Tumgik
thebalotraveler · 5 years
Text
Một số điểm lưu ý khi đi bụi Bali, Indonesia
Bali không phải thiên đường, người ta truyền tai nhau lắm thì nó thành thiên đường thôi.
Theo ước lượng bằng mắt thường của tớ thì đến 70 – 80% diện tích Bali là cây cối, đi đâu cũng thấy cây dừa, cây hoa đại, và một số loại cây to đùng đùng khác. Kiến trúc nhà cửa (không tính cổng hay đền đài gì nha) ở Bali cũng không đẹp, nếu không nói thẳng ra là khá xấu. Vì vậy nên tổng thể mà nói thì cảnh quan Bali cũng ở mức trung bình. Tuy nhiên, Bali lại được thiên nhiên ưu ái nhiều địa điểm đẹp đậm chất thiên đường, đã đẹp là đẹp mãn cả hai con nhãn luôn đó. Theo cá nhân tớ thì có lẽ vì mấy khu thiên đường ấy mà Bali cũng nổi danh thành đảo thiên đường luôn. Thực tế thì Bali cũng chỉ là hạ giới thôi, nên các chế đừng quá kỳ vọng khi vừa đặt chân tới Bali nha.
Tumblr media
                          Một góc hoa, đá, biển, và trời ở Uluwatu
1. Khỉ
Mấy đứa khỉ ở Bali ngáo, láo, trộm cướp như ranh đó các chế, nhớ hết sức cảnh giác bọn nó nha.
Lúc đến Đền Uluwatu tớ không may tương tác bằng mắt với 1 đứa khỉ mà rồi bị nó nhảy tót lên người cướp cho bằng được cặp kính tớ đang đeo đó. Trong lúc tớ mải mê rủ rê dụ dỗ đứa này trả lại kính thì lại có một đứa khác tấn công từ trên cây xuống rồi cướp đi cái mũ tớ đang đội. Cướp xong là chúng nó cấu xé, ngấu nghiến kính với mũ của tớ như món tráng miệng. Lúc đó tớ cũng chỉ biết đứng im hú hét như khỉ, vì sợ di chuyển thì chúng nó chạy biến vào bụi cây cmn mất. Nghe thấy tiếng hú của tớ với của mọi người xung quanh thì có một ông “sư phụ” của mấy đứa khỉ đến giải cứu đồ của tớ. Ổng quăng cho chúng nó đồ ăn rồi chạy theo chúng nó vào bụi cây khoảng 10 phút thì chui ra cùng với kính và mũ của tớ. Giá trả cho dịch vụ đòi đồ là 20.000 Rp. Bài học kinh nghiệm là khi được khỉ nhìn thì quay đi chỗ khác nha, đừng nhìn lại nó làm gì mà chuốc nghiệp vào thân đó.
Tumblr media
                 Tên cướp giật đang gặm kính làm tráng miệng bữa trưa
Tiếp đến là mấy đứa khỉ đầu trộm đuôi cướp ở Rừng Khỉ Ubud. Sau vụ Uluwatu, tớ sợ bọn khỉ chết ngất rồi nên không có ý định đến Rừng Khỉ làm gì hết. Nhưng tớ lại vô tình đi bộ qua khu đó và trên tay thì xách một túi nào hoa quả, nào trà, cà phê, đồ lưu niệm. Kết quả là khi tớ đi ngang qua cổng Rừng Khỉ thì một đứa nhào ra cấu rách túi, cướp đi gói hoa quả cộng theo một đứa khác cướp mất hộp trà, rồi chúng nó leo tót lên mái nhà ngay đó cấu xé gói hoa quả với hộp trà của tớ, ngay trước mắt tớ. Nhưng vẫn may là không phải cả đám khỉ nhào vào, nếu viễn cảnh kinh khủng đó xảy ra thì chúng nó đã cướp hết công sức dậy sớm đi dạo chợ của tớ rồi. Bài học rút ra là khi các chế đi qua mấy chỗ có khỉ, đặc biệt là Rừng Khỉ (ở đây chi chít khỉ), thì nên cất tất cả đồ lạ, dễ bị cướp vào balô hoặc túi xách chắc chắn, chống chỉ định mọi loại túi nilong.
2. Giao thông
Grab/Go Jek
Ở Bali, Grab/Go Jek bị coi là tội đồ và biển cấm Grab/Go Jek được treo ở khắp nơi (đặc biệt là mấy chỗ ăn chơi nổi tiếng). Nguyên nhân thì tớ có hỏi một ông lái xe taxi tự do thì ổng bảo là giá Grab/Go Jek rẻ quá, như thế là không bằng cho bọn tao vì ai cũng chọn đi Grab/Go Jek cho tiết kiệm, nhất là mấy đứa đến đây du lịch. Vậy nên Grab/Go Jek sẽ bị cấm ở một số địa điểm nhất định để tạo công ăn việc làm cho bọn tao, Chính phủ tao thì bảo vệ bọn tao chứ đâu có bảo vệ mày. Đó, nguyên nhân là như thế nên người dân ở đây kỳ thì Grab/Go Jek lắm. Tớ đặt Grab từ A nhưng tài xế phải hẹn đến B để đón nè.
Ngoài ra, khi chọn đi chơi bằng Grab/Go Jek mà tài xế đề nghị đợi các chế để đưa các chế về lại nơi ở (phí thoả thuận) thì nhớ đồng ý luôn nha hoặc nếu họ không chủ động đề nghị thì mình chủ động thay nha. Hôm tớ đi Đền Lempuyang Luhur với Tirta Gangga bằng Grab, ông tài xế có bảo sẽ đợi rồi đưa tớ về lại Ubud, nhưng tớ một mực từ chối vì ý định của tớ là sẽ bắt chuyến Grab khác đi chơi rồi đi về và vì cảm giác đi chơi mà có người chờ đợi thì thực sự không thoải mái. Thế là ổng quay về Ubud, trước khi về không quên nhắn nhủ kèm cảnh báo với tớ là mày mà bắt được Grab về Ubud thì tao ở đây luôn cho mày xem. Cuối cùng thì tớ không bắt được Grab/Go Jek thật. May mắn là ở quanh đó vẫn có dịch vụ xe ôm/taxi, dù phải đi với giá đắt cắt cổ nhưng đến tối thì tớ cũng có mặt ở Ubud an toàn.
So sánh Grab và Go Jek: Go Jek chất lượng tương đương Grab. App của Go Jek cũng dễ sử dụng. Lái xe Go Jek rất thân thiện. Hầu hết giá Go Jek rẻ chỉ bằng khoảng một nửa giá Grab. Tớ đặt Grab từ Ubud đến Sân bay Ngurah Rai hết 238.000 Rp, Go Jek hết 142.000 Rp, cả hai bên đều là ô tô nha. Cuối cùng tớ chọn Go Jek vì giá rẻ hơn hẳn, lúc đi rồi thì thấy dịch vụ của họ rất là đáng trầm trồ.
Đường xá
Đường ở Bali hơi nhỏ và khá dốc ở mấy khu đồi núi, nhưng chất lượng đường thì xịn xò lắm. Ngoài ra, ở Bali cũng có tắc đường; tuy nhiên, tắc đường ở Bali chỉ gay cấn bằng nửa độ tắc đường ở Hà Nội thôi, lúc tắc đường thì xe máy vẫn đi được chứ không bị kẹt cứng. Vì vậy, các chế mà chọn đi xe máy thì cứ an tâm trổ tài nhào lượn nha.
Tumblr media
                                            Đường ở đảo chính Bali
Ở các khu đảo khác thì tớ không rõ vì chưa trải nghiệm, nhưng chất lượng và độ quanh co của đường ở Nusa Penida thì phải gọi là kinh khủng khiếp. Tớ ngồi trong xe ô tô thôi mà đổ ngả đổ nghiêng, ruột gan thì xóc long òng ọc trong bụng đó. Để bảo vệ ngọc thể thì các chế không nên đi xe máy ở đây nha.
Thuê xe máy
Theo tớ thấy thì thuê xe máy đi chơi ở đảo chính Bali là thuận tiện và tiết kiệm nhất đó. Khi đi xe máy thì mình có thể chủ động thời gian, địa điểm và không phải lo chuyện bị Grab/Go Jek từ chối nha.
Đoạn đường từ Ubud đi Đền Uluwatu và Đền Tanah Lot thực sự rất dễ đi, đến Đền Lempuyang Luhur với Tirta Gangga thì hơi khó hơn chút vì đường dốc mà quanh co. Theo tớ tìm hiểu thì đến Danau Beratan cũng khó đi chút chút vì cũng là đường đồi núi dốc.
Nhưng đi xe máy cũng có một điều mà mình không kiểm soát được là cảnh sát giao thông. Tớ sẽ kể chuyện cảnh sát giao thông ở dưới nè.
Cảnh sát Giao thông
Ở Việt Nam mình mà bị cảnh sát giao thông hú là vì mình đã phạm luật rõ ràng, trắng trợn như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều,… Nhưng ở Bali thì chỉ cần đi xe máy ngoài đường là bị hú nha. Cảnh sát giao thông ở đây ngộ lắm. Bốn đến năm ông đứng ngoài đường chặn cả đoàn xe máy đang đi, yêu cầu dừng lại chỉ để hỏi Đăng ký xe với Bằng lái xe/Bằng lái xe Quốc tế. Khách du lịch mà không có Bằng lái xe Quốc tế thì sẽ bị lùa vào một khu như cái nhà kho để làm thủ tục trả tiền. Hôm tớ bị tóm là ngoài tớ ra còn có khoảng hơn 10 bạn Tây du lịch nữa. Lúc vào làm thủ tục ông cảnh sát bảo, theo quy định của bọn tao thì mức phạt tối đa là 1.000.000 Rp, nhưng tao chỉ lấy mày 500.000 Rp thôi. Nghe thế tớ phải dở trò diễn xuất, tao không mang đủ tiền đâu, mày xem trong ví tao có hơn 300.000 Rp đây này (Sự thực là tớ còn cơ mà giấu chỗ khác đó :v), xong mở ví, moi hết tiền ra cho ổng xem. Sau đó, ổng lấy luôn 300.000 Rp của tớ rồi tỉnh bơ bảo tao lấy 300.000 Rp cũng được, mày cầm chỗ tiền lẻ này đi. Đến đoạn này là tớ thấy ông cảnh sát ni đúng là mất hết bản tánh con người lương thiện. Lúc đó tớ mới bắt đầu triệu hồi sư phụ diễn xuất nhập rồi làm vẻ mặt đáng thương bảo, tao về Ubud với đám tiền lẻ này thế nào được, Ubud ở xa đây, mày biết mà. Mày cầm 200.000 Rp đi, tao lấy lại 100.000 Rp. Kết quả sau một hồi trả giá thì hôm đó tớ vẫn mất 200.000 Rp đó.
Dù ở Việt Nam hay ở Bali thì các chế cũng nhớ là không để nhiều tiền trong ví khi đi ra đường và lúc bị hú còi thì cố gắng diễn xuất thần thánh nhất có thể nha.
3. Khoảng cách
Các điểm thiên đường ở Bali cách nhau rất xa, nên trước khi đi các chế nhớ lập danh sách địa điểm muốn đến rồi hãy lựa chọn nơi ở sao cho thuận tiện nhất nhé. Vì nếu chọn được nơi ở gần với địa điểm mà các chế đến thì các chế sẽ tiết kiệm được sức lực, thời gian, và cả tiền nữa.
Đợt này tớ chọn ở Ubud vì tớ muốn tận hưởng không khí yên bình, thanh tịnh để sạc lại pin cho ngọc thể. Nhưng vấn đề là tớ lại đi khám phá mấy điểm thiên đường ở rất xa Ubud: Đền Uluwatu, Đền Tanah Lot, Đền Lempuyang Luhur, Tirta Gangga,… Vì thế nên tớ đã tốn rất nhiều thời gian trong việc đi lại: từ Ubud đi Đền Uluwatu (3 tiếng, xe máy, tớ mù đường), Ubud đi Đền Lempuyang Luhur (2h30 phút, xe máy, grabber bản địa dùng Google Map), Tirta Gangga về Ubud (1h45 phút, ô tô, lái xe bản địa thạo đường).
Tumblr media
                                                 Ubud
4. Trả giá
Người bán hàng ở Bali luôn nói thách, nên hãy tỉnh táo trả giá nha các chế. Tớ thường trả nửa giá hoặc 3/5 giá mà họ vẫn vui vẻ bán đồ cho tớ nè, nên có thể sẽ có cơ hội trả giá thấp hơn đó.
5. Ổ cắm điện
Ổ cắm điện ở Bali cũng là ổ 2 chấu như Việt Nam, nên các chế khỏi cần mang bộ chuyển đổi làm gì cho thêm nặng hành lý nhé.
6. Giờ giấc (chỉ áp dụng cho các chế quen giờ KL)
Giờ ở Bali là giờ +8 xịn nha, không phải giờ +7 quá độ lên +8 như KL đâu. Vì vậy nên 6h – 6h30 là trời bắt đầu tối thùi lùi rồi.
Hôm đi Tanah Lot, tớ ngáo ngơ căn theo giờ KL. Ý định ban đầu là tớ sẽ đến Tanah Lot để ngắm quàng hôn xem đẹp rực rỡ, sặc sỡ như thế nào. Tớ tính tầm 6h – 6h30 đến Tanah Lot rồi đi lượn lờ chờ quàng hôn là đẹp rồi. Nhưng đó là tớ đang căn theo giờ KL nên mọi thứ đổ bể, tan tành hết. Lúc tớ tới nơi tầm 6h30 gì đó là mặt trời không còn nữa, trời cũng nhá nhem tối mất tiêu. Vì vậy, đừng chủ quan trong việc canh giờ nha các chế.
Tumblr media
                                      Tanah Lot lúc chiều tà
Tớ sẽ kể về lịch trình đi bụi Bali trong bài viết sau nha. Vấn đề là tớ cũng chưa rõ là khi nào sẽ viết ra được nè. :v
                                                                                                  Huonguyen198
0 notes
thebalotraveler · 5 years
Quote
Life is full of possibilities
Tyrion Lannister 
1 note · View note