn tin, gọi điện, đi chơi riêng với một cô gái khác.
Anh thấy em cũng đã đủ lớn, đã hiểu rõ hoàn cảnh của chính mình, anh không nghĩ anh có thể khuyên em điều gì khác mà em chưa biết. Chính vì thế những lời này anh viết ở đây đóng vai trò như sự thấu cảm nhiều hơn, rằng anh đã nghe được tâm sự của em. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về em.
Anh khuyến khích em cho cậu ta một bài học răn đe cụ thể, rằng câu chuyện này sẽ chẳng kết thúc êm thấm gì đâu nếu cứ kiểu giữ bí mật, biến em thành người thứ ba thế này. Em sẽ làm gì khi cậu ta cưới người bạn gái đó? Đi uống rượu, nghỉ việc bỏ ra bờ biển ngắm sóng vỗ bờ và tự thương mình vướng vào đau khổ à? Như thế lại mới chính là không thương mình ấy. Trừ phi em là người muốn cảm nhận được cảm giác đau khổ ấy như một gia vị của cuộc đời. Anh không biết em là người thế nào, hay quan trọng hơn, ngay bây giờ em đang muốn điều gì. Nhưng anh đang nghĩ, kể cả khi cậu ta chia tay cô bạn gái lâu năm kia thì thực ra cái bản chất của mối quan hệ giữa em và cậu ta cũng sẽ thay đổi, nó sẽ chẳng còn sự thú vị như lúc ban đầu nữa đâu. Có khi lúc ấy nó mới thực sự chết.
Ngồi từ xa, anh chỉ có thể chúc em mạnh mẽ, dù là em quyết định thế nào, thì cũng phải thực hiện được, và phải làm bằng được. Thương mình, ấy là làm được điều gì tốt nhất cho bản thân. Điều ấy, hẳn là em là người biết rõ nhất.
44 notes · View notes
lemd · 2 years
Note
em quá tiêu cực
làm sao để bản thân có thể nhẹ lòng và không suy nghĩ quá nhiều lemd ơi
Nhẹ lòng ư? Anh không nghĩ là ai có thể làm được chỉ qua vài lời khuyên.
Không suy nghĩ quá nhiều ư? Anh cũng chẳng nghĩ là trong chúng ta ai có thể tự khẳng định là mình không nghĩ nhiều. Những người không nghĩ nhiều thì chả bao giờ quan tâm đến những chuyện tiêu cực. Họ chỉ cần cười khoái trá thẳng vào cuộc sống hoặc khóc thật to rồi quên đi. Quên nhanh.
Quên được là hạnh phúc. Hạnh phúc của những kẻ giản đơn.
Trong thời gian khó khăn, có người nói với anh là anh đang làm rất tốt. Anh đi gặp bạn bè. Anh nói chuyện với những người có hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người sẽ lắng nghe, tiếp nhận câu chuyện của chúng ta theo cách của họ, và có thể họ sẽ nói hoặc làm gì đó, cũng theo cách của họ. Có người bất lực vì không giúp được mình. Có người buồn theo mình, thể hiện sự thông cảm. Có người thì đưa ra những lời khuyên tích cực hơn, có thể là em đang muốn nhận được những điều như vậy khi em gửi câu hỏi của em lên đây. Ừ, ít ra thì em cũng còn đang nói chuyện với ai đó, kể cả phải gồng hết sức, lấy hết can đảm ra để mà trải lòng, thì ít ra em cũng đang cố gắng làm gì đó tốt cho bản thân mình. Và anh chúc mừng em đã làm được.
Anh ở xa, anh không thể chạy đến chỗ em và ngồi nghe em nói. Anh cũng không thể cho em những cái ôm hay vỗ vai động viên như những người bạn ở gần em hơn, hay ít ra biết em là ai, là người thế nào để có thể nói những lời phù hợp. Anh chỉ có thể nói với em rằng, em ơi, anh cũng đang vật lộn với cuộc sống này lắm, nhưng bên anh có nhiều bạn bè để sẻ chia. Anh cố gắng để mình không ở một mình quá nhiều, anh cố gắng để có lí do bước chân ra khỏi nhà để gặp gỡ những người khác và lấy từ họ những nụ cười, những niềm vui, gom góp động lực để mà sống tiếp.
Rồi cuộc đời lại tiếp diễn thôi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Và chúng ta thì sẽ tìm ra những mục tiêu và động lực sống cho quãng thời gian tiếp theo của đời này. Em ạ. Em có tiêu cực một chút bây giờ cũng được. Quan trọng là em còn bước tiếp và tìm ra em muốn làm gì tiếp theo.
Dù ở xa, nhưng chúng ta đều có nhau. Các bạn độc giả, cảm ơn mọi người. Khi gặp khó khăn thì mình nhận ra, mình không phải là người duy nhất khổ sở trên cõi đời này. Chả có lí do gì cứ bám lấy cái sự khổ sở ấy mãi. Cảm ơn mọi người vẫn ở đây để chúng ta có thể nói chuyện cùng nhau.
PS: Có lẽ cũng nên chơi thể thao, tập thể dục nhiều hơn. Mấy tuần nay lạm dụng bia rượu nhiều quá...
74 notes · View notes
lemd · 1 year
Note
Anh ơi tình hình là em sắp đi phỏng vấn xin việc mà em là đứa hay bị lo lắng thái quá ấy ạ, mỗi lần nói chuyện trước người lạ là em run quá trời xong là quên hết nhưng gì đã chuẩn bị. 😓 Anh có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ cho em để chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn này được không ạ? Chỉ nghĩ đến thôi là em lại thấy lo muốn xỉu xong tim nhảy loạn xạ nữa rồi ạ 😭
Anh không coi là mình đi xin việc. Anh nghĩ rằng mình tới đó để trò chuyện với người ta xem người đó có phải là người mình muốn làm việc cùng không, và những kì vọng về kết quả công việc, hình thức làm việc là gì. Như 2 đối tác vậy đó. Không được thì thôi, chả có gì phải lo, đi tìm chỗ khác.
Nhưng anh cũng nhớ, hình như hồi mới đi làm anh cũng tim đập chân run thì phải. Vì thế chắc lời khuyên ở trên không áp dụng cho em. Vậy thì em có thể thử vài điều sau:
Thử làm quen với người lạ để cho bản thân quen với áp lực nói chuyện với người lạ. Anh đã đi khắp nơi nói chuyện với rất nhiều người lần đầu gặp mặt. Anh rũ bỏ được sự ngại ngùng khi phải bắt chuyện với người lạ.
Ăn uống đủ no - không quá no, không quá đói. Chọn ra 1 quán ăn bán thứ đồ mình thích, ăn suất ăn phù hợp với mình giúp mình tạo ra cảm giác quen thuộc vào ngày đi phỏng vấn. Khi khung cảnh quen thuộc, mọi thứ quen thuộc thì em sẽ dễ chịu hơn.
Và chính để tạo sự quen thuộc, em nên đến khu phố nơi sẽ diễn ra phỏng vấn để làm quen đường đi, không gian, khu vực, cảm giác sống và làm việc ở đó. Ngồi xuống vỉa hè uống nước trà càng hay. Làm cho mình có cảm giác như mình đã đậu phỏng vấn rồi và đang làm việc ở đó vậy. Đi đến trước cũng là để ước lượng thời gian cần ra khỏi nhà trước giờ phỏng vấn để đến kịp. Anh thường đến sớm 15-30p, rồi chọn 1 quán cafe gần địa điểm đó uống nước cho bình tĩnh lại, rũ bỏ sự bực dọc sau khi di chuyển quãng đường dài. Gửi xe luôn. Rồi uống nước đến trước 10p thì đi vào văn phòng - họ bảo mình chờ thêm 5-10p nữa thì mình cũng có cốc nước trong tay rồi. Vẫn là cảm giác quen thuộc.
Anh thì vẫn nghĩ nên bỏ cái từ "phỏng vấn" ra khỏi đầu em. Cứ nghĩ là đi nói chuyện về công việc thôi. Và hi vọng rằng người nói chuyện với mình sẽ dễ chịu.
9 notes · View notes
lemd · 3 years
Note
Anh ơi! Em 19 tuổi , em đang tìm kiếm mối quan hệ fwb thay vì một tình yêu nồng nàn như ở độ tuổi của em.Liệu em có sai khi quyết định như vậy ,vì nó không đúng với quan niệm thường trực trong suy nghĩ của người Việt Nam không ạ.Em khao khát và tò mò nhưng lại sợ hãi miệt thị và định kiến,anh có thể tư vấn cho em không ạ?
Em thân mến, từ khi em đủ 18 tuổi, em đã bước chân qua vạch kẻ của sự trưởng thành rồi. Em đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với bất cứ hành vi nào của mình. May mắn là FWB không phải là một loại tội trừ phi em đã kết hôn hoặc người FWB của em đã kết hôn. Trong trường hợp có, thì em vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
Anh sẽ không viết ở đây là anh cổ súy điều đó, FWB ấy. Nhưng anh cũng đã từng có giai đoạn trải qua điều đó, chỉ là không phải độ tuổi 19 thôi. Em có chắc em đã hiểu được mình muốn điều gì không?
Nếu em chắc chắn thứ mình tìm kiếm chỉ là khoái lạc tình dục và em hoàn toàn không muốn sự gò bó của một mối quan hệ nghiêm túc, thì FWB có vẻ là lựa chọn đúng của em. Nhưng nó khác với One night stand nhiều, anh nghĩ em biết điều đó. Em sẽ trải qua bao nhiêu One night stand hay bao nhiêu lần quẹt dating app để tìm được FWB của mình? Em đã tìm được người phù hợp chưa? Em có nghĩ họ sẽ phá vỡ quy ước ban đầu không? Em sẽ làm gì để chuẩn bị tinh thần cho cái ngày người đó nói với em rằng họ đã lỡ yêu em mất rồi?
Anh chắc các bạn đọc blog anh lâu đều hiểu, chúng ta không cần quan tâm nhiều đến miệt thị và định kiến. Chỉ cần chúng ta đủ mạnh mẽ, tự nuôi sống được bản thân thì chúng ta có quyền sống cuộc sống của mình theo bất cứ cách nào mình thích, miễn là có ích cho xã hội và không làm hại ai. Anh đã định viết là "...không làm đau khổ ai" nhưng điều đó là không thể. Chắc bố mẹ em sẽ có những kì vọng khác. Vì thế điều đó sẽ chỉ là bí mật của em và người FWB đó mà thôi. Chỉ có điều, làm sao để em tin được họ sẽ giữ bí mật của em, sẽ hợp tác với em trên đúng tinh thần của giao ước ấy?
Điều đó giống như là đi tìm con mèo đen trong căn phòng tối mà không có đèn pin vậy. Em sẽ phải tự mình tìm ra thôi. Đương nhiên, em phải biết cách tìm một con mèo trước đã.
Anh chúc em may mắn và mạnh khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần.
Anh Lemd giọng trầm như tàu ngầm chưa bị Covid.
38 notes · View notes
lemd · 3 years
Note
Anh ơi em mới thi đại học xong ạ em có mấy điều phân vân muốn tham khảo anh ạ mong có dc ý kiến cụa anh rất nhiều. Em bị thích ngành thương mại điện tử ý nhưng ko đủ điểm nhưng mà em cũng thích NEU vậy em nên chọn vào trường rùi học 2 bằng luôn hay học thẳng TMĐT ở TMU ạ. Một câu hỏi nữa là học Luật kinh tế ở NEU hơn hay ở đh Luật hẳn luôn ạ vì điểm luật khá thấp và khá ít ngành. Em ko qtrong gì lắm em nghĩ sau này kiểu gì cũng có việc làm và em dc đi nhiều là oki và h nên chọn sao a nhỉ :>
Em thân mến, học theo ngành quan trọng hơn học theo trường. Đương nhiên có nhiều biến số và lựa chọn trong câu chuyện của em. Em có quan tâm đến địa điểm và quãng đường di chuyển không? Càng xa thì càng tốn kém thời gian, chi phí, và công sức di chuyển mỗi ngày hơn. Em đã tham khảo thư viện và canteen chưa? Hãy nhớ là nơi học tập và nơi ăn uống là 2 điểm em sẽ ghé nhiều nhất ngoài giờ ngồi trong lớp.
Lựa chọn vào NEU học ngành khác trước rồi đăng kí 2 ngành tuy khả thi về mặt lý thuyết vì Bộ GD-ĐT cho phép điều đó, nhưng có thể không khả thi về mặt thực hiện vì chồng chéo lịch học 2 bên. Em cũng sẽ phải kiểm tra là NEU có cho phép điều đó trong Quy chế nhà trường hay không, và nếu có thì lịch học có đụng nhau hay không. Em nên xin được nói chuyện trực tiếp với các thầy cô trong Khoa và người xếp lịch học của Phòng Đào tạo để đảm bảo nó khả thi. Nếu như 1 trong các yếu tố trên không thành hiện thực thì em sẽ phải từ bỏ ý định đó.
Anh không biết cơ sở vật chất của TMU ra sao. Nhưng nếu lựa chọn A của em không khả thi thì học đúng ngành ở TMU cũng hợp lý. Ghi nhớ, điều quan trọng nhất là xem danh sách môn học và đọc mô tả môn để hiểu chúng đóng vai trò gì trong việc xây dựng kiến thức cho em.
Anh không biết gì về chương trình Luật Kinh tế của NEU và các chương trình của ĐH Luật nên cũng không có cơ sở để đưa ra lời khuyên phù hợp cho em. Chỉ có 1 thứ cần cân nhắc thôi là điểm đầu vào cao thì tăng khả năng em được học chung với những người thông minh. Việc có những người đồng hành hợp tính với mình sẽ đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm học tập của em.
Chúc em có những năm tháng học tập đáng nhớ.
14 notes · View notes
lemd · 4 years
Note
Anh Lemd ơi, anh nghĩ thế nào về mô hình kinh doanh đa cấp ạ?
Chào em, mô hình kinh doanh đa cấp nguyên bản sử dụng để phân phối hàng hóa là 1 mô hình rất tốt giúp phát triển thị trường và tăng doanh số cực kì nhanh. Mô hình này áp dụng tốt nhất cho lĩnh vực bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng như kem đánh răng, bàn chải, thực phẩm dinh dưỡng (không phải thuốc), hoặc mỹ phẩm. Tuy nhiên bản chất của mô hình là phân phối hàng hóa - nếu chuyển sang dịch vụ thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy và lừa đảo. 
Hãy thử tưởng tượng, em là chủ công ty A ở Hà Nội. Em bán kem đánh răng hiệu A+. Em muốn phát triển ra thị trường khác như Hải Phòng, Quảng Ninh nhưng tiền thuê mặt bằng để mở cửa hàng quá tốn kém nên em tìm người B bán hộ mình và tổng số lợi nhuận kiếm được sẽ trả cho B 10%. Nếu chỉ là 1 người bán hộ, họ là nhà phân phối (distributor) hoặc đơn vị bán lẻ (retailer). Điều này không có gì bất thường và hoàn toàn đúng luật, họ bán được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu tiền lãi. Tuy nhiên giả sử sản phẩm A+ của em rất được khách ở Hải Phòng ưa thích, người B đề nghị là bạn ấy sẽ tuyển người C1, C2, C3 bán hàng hộ mình. Em ở Hà Nội thì không cần quản lý, chỉ cần giao hàng, B sẽ quản lý hộ 3 người này và trả tiền bán hàng đầy đủ cho em mỗi tháng. Em đồng ý thì nhóm C này trở thành cấp kinh doanh nhỏ hơn thuộc B, giống như công ty con nhưng trong trường hợp này lại là cá nhân (individual), không phải pháp nhân (legal entity). 
Nhóm C bán hàng rất tốt, họ được B trả 5% cho lợi nhuận bán được. Tức là B không đi bán hàng nữa, chỉ cần nhận hàng từ em và đưa hàng cho nhóm C là sẽ được hưởng 5% lợi nhuận hàng tháng. Rồi nhóm C cũng bắt chước và tuyển nhóm D dưới mình, nhóm D lại tuyển nhóm E. Chuyện sẽ không có gì đáng nói và vẫn đúng luật nếu số tiền hoa hồng (commission) chi trả hàng tháng dựa trên lợi nhuận vẫn tồn tại. Nhưng luồng di chuyển của hàng hóa và thông tin khi đi qua nhiều cấp sẽ bị khác đi (corrupted) và em là A thì không kiểm soát được các cấp C, D, E bên dưới. Những người này hoàn toàn có thể lừa đảo. 
Hình thức lừa đảo thì đa dạng, ví dụ như: C nói D là muốn được nhận hàng về để bán thì phải trả cho C 1 số tiền X. D trả số tiền X nghĩ rằng dạng đặt cọc, nếu bán hết hàng thì có lời. Tuy nhiên giả sử thị trường không ai mua hàng nữa thì D cũng không trả lại hàng cho C để lấy lại tiền cọc được. Vậy là bị lừa mua hết số hàng đó. Một vài hình thức lừa đảo tinh vi hơn ngày càng phát triển, em đọc tham khảo ở báo Thanh Niên như sau: https://thanhnien.vn/thoi-su/ven-man-bi-mat-hang-loat-sinh-vien-mat-tich-co-dau-hieu-pham-toi-hinh-su-1238368.html
Giả sử, B thông báo với C là cứ mỗi lần tuyển được người mới (cấp D) để bán hàng thì C được hưởng thêm 1 khoản tiền Y gọi là tiền giới thiệu nhân viên chẳng hạn. Giả sử số tiền Y này lớn hơn mức 5% mà B đang trả cho C thì C nhận ra rằng tại sao C phải đi bán hàng, trong khi chỉ cần tuyển thật nhiều D vào để hưởng số tiền Y. Thế là C không đi bán hàng nữa, chỉ tuyển người thôi để ăn tiền giới thiệu. Vậy là hệ thống bị sai lệch đi, từ vận chuyển hàng để bán trở thành hệ thống tuyển dụng. 
Để quản lý được các mô hình kinh doanh đa cấp, Nhà nước đề ra Nghị Định 40/2018 (đọc ở đây: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Nghi-dinh-40-2018-ND-CP-quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-theo-phuong-thuc-da-cap-329753.aspx) và các đơn vị muốn bán hàng kiểu này phải đăng kí để được cấp phép. Nếu không đăng kí thì bị coi là vi phạm pháp luật. Các đơn vị không đăng kí thì rõ ràng là có động cơ xấu, dễ lừa đảo. 
Quay lại với người chủ công ty A là em. Em thấy thị trường Hải Phòng bán tốt, hàng hóa lưu thông, tiền về túi em thì em mừng. Em sẽ hoàn toàn không biết chuyện gì xảy ra với các đơn vị bên dưới vì B không cần phải báo cho em biết. Mô hình “trong sáng” của em đã bị người khác lợi dụng để lừa đảo. 
Đại loại, kết luận là mô hình đa cấp bản chất là 1 mô hình kinh doanh cực kì tốt. Nhưng nếu làm không đúng luật thì khả năng bị biến t��ớng hoặc bị người khác lợi dụng để lừa đảo rất cao. 
23 notes · View notes
lemd · 4 years
Note
E chào anh ạ, e là đứa hỏi xin lời khuyên của a hơn 2 năm trước về việc đi du học ấy ạ, và cuối cùng e đã lấy hết can đảm để bỏ dở việc học ở Việt Nam để xách ba lô lên và đi anh ạ. Quả thật bước ra thế giới tươi đẹp ngoài kia giúp e mở mang đầu óc của mình thêm rất nhiêu, đi đến đất nước mới, gặp gỡ nhưng con người mới và học hỏi những điều mới để thấy mình lớn lên từng ngày. Nhưng mà ... Sau hơn 2 năm học tiếng và dự bị đại học thì giờ e đang là sinh viên kì đầu.
Bây giờ e đang cảm thấy mình rất đang không ổn a ạ, e cảm thấy hoang mang, sợ hãi và cả bất lực nữa. Mặc dù e biết mình phải tiếp tục cố gắng nhưng mà thật sự e không có niềm tin là mình sẽ vượt qua được chặng hành trình sắp tới, kì thi càng tới gần và nỗi sợ thì một ngày càng lớn lên. Một năm trước, lúc vừa sang Đức, em bị trầm cảm, ngày nào e cũng khóc và còn có cả những ý nghĩ không nên có nữa. May mắn là e vượt qua được giai đoạn tăm tối tối, em nghĩ mọi chuyện đã ổn rồi.
Vậy mà không a ạ, e cảm thấy mình hình như đang phải đối mặt với tình trạng đó một lần nữa. Ngày nào e cũng khóc,làm bài không được cũng khóc vì bất lực, nhớ nhà cũng khóc, nghe có vẻ ủy mị và nhảm nhỉ nhưng mà nước mắt e có thể chực chờ mà rơi bất kể lúc nào, trên giường, trên tàu, trên bus :( E sợ hãi và hoang mang thật sự khi nghĩ về tương lai của mình, không biết đây có đúng là ngành học dành cho mình không, tại sao ba mẹ đang ở nhà làm lụng vất vả cho mình ăn học mà mình lại kém cỏi như vậy
có thật sự là mình sẽ làm được hay không? Mình nên tiếp tục cố gắng hay là đi về? Đi về thì biết phải làm gì tiếp theo đây? Mà cố gắng thì biết cố gắng như thế nào mới đủ được đây? E phải làm gì bây giờ hả anh? P/s: Em xin lỗi vì viết dài dòng quá nhưng mà thật sự ngồi gõ những dòng này nước mắt e lại rớt ướt gối và e đang bế tắc với cuộc đời mình lắm ạ. E cảm ơn anh vì đã đọc tới đây ạ. ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Chào em, 
Những người trẻ tuổi lần đầu rời bỏ quê hương đi xa hàng vạn dặm cảm thấy như vậy, theo anh, là một chuyện bình thường. Đương nhiên khi ở trong hoàn cảnh ấy, em cảm thấy chán nản, muốn bỏ cuộc cũng là chuyện dễ hiểu. Thậm chí đến bây giờ, khi anh quay về nước, impostor syndrome vẫn khiến anh tự nghi vấn chính mình là đi từng ấy năm, tốn từng ấy tiền thì mình đã học được cái gì vậy. Không khi nào chúng ta dừng chất vấn bản thân cả, em ạ. Những người dừng hoài nghi chính mình sẽ trở nên quá tự tin dẫn đến kiêu ngạo và sẽ dễ mắc sai lầm nhất. 
Khi em còn trẻ, em còn được sống thật với những cảm xúc của mình. Đó là điều đáng quý. Em thấy khóc mãi khổ quá. Nhưng anh thì lại nghĩ, giá mà khóc ngon lành được như em nhỉ. Giờ chai sạn quá, thấy nhiều thứ nó cũng thiếu giá trị. Nếu có thứ gì không đóng góp giá trị cho cuộc sống của mình thì buông bỏ cũng được. Chả sao. Nhưng việc học lại là chuyện khác. 
Anh cũng đã bắt đầu chương trình học Master of Education (online) rồi. Học rất khó. Khối lượng cần nghiên cứu rất nhiều. Mà công việc ban ngày cũng rất nhiều. Tối đến cũng cần gặp gỡ bạn bè rất nhiều. Rồi đùng 1 cái đám cưới. Rồi đùng 1 cái đến Tết. Tự nhiên thấy thời gian của mình đi đâu hết. Chả kịp làm gì cả. Anh cũng hoang mang lắm. Nhưng anh không còn khóc nữa. Mặc dù anh vẫn có thể tự hỏi bản thân là có nên bỏ bớt cái gì đi không. Câu trả lời rất rõ ràng, công việc, học hành, và gia đình là không thể bỏ được. Giữ được ba cái đó là cực khổ lắm rồi và vẫn sẽ phải cố gắng hết sức để phát triển chúng. 
Nếu mất một trong ba, lúc ấy mới đáng khóc. 
Vậy thì em đừng khóc nữa em ạ. Chặng đường của chúng ta, mỗi người đều khác nhau, nhưng anh biết một điểm chung, đó là tất cả các con đường dẫn đến thành công đều khó khăn, xa xôi, và hiểm trở. Anh thật sự hi vọng có thể hẹn em ở cuối chặng đường ấy, khi hai anh em mình già khú đế 70-80 tuổi, rủ nhau viết sách, đánh cờ, uống trà, và kể về những cơ hội của tuổi trẻ. Lúc đấy em có cả đống thời gian để nghỉ ngơi. Còn bây giờ, cứ đi tiếp đi em ạ. 
Bữa nào về nhớ mua cho anh một chai bia Đức chính hiệu. Còn anh sẽ mời em một ly rượu nếp cẩm quê. Rượu có cay thì cũng không bằng quãng thời gian này đâu em ạ. Nhưng cuối vị cay ấy là ngọt ngào của thành công. 
Chúc em đón Tết âm lịch thật vui. 
78 notes · View notes
lemd · 4 years
Note
Anh ơi, năm nay em phải thi chuyển cấp. Nhưng em không dự định thi. Em định đăng ký vào phổ thông cao đẳng fpt. Gần nhà em có cô dạy cấp 3, cô khuyên em nên học tiếp và nhiều giáo viên khuyên như vậy nhưng em muốn chọn con đường kia hơn. Em thấy học tiếp cấp 3 cũng giống học như này thôi nhưng mà học như này em sẽ nhẹ hơn và học đủ những kiến thức mình cần. Anh có thể chỉ cho em điểm mạnh yếu của hai con đường này và ảnh hưởng tới tương lai như nào được không ạ. Em rất cảm ơn anh.
Chào em, khái niệm “phổ thông cao đẳng” là 1 từ mới mà anh nghĩ Trường Cao đẳng FPT (FPT Polytechnic) mới nghĩ ra. Cụ thể nó là như sau: 
Năm 2017, Bộ Giáo dục - Đào tạo chuyển giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyền quản lý 500 trường Cao đẳng và Trung cấp theo 1 hướng đi mới của hệ thống giáo dục Việt Nam được Quốc Hội thông qua: Luật Giáo dục Nghề nghiệp - tập trung vào việc dạy nghề và học nghề. Từ 1/1/2017, Bộ Giáo dục - Đào tạo không còn quản lý bằng cấp, chứng chỉ của các trường dạy nghề dưới cấp độ Đại học nữa (trừ các trường Sư phạm vẫn thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT). 
Bộ luật mới mẻ mang tên Luật Giáo dục Nghề nghiệp này cho phép 1 hướng đi mới cho học sinh toàn quốc như sau: 
Học hết lớp 9 (tốt nghiệp cấp 2 - là cấp giáo dục bắt buộc theo Hiến pháp), học sinh thi hoặc xét tuyển vào chương trình Trung cấp (Diploma - văn bằng cấp 4 theo Hệ thống Văn bằng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Qualification Framework - gồm 8 bậc, cao nhất là Tiến sĩ). Trong thời gian học Trung cấp (từ 12 đến 24 tháng), học sinh sẽ học nghề cơ bản. Các môn cụ thể được cấp giấy chứng nhận tay nghề hoặc chứng chỉ hành nghề. Điều này có nghĩa là học đến đâu thì đủ khả năng đi làm kiếm tiền ngay tới đó. 
Tuy nhiên lộ trình học này là 1 gói. Tức là học sinh mới học hết lớp 9 thì chưa đủ điều kiện để nhận bằng Cao đẳng (Advanced Diploma - văn bằng cấp 5 theo hệ thống 8 bậc như trên). Vì thế, học sinh học nghề ở bậc Trung cấp sẽ học bổ túc các môn văn hóa cơ bản (Toán/Văn/Anh....) để đủ trình độ văn hóa thi tuyển (hoặc xét tuyển) lên Cao đẳng. Sinh viên học tiếp 12-18 tháng Cao đẳng nữa sẽ đủ điều kiện ra trường. Tổng thời lượng từ 3-4 năm tùy trình độ và nỗ lực của học sinh đó. 
Vậy thì, em học lớp 9, 15 tuổi - học 4 năm sau là 19 tuổi, lấy được bằng cao đẳng đi làm sớm hơn sinh viên đại học (22 tuổi mới ra trường). Điều này đương nhiên là có lợi thế về thời gian cũng như học nghề thì đảm bảo có việc làm lớn hơn vì nhu cầu của thị trường lao động bậc dưới (không phải làm việc văn phòng) là cực kỳ lớn. Tuy nhiên, mức thu nhập lại phụ thuộc vào 2 điểm quan trọng: 
1 - Nghề em học có phải là nghề hiếm, hoặc là nghề đang cần nhân lực hay không? Ví dụ các nghề sản xuất, cơ khí, điện, điện tử, ô tô, hay nghề du lịch (khách sạn, nhà hàng, quán ăn, tour...) đang cần số lượng lớn lao động. Số lượng sẽ quyết định khả năng xin việc và khả năng người lao động như em xin được mức lương cao hơn. 
2 - Trình độ tay nghề của em có cao không? Nếu dừng ở tay nghề sơ cấp, thu nhập sẽ thấp (trừ phi là tay nghề hiếm) nên học sinh sẽ phải tham gia các kì thi tay nghề để lấy chứng chỉ nâng cao. Tay nghề thợ cao sẽ được mức lương cao hơn. Thậm chí nếu giỏi toán, hiểu luật pháp, và thông minh, lanh lợi hơn chút có thể tự mở cơ sở kinh doanh của riêng mình và làm chủ. Vừa là thợ, vừa là chủ thì người khác sẽ không lừa mình được. Vấn đề là phải chăm học và học được hết các kiến thức cần thiết đó. 
Đương nhiên vẫn có thể chọn học nghề trước, rồi đi làm vài năm sau học bổ túc các kiến thức quản lý, ghi chép sổ sách, tính toán tiền bạc sau cũng được. 
Nếu em xác định mình không phải siêu thông minh thì con đường học nghề này thực ra rất hợp lý và đem lại nguồn thu nhập sớm cho em hơn là cố học lên đại học. Đương nhiên, các bạn khác xác định được mình đủ giỏi thì anh vẫn khuyến khích học đại học để có thể đi xa hơn. Một lần nữa, mấu chốt vẫn là phải chăm học, học giỏi thì cơ hội sẽ nhiều hơn. 
Việc ra quyết định là tùy em và gia đình thôi. Lời khuyên của cô giáo em thực ra không hề sai, chỉ là học cho hết cấp 3 thì “an toàn”. Không bị người đời coi thường thôi. Cô ấy sợ em bỏ dở học tập thôi. Nếu quyết tâm theo 4 năm học kia thì em vẫn nên người, vẫn có thể thành công được. 
Chúc em quyết tâm nhé. 
30 notes · View notes
lemd · 4 years
Note
Chào anh, em muốn hỏi ra trường muộn một năm mất những cơ hội gì?
Chào em, anh đã thấy câu hỏi của em từ lâu nhưng suốt 01 tháng vừa qua anh hoàn toàn không có thời gian rảnh để thật sự cân nhắc câu trả lời tốt nhất dành cho em (cũng như các bạn đọc khác ở đây). Em thấy đấy, anh là diện người cầu toàn, đã làm phải tử tế và chính xác. Hôm nay thì anh có chút thời gian để mở inbox lên và tự tin gõ những dòng này trả lời em. 
Đầu tiên, anh muốn hỏi em, “muộn một năm” là so với ai hay cái gì? Thông thường nhất chắc là em sẽ so sánh với các bạn cùng khóa - những người nhập học cùng thời điểm của em. Giả dụ chương trình quy định là 4 năm, và hết 48 tháng rồi em vẫn còn ngồi ở đấy thì em sẽ thấy mình “muộn”, phải không? 
Nhưng anh đoán, có lẽ em mới học xong 36 tháng và đang ở đâu đó giữa tháng 40-43 chăng? Bởi vì đấy là thời điểm các sinh viên đặt chân vào năm cuối của chương trình đào tạo và dần dần nhận ra sự khắc nghiệt của thị trường lao động đang chờ đón - ra trường là sẽ thành thất nghiệp, là vật lộn, là khổ sở, là áp lực cơm áo gạo tiền. Hầu hết sẽ chùn bước. Chưa có ai làm thống kê sinh viên toàn quốc (hay toàn thế giới) rằng họ nghĩ gì ở năm học cuối. Nếu có thì anh cũng chưa bao giờ được đọc. Anh chỉ có thể đoán. 
Anh đoán em, và các bạn khác, ở ngưỡng cửa của sự “tốt nghiệp”, ở tuổi 21-22 của cuộc đời - vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Ồ, anh biết chứ, anh cũng đã từng 22 tuổi một lần trong đời rồi. Có lẽ em đang cảm thấy đi học hơn 3 năm vừa rồi nhưng thật ra không có chữ nào trong đầu? Hoặc em đang cảm thấy mình chưa sẵn sàng cho việc “tốt nghiệp” này? Hoặc em không muốn phải từ bỏ tất cả các quyền lợi của việc “làm sinh viên” như là ngủ trễ, không phải kiếm tiền, và thoải mái yêu đương? Anh không biết chính xác em là loại sinh viên năm cuối nào trong các loại này - chỉ dấu duy nhất của câu hỏi này, đó là em hỏi về CƠ HỘI, chứ em không khóc lóc và ca thán với anh rằng huhu em phải làm gì đây... như 500 câu hỏi khác anh ngâm trong inbox của blog này. Well, a good question deserves a good answer. 
Em ra trường lúc nào cũng không bao giờ muộn. Bởi vì sự học là suốt đời. Bởi vì ngay trong khi vẫn còn đi học, em vẫn có thể đi làm và tự gặt hái cho mình thành công, và tự tạo ra cơ hội. Chẳng có ai nói với em rằng em sẽ đánh mất cơ hội vì ra trường muộn cả. Trừ khi em làm công chức hoặc em làm trong ngành giáo dục như anh - nơi người ta bổ nhiệm chức vụ và bậc lương dựa vào bằng cấp - thì em có động lực để “ra trường” càng sớm càng tốt, hay nói đúng hơn là “lấy bằng” càng sớm càng tốt - vì bằng cấp là thứ họ cần, không phải kiến thức hay kinh nghiệm. 
Vậy thì ra trường lúc nào cũng được, em chả đánh mất cái gì cả. Hãy xem lại quy chế đào tạo của trường mình đang học - em được bảo lưu tối đa bao lâu? Em được học chậm tối đa bao lâu? Như ở trường Đại học của anh thì anh được học đến năm thứ 9 - và anh tốt nghiệp ở năm thứ 7. Thì sao? Anh cũng chả mất gì vì anh đã đi làm suốt từ năm 2 rồi. Anh thấy mình chẳng muộn hay “mất cơ hội” nào cả. Thực ra là anh và cậu bạn thân có ngồi uống rượu vào năm 25 tuổi và thở dài vì “25 tuổi rồi mà vẫn chưa đạt được thành tựu gì” - giờ gần chục năm sau nghĩ lại cũng phải bật cười vì cái tính “ông cụ non” của 2 thằng. 
Bây giờ, cái câu trả lời thật sự của anh là đây này: Cái mà anh muốn em (và các bạn đọc) ghi nhớ, đấy là: Tốt nghiệp sớm hay muộn không quan trọng bằng việc em đã sẵn sàng hay chưa. 
Sẵn sàng để “tốt nghiệp” thay vì để “lấy bằng”. Từ ấy có ý nghĩa hơn nhiều, vì nó là một cột mốc khẳng định sự trưởng thành của em. 
Sẵn sàng để đương đầu với các thử thách mới. Bởi vì chỉ khi có thử thách, em mới phát triển được. Và em sẽ luôn luôn học tập, không ngừng tìm kiếm kiến thức mới, kinh nghiệm mới, và trải nghiệm mới. Trường Đại học sẽ chỉ là bước khởi đầu để chuẩn bị những kiến thức nền tảng cho em mà thôi. Cuộc đời của con người trưởng thành sẽ chỉ bắt đầu sau khi em sẵn sàng mà thôi. 
- Anh Lemd giọng trầm như tàu ngầm. 
88 notes · View notes
lemd · 4 years
Note
Anh Lemd ơi, em cũng có đọc sách nhưng toàn là sách tiếng việt, giờ em muốn chuyển sang đọc thử sách tiếng anh để cải thiện thêm vốn từ, anh có thể giới thiệu cho em một số cuốn nên đọc không anh? Mặc dù tiếng Anh em không tốt nhưng không sao em sẽ vừa tra vừa đọc hihi ^^. Em cảm ơn anh ạ.
Cứ ra nhà sách Phụ Nữ hoặc Fahasa tìm bất cứ cuốn nào em thấy hấp dẫn thôi :) 
6 notes · View notes
lemd · 4 years
Note
Chào anh, xin lỗi vì làm mất thời gian của anh nhưng hi vọng cái ask này được anh trả lời (sớm). Em đang là SV năm hai, hiện tại có ý định bảo lưu 1 năm để tự xin học bổng du học TQ (cụ thể là 1 năm tiếng, sau đó tiếp tục apply lên chuyên ngành), em biết nhiều người không đánh giá cao bằng cấp TQ lắm nhưng đây là lựa chọn phù hợp nhất với em. Do hoàn cảnh gia đình (bố em mất sớm, mẹ em đã 60t và sức khỏe yếu), kinh tế gia đình không thể tiếp tục lo cho em ăn học 3,4 năm nữa
Vì ask không đủ kí tự nên em xin phép được viết tiếp ở đây. Em không muốn nhờ vả họ hàng vì mọi người đã giúp nhiều và ai cũng có khó khăn riêng. Tuy nhiên gia đình em lại không đồng ý và nhận định việc làm của em không đi đến đâu. Em từng nghĩ việc em làm không có gì là bất hợp lý, vì em tự hiểu hoàn cảnh của bản thân, cũng không muốn để mẹ ph���i lo lắng quá nhiều về em nữa. Anh có thể cho em một lời khuyên, hoặc theo cảm nhận là người ngoài cuộc, anh thấy việc em làm là đúng hay sai ạ?
Chào em, trong lúc chờ đến lượt đi họp thì anh tranh thủ trả lời nhanh câu hỏi của em thế này. Hiện tại em đang học năm 2 rồi, em bỏ để đi TQ học từ đầu thì những người khác có lí do để chỉ trích em. Họ không hề vô lý. Tuy nhiên, họ không phải là người có quyền quyết định, mà em là người quyết định, nếu em tự chủ được tài chính để trang trải cho chi phí học tập đó. 
Còn nếu em sử dụng nguồn tài chính của người khác (ví dụ là của mẹ em) thì em phải lắng nghe lời người sẽ cung cấp cho em nguồn lực này. 
Đương nhiên, để làm được điều em muốn, em phải đấu tranh. Em phải thuyết phục được mẹ em đồng ý cho em ra đi tìm một cái gì đó mới mẻ. Trong quá trình tìm kiếm các chứng cứ bảo vệ cho luận điểm “phải đi du học TQ” của em, em sẽ tái kiểm tra xem liệu em có sai ở chỗ nào không. Có khi nào TQ không phải là lựa chọn tốt nhất không? Có khi nào em chỉ đang mơ hồ tìm kiếm một cái gì đó bất kì, chứ không thể chắc chắn được trường ĐH ở TQ kia là lựa chọn đúng không? 
Câu hỏi tiếp theo là, nếu như kinh tế gia đình không thể tiếp tục lo cho em học 3-4 năm nữa thì tại sao em lại chọn vứt đi năm đầu ĐH của em ở đây? Và 03 năm nữa với chi phí thấp - để đánh đổi lấy 04-05 năm ĐH đắt đỏ hơn ở xứ người? Em sẽ làm gì để nuôi sống bản thân? Học bổng có phải 100% đâu, em còn phải trả các chi phí khác nữa cơ mà? 
Với những dữ liệu em trình bày trong ask này thì anh cũng thấy là em chưa có đủ bằng chứng thuyết phục để xác định lựa chọn đúng hay sai. Và khi mà em chưa thể chắc chắn, thì việc bỏ học ở đây là sai. 
Hãy làm nghiên cứu đi em. Đừng tin vào trực giác, đặc biệt là khi em đang quá mê đắm một ý tưởng (hay một người) nào đó. 
38 notes · View notes
lemd · 5 years
Note
Chào anh. Em bỗng nhiên phát hiện đc điều mình muốn làm và người mình muốn trở thành trong tương lai.. Anh có thể cho em biết để vào được Tổ chức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em 1 cách chính đáng, thì mình cần học về bằng cấp nào?
Chào em, 
Câu hỏi của em hẳn là đã rất lâu rồi, anh không nhớ là mấy năm, nhưng là một trong những câu hỏi anh muốn trả lời nhất. Ngày hôm qua anh đã có dịp gặp chị Kim Thanh - Trưởng phòng Chăm sóc Trẻ em và Bình đẳng giới trong một buổi tập huấn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về chủ đề Bình đẳng giới. Anh có nêu câu hỏi của em và chị ấy rất vui được tiếp nhận những sự trợ giúp đến từ các sinh viên và người trẻ để phổ biến thông tin về bảo vệ phụ nữ, trẻ em, người già, và những nhóm yếu thế khác trong xã hội (LGBT hay người tàn tật chẳng hạn). 
Các em nào thật sự muốn phát triển công việc của mình trong lĩnh vực này nên học ở các trường về Nhân văn (Humanity) và Xã hội học (Sociology). Trong quá trình, có thể xin thực tập hoặc học việc ở bộ phận này. Họ không có ngân sách lớn để trả cho nhân sự, công việc chủ yếu mang tính tình nguyện. Anh không rõ chính xác thì phải trải qua những thủ tục gì để trở thành viên chức nhà nước làm việc trong biên chế, có lẽ phải thi tuyển. Nhưng bộ phận này là một trong những nơi chắc ít người muốn vào vì việc thì nhiều mà lại ít được quan tâm. 
Nếu thật sự em (và các bạn ở đây) muốn làm loại công việc này. Hãy gửi tin nhắn PM cho anh, anh sẽ giới thiệu em tới chị Thanh để được hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn. 
Rất hi vọng em sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội. 
33 notes · View notes
lemd · 6 years
Note
Chào chú, đây là lần đầu tiên cháu đến với blog của chú cũng như là lần đầu tiên xin lời khuyên từ một người lạ mặt trên mạng. Chuyện là từ bé cháu đã mong thi được vào trường chuyên NQD, nhưng mà lại bị bố mẹ từ chối vì xa nhà, cháu xin động lực từ các bạn thì các bạn ấy cứ bảo cháu thi ở đây. Không phải cháu không luyến tiếc gì quê nhà cùng với bạn cũ, nhưng đây là giấc mơ từ khi bé của cháu. Chú có nghĩ giấc mơ là giấc mơ này không thể thực thi không ạ?
Chào cháu, chú nhìn thấy hình bóng của mình cách đây mười mấy năm nên quyết định trả lời ngay câu hỏi này. 
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chú cũng không thực sự có định hướng và cũng không biết phải làm gì với cuộc đời mình nên đã đi học tiếng Anh. Một năm sau chú mới nhìn thấy mục tiêu là đi du học. Và chú đã quyết tâm đến cùng để làm được điều đấy. 
Chú đã xin mẹ tài trợ tiền để mua vé máy bay và xin visa bay 10.000km sang Phần Lan để thi. Tiền không có để ở lại nên chú phải quay về nhà chờ kết quả. Nhưng lúc đó tự tin lắm vì mình biết mình đã làm bài rất tốt. Và hai tháng sau thì chú biết mình đỗ - không phải trả đồng học phí nào, chỉ cần vác xác đi học thôi. Đấy mới là lúc chú nói cho bố biết mình sẽ đi du học. Chú biết là nếu nói từ đầu thì sẽ bị từ chối vì bố sẽ nghĩ là tốn kém, lãng phí, và viển vông. Cũng may là mẹ ủng hộ.
Nếu cháu muốn thực hiện ước mơ này, hãy có 1 kế hoạch, và phải hành động ngay theo các bước sau:
1. Tìm ra người sẵn sàng ủng hộ mình: nếu là người trong gia đình thì tốt. Người đó có vai vế, địa vị cao càng tốt. Làm trong ngành giáo dục, là giáo viên càng tốt hơn nữa. Họ sẽ giúp cháu thuyết phục bố mẹ mình. 
2. Lấy thông tin về kỳ thi vào trường đó. Thi ở đâu, thi lúc nào, nội dung thi là gì. Nếu thi ở xa thì phải có kế hoạch đi đường, ăn ngủ thế nào. Thi xong có đi về luôn không? Bao giờ có kết quả? Những câu hỏi này cháu phải tìm hiểu rõ và phải trình bày được cho bố mẹ và người ủng hộ cháu. 
3. Cháu phải tự tin là mình sẽ làm được và có cơ sở cho niềm tin đó. Không phải là trò chơi may rủi. Có như thế cháu mới có thể làm bài tốt để thi đỗ và mọi người cũng tin tưởng hoàn toàn vào học lực của cháu để đặt niềm tin. 
Hi vọng rằng nhiều năm sau khi nhìn lại, cháu cũng sẽ như chú bây giờ, không bao giờ hối hận vì những gì mình đã làm. Bởi vì con người ta chỉ nuối tiếc những gì họ đã KHÔNG LÀM thôi. 
Chúc cháu đạt được ước mơ của mình. 
Thân mến,
Chú Lemd giọng trầm như tàu ngầm. 
95 notes · View notes
lemd · 6 years
Text
anh Lemd ơi, em được biết anh cũng là cựu du học sinh Phần Lan. Ngày anh quyết định về Việt Nam luôn, anh có bị shock văn hoá gì ko?
Có chứ em. Đó là 1 hiện tượng rất thú vị. Người ta gọi là reverse culture shock. Đó là khi những thứ từng là bình thường trong nhiều năm trước bỗng trở nên cực kỳ quái dị khi gặp lại. 
Có vài ví dụ như thế này:
Sau 1 năm đầu tiên đi nước ngoài, về nhà anh không dám lái xe máy trong 7 ngày. Đường quá đông đúc, chật chội, mọi người chen lấn xô đẩy nhau. 
Đi thang cuốn, người VN đứng cả hai bên, lẫn lộn. Người Phần thì đứng sang 1 bên để nhường đường cho ai đang vội. 
Anh về làm SIM điện thoại mới. Bước vào cửa hàng, thấy có máy bấm số, anh bấm và ngồi chờ. Chờ nửa tiếng vẫn không thấy số nhảy, còn mọi người thì cứ đi ra đi vào chen lấn lên cái quầy đăng kí. Anh quyết định chờ thêm 15 phút nữa xem sao. Cuối cùng thì anh cũng phải đứng dậy và thử chen vào hỏi thủ tục đăng kí như thế nào. Hóa ra vì không có ai sử dụng cái máy bấm số nên họ chỉ để cho vui vậy thôi. Còn mình thì quá kiên nhẫn vì tưởng rồi sẽ đến lượt mình. 
Anh có bằng lái ô tô của Phần Lan, nhưng sau khi về lái thử 2 lần thì anh quyết định sẽ không lái ô tô ở VN nữa. Ít nhất là cho đến khi được ai đó hướng dẫn cách tự bảo vệ xe của mình trên đường. Mình thì không đâm vào ai rồi, chỉ sợ người ta đâm vào mình rồi ăn vạ thôi. 
Cuối cùng là chuyện đi làm. Anh cương quyết nói không với văn hóa hối lộ, xun xoe, nhờ vả, lừa đảo, gian lận... Và 1 năm đầu tiên vô cùng khó khăn. Hà Nội vốn là quê anh mà anh không thể ở lại đó làm việc được nữa. Nó quá sức chịu đựng nên anh đành phải tìm kiếm cơ hội ở Sài Gòn. Cảm giác như 1 đất nước khác vậy. 
Tuy nhiên anh vẫn không hối hận về việc quay lại. Bởi vì đây cũng là 1 dạng trải nghiệm mới. Và triết lí của anh là em phải va chạm càng nhiều càng tốt với đủ loại văn hóa khác nhau để hiểu được xã hội thật sự là như thế nào. Hiểu được rồi thì em mới kiểm soát được nó. Và hiện nay công việc của anh khá ổn, anh đang góp phần xây dựng cho đất nước này tốt đẹp hơn, từng ngày một. Anh cũng hi vọng sẽ đẩy nhanh được nó, nhưng một mình anh thì không làm nổi rồi. Anh cần những người như em. Chúng ta có thể làm cho đất nước này tốt hơn cùng nhau. 
276 notes · View notes
lemd · 6 years
Note
Công việc của anh là gì vậy.. hiện tại anh sống ở đâu
Dạ thưa cán bộ, em chỉ là một giảng viên nghèo không mua tình bán điểm, chưa có tiền xây nhà ở Sài Gòn thôi ạ :( xin đừng bắt em trước khi em ra được sách huhu
37 notes · View notes