Tumgik
phishthoughts · 1 year
Text
“Cuộc chia tay của những con búp bê”, cuộc ly hôn của một cặp vợ chồng, và tư tưởng kỳ thị nữ giới (mysogyny) trong văn học.
Đầu tiên ta cần phải xét về bối cảnh của tác phẩm. Được viết vào năm 1992, nhận được giải thưởng trong cuộc thi “viết về quyền trẻ em”, đây là truyện ngắn kể về hai anh em nọ có bố mẹ ly hôn và cô em gái phải đi sống với mẹ, còn cậu anh trai thì ở lại với bố. Xuyên suốt tác phẩm là sự buồn đau khi phải xa nhau của hai anh em, hình ảnh người mẹ trong tác phẩm mặc nhiên bị khắc họa như một “kẻ phản diện”, người sẽ mang cô bé Thủy về quê với bà ngoại, và sẽ “sắm cho em một thùng hoa quả để ra chợ ngồi bán”, trong khi đó, người bố không hề được nhắc đến trong tác phẩm, chỉ được giải thích bằng một câu văn: “Mấy ngày rồi, bố vẫn biệt tăm.” 
Là một trong những tác phẩm văn học được sử dụng trong chương trình giảng dạy môn Ngữ Văn cấp hai, tác phẩm “Cuộc chia tay của những con búp bê” được coi như là một thông điệp phản đối hành vi ly hôn của các cặp vợ chồng, phụ huynh với cái lý do cao cả rằng sự chia cách sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của con trẻ. Và ngay chính trong xã hội ngày nay vẫn tồn tại tư tưởng rằng “ly hôn” đồng nghĩa với “bi kịch gia đình”, là một “vấn nạn xã hội”. Đó cũng là lý do cho những vụ việc bạo lực gia đình, những cặp vợ chồng không hạnh phúc, những gia đình thiếu đi tình yêu, dẫn đến một thế hệ con cái có cái nhìn không lành mạnh về tình yêu và hôn nhân. 
Đồng thời, mình muốn nhấn mạnh về hình ảnh người mẹ trong câu truyện ngắn này. Được viết bởi một nhà văn nam, người mẹ trong câu chuyện vô hình chung nhận lấy cái nhìn đánh giá của người đọc với những câu thoại giận dữ và được cho là người trực tiếp chia tách hai đứa nhỏ. Mình cho rằng đó là một sự bất công đối với bất kì người mẹ, người phụ nữ nào. Hơn nữa góc nhìn của tác phẩm, khi được đem ra làm chương trình học của học sinh lớp 7, bị hạn chế vì tác phẩm không thể hiện được toàn cảnh câu chuyện mà chỉ tập trung vào việc hai đứa trẻ bị chia tách bởi cuộc ly hôn. 
Với phần mở đầu trên, mình muốn viết một phiên bản khác của tác phẩm dưới góc nhìn của người mẹ, vì thành thật mà nói, phải chăng chúng ta đã quá tập trung vào “hạnh phúc” của những đứa trẻ non nớt kia mà đã quên mất hạnh phúc của người lớn? Dẫu sao thì tất cả chúng ta ai cũng có quyền được hạnh phúc đúng không? 
CUỘC CHIA TAY CỦA NHỮNG CON BÚP BÊ
Nhìn tấm đơn ly hôn trên bàn, tôi bần thần nhớ về thời còn trẻ, khi tôi và chồng mới quen nhau, hai đứa khi đó còn trẻ, anh thì đang ôn thi vào đại học, còn tôi khi đó chỉ là cô nông dân phụ giúp gia đình với thửa ruộng nhỏ. Với hai đôi bàn tay trắng, tôi và anh đã cùng nhau cố gắng vượt qua cái nghèo, cái khổ của miền quê để xây nên tổ ấm của riêng mình. Lúc đó, anh vẫn thường nắm lấy đôi bàn tay chai sần vì công việc đồng áng của tôi thủ thỉ rằng: “Sau này anh có công ăn việc làm ổn định, cưới em về rồi, anh hứa sẽ đem đôi tay này dưỡng ra cho thật trắng, thật mềm.” 
Rồi đến cái ngày anh cầu hôn tôi dưới gốc cây đa nơi đầu làng vào một đêm rằm, tôi vẫn nhớ rõ lúc đó tay của anh run run, câu nào câu nấy đều vấp trước vấp sau, tiếng ve râm rang lúc đó tựa như khúc nhạc lễ đường, nơi mà chúng tôi sẽ cùng nhau bước đi. Lúc đó chiếc nhẫn bạc trong tay anh lấp lánh dưới ánh trăng, đẹp hơn bất kì món trang sức nào mà tôi từng thấy trong đời. Anh vụng về đeo nó vào ngón giữa của tôi, vừa giải thích rằng số tiền anh dành dụm được từ công việc dạy kèm chỉ đủ để mua nhẫn bạc, sau này đỗ bằng cử nhân, kiếm được tiền rồi anh sẽ mua cho tôi nhẫn vàng đẹp hơn nhiều. Giờ đây, trên tay tôi chính là chiếc nhẫn vàng mà anh đeo lên ngón áp út của tôi vào ngày cưới, dưới sự chứng kiến của họ hàng hai bên gia đình, và sự chúc phúc của cha mẹ, lúc đó tôi đã cho rằng mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian này. 
Sống với nhau được một năm, tôi sinh đứa con trai đầu tiên, một thành viên nhỏ mới của gia đình. Anh đặt tên con là Thành với hi vọng con sau này ra đời sẽ gặt hái được thật nhiều thành công, trở thành một người thành đạt. Cũng vào thời điểm đó, anh được chuyển công tác lên thành phố, chúng tôi gói ghém gia đình nhỏ của mình, rời miền quê yên bình, đến với nơi phố thị phồn hoa. Vào ngày đầu tiên khi chuyển đến căn nhà mới, anh đã ôm tôi từ phía sau, nói rằng: “Em chỉ việc ở nhà chăm lo cho gia đình nhỏ của chúng ta, chuyện tiền nong cứ để anh lo.” Lúc đó, cả hai chúng tôi đều đang hướng về phía Thành, khi đó chỉ mới vài tháng tuổi, đang ngủ say trong chiếc nôi nhỏ cạnh cửa sổ phỏng. Lúc đó, tôi đã rất hạnh phúc. 
Tôi nào hay biết, hạnh phúc này rồi cũng có ngày lụi tàn, gia đình nhỏ mà tôi yêu thương, dành biết bao nhiêu tâm huyết để xây dựng và bảo vệ rồi cũng phải lụi tàn. Sau khi mang thai đứa con thứ hai, cái Thủy, tôi và chồng không còn mặn nồng như trước kia. Anh thường xuyên tăng ca, những tối muộn anh trở về trên người toàn mùi bia pha lẫn mùi hương mà tôi không biết gọi tên, những nỗi lo vô hình dần xuất hiện trong tôi, nhưng phận là phụ nữ, tôi không dám hỏi nhiều về công việc của chồng. 
Vào cái ngày mà tôi bắt gặp bóng hình chồng tôi cùng một người phụ nữ lạ mặt trong một quán nước bên đường trên đường đi chợ, một chút gì đó trong tôi như mất đi sự kiên cố vốn có của nó. Có lẽ đó là lòng tin, là sự tự tin, rằng gia đình nhỏ của tôi sẽ luôn thật hạnh phúc và vững chắc, nhưng tôi nào hay biết rằng một trụ cột của ngôi nhà nhỏ của tôi đã dần lung lay. 
Tôi không biết phải làm gì, đôi khi nhìn hai đứa nhỏ tôi lại tự nhủ lòng rằng có lẽ mình nên vờ như không biết gì, cứ giữ im lặng để bảo vệ gia đình của mình. Thành và Thủy hai đứa rất yêu thương nhau, chúng vẫn luôn bao bọc cho nhau, chúng sẽ phản ứng ra sao khi biết chuyện? Đôi khi tôi tỉnh giấc lúc nửa đêm, nhìn ra phía ngoài cửa sổ, từng dãy nhà dân lúc này đã tắt hết đèn, chỉ còn ánh đèn đường vàng heo hắt, cô đơn và lạnh lẽo, tôi muốn bật khóc nhưng không thể, chỉ còn cách chôn kín những tủi hờn sâu trong lòng mình, nhìn về phía giường của chồng, anh vẫn ngủ say như không có chuyện gì, dường như chỉ có tôi là người thay đổi. Thi thoảng tôi lại viết thư gửi về nhà ba mẹ, ba tôi qua đời năm Thành ba tuổi, Thủy lúc đó chỉ mới vài tháng, mẹ tôi khi đó đã trấn an tôi rằng mẹ có thể sống tốt một mình, bà không muốn phải trở thành gánh nặng cho tôi và chồng. Từ ngày biết chồng tôi có người phụ nữ khác bên ngoài, không biết đã bao nhiêu lần tôi muốn nói với mẹ, nhưng lại thôi, tôi sợ mẹ buồn, sợ mẹ lo lắng cho tôi. Là con út trong gia đình sáu anh chị em, mẹ vẫn luôn thương tôi nhất, mỗi buổi chiều mát sau khi trở về từ ruộng, mẹ vẫn hay bảo tôi ngồi xuống để bà chải tóc cho. Tay của mẹ chai sạn và thô ráp nhưng cái cách bà vuốt ve mái tóc của tôi thật nhẹ nhàng luôn là kỉ niệm mà tôi không thể nào quên. Mẹ từng nói với tôi rằng, mái tóc của người phụ nữ là món quà của ông trời, vậy nên dù có chuyện gì xảy ra cũng phải bảo dưỡng cho thật tốt, thật đẹp. 
Nhớ đến mẹ, sống mũi tôi lại cay cay, nhìn lên đồng hồ treo tường trong phòng, tôi gọi ra ngoài: 
Thôi, hai đứa liệu mà đem đồ chơi ra chia đi.
Tôi nên biết rằng, cây kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra, bí mật của chồng, và cũng là của tôi, dần lớn. Rồi đến một ngày tôi hỏi chồng:
Em thấy anh và cô nào đó tại hàng nước gần chợ ba hôm trước. Ai vậy anh? 
Tôi không thể giữ bí mật này nữa, sự uất ức như càng ngày một lớn hơn trong tôi, và tôi không thể nào kìm lại. Câu nói đó bật ra một cách vô thức khi tôi nhìn chồng, anh lúc đó vừa trở về từ một buổi “giao lưu” với đồng nghiệp, cả người anh lại hôi mùi bia và thuốc lá. Lúc đó đã là 10 giờ khuya, cái Thủy và Thành đã đi ngủ cả rồi, nhưng tôi lại không ngủ được. Ánh nhìn của chồng tôi lúc đó như thế nào, tôi không thể miêu tả được, có sự giật mình pha chút chột dạ, nhưng cũng có sự giận dữ xa lạ mà tôi chưa thấy bao giờ. 
Đồng nghiệp nữ mà thôi, em việc gì mà phải quan tâm tới công việc của anh vậy? 
Đối mặt với câu hỏi của chồng, tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tôi nên nói gì bây giờ, rằng tôi mặc cảm vì bản thân mình là cô gái từ quê lên thành phố, hàng ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, làm những công việc nội trợ, chăm lo con cái, tôi cảm th��y mình không thể bì được với những cô gái thành phố, có ăn học, biết cách ăn mặc, lại còn thông minh, có thể đi làm, kiếm tiền, tôi sợ hãi khi thấy chồng mình vui cười cùng người phụ nữ khác, người mà tôi biết rằng khi so với tôi, chắc chắn sẽ vượt trội hơn ở nhiều mặt. Những cảm xúc đó như nghẹn lại trong cổ họng của tôi, để rồi những lời duy nhất tôi thốt ra sau đó lại là: 
Em xin lỗi, em chỉ hơi tò mò mà thôi. 
Một quãng thời gian sau đó, chồng tôi về nhà sớm hơn, những bữa ăn gia đình dần trở lại thành bữa ăn bốn người như trước, và sự lo lắng trong tôi cũng giảm đi phần nào. Có lẽ tôi đã quá lo nghĩ mà thôi. Thế nhưng, sau vài tuần, chồng tôi lại quay về với những cuộc “giao lưu” mà anh vẫn gọi là “mở rộng mối quan hệ”. Khi đó, tôi đã tự nhủ mình rằng, chí ít thì anh ấy vẫn luôn về nhà, không biết từ khi nào mà tôi đã hạ thấp kì vọng của mình đến như vậy. 
Rồi đến một ngày, anh không về nhà. Tối đó tôi thức trắng đêm, với hi vọng rằng một lúc nào đó mình sẽ nghe thấy tiếng chìa khóa và tiếng cửa, nhưng đến rạng sáng, khi ánh đèn đường bên ngoài đã tắt và gánh phở đầu đường đã bắt đầu bày bán, cánh cửa kia vẫn im lặng. Anh trở về vào lúc 6 giờ sáng, không một lời giải thích, chỉ đi thẳng vào phòng mà ngủ đến trưa, Thủy và Thắng không hề biết ba của chúng nó cả đêm không về, chỉ cười chọc ghẹo rằng ba là người lớn rồi nhưng vẫn thích ngủ nướng. Còn tôi, sau một đêm không ngủ, không biết nói gì, chỉ gượng cười nhìn hai con chơi với những món đồ chơi của chúng một cách ngây thơ. Lúc đó, tôi chỉ muốn bật khóc, nhưng tôi không thể cho phép bản thân yếu đuối, tôi phải mạnh mẽ để bảo vệ tổ ấm của mình, bảo vệ hai con. 
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là tìm hiểu về mối quan hệ của chồng tôi và người phụ nữ kia. Đâu đó bên trong tôi đang gào thét rằng chồng và người phụ nữ kia đang có quan hệ bất chính sau lưng tôi, nhưng cũng có một tiếng nói nhỏ bé đâu đó trong đầu tôi rằng tôi đã quá đa nghi, có lẽ họ chỉ thật sự là đồng nghiệp và rằng lúc tôi bắt gặp họ chỉ đang nghỉ trưa mà thôi, có lẽ chồng tôi thật sự đang muốn mở rộng mối quan hệ để có thể tiến xa hơn trong công việc, để có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cho mẹ con chúng tôi, có lẽ đêm qua chồng tôi đã phải tăng ca nên không thể về nhà vì sợ đánh thức mẹ con chúng tôi, đâu đó trong tôi vẫn luôn nắm chắc niềm tin vào chồng. Nhưng tôi biết rõ rằng niềm tin đó đang dần lung lay và tôi không thể gìn giữ nó lâu hơn được nữa. 
Tôi cảm thấy hổ thẹn khi thập thò nơi công sở của chồng, Thành và Thủy đã đến trường, bình thường vào lúc này, tôi sẽ đi chợ hoặc ở nhà dọn dẹp, nhưng hôm nay, tôi lại đội nón, ngồi tại quán nước gần công ty của chồng. Giờ nghỉ trưa đến, những nhân viên văn phòng trong bộ áo quần chỉnh chu, áo sơ mi trắng, quần âu đen ùa ra từ cổng công ty, tôi tìm kiếm bóng hình quen thuộc của chồng trong đám người kia nhưng không thấy anh đâu, có lẽ công việc quả thật bận rộn đến mức anh không có thời gian để nghỉ trưa chăng. Nỗi hổ thẹn trong tôi dân lên khi nghĩ rằng mình đã không có niềm tin vào chồng, nhưng rồi tôi nhìn thấy chồng tôi cùng với cô gái mà tôi đã bắt gặp ở hàng nước gần chợ, họ đi ra cùng nhau, vai sánh vai. Cả hai cùng nhau cười nói, nụ cười đó của chồng, đã rất lâu rồi tôi chưa được nhìn thấy, nay nó đã không còn dành cho tôi nữa. Sự bất lực như chiếm lấy tôi, bây giờ tôi phải làm gì tiếp theo đây? Đi ra chặn hỏi hai người đó? Như vậy sẽ chỉ khiến chồng tôi mất mặt trước đồng nghiệp của anh mà thôi. Tôi ngơ ngác nhìn chồng và người phụ nữ kia đi về phía một hàng cơm gần đó, nhìn anh chia cho người phụ nữ đó phần thịt trong bát của mình, một động tác mà rất lâu trước kia anh vẫn thường làm cho tôi khi cả hai vẫn còn ở dưới quê và bữa cơm vẫn còn đạm bạc với hai ba món rau, canh, hiếm hoi có một bữa thịt, anh sẽ gắp phần thịt nhiều hơn cho tôi. Sự quan tâm kia tưởng chừng như chỉ dành cho tôi giờ đây đã không còn thuộc về tôi nữa. 
Có lẽ đó là lúc mọi thứ tôi đã cố gắng gầy dựng lên sụp đổ. 
Từ sau khi nhắc đến chuyện ly hôn, cuộc sống trong gia đình nhỏ của tôi đã không còn như trước nữa. Chồng tôi không còn trở về nhà nữa, tôi tự hỏi anh đang ở đâu, mặc dầu có lẽ tôi biết rằng anh đang ở cùng cô tình nhân kia, nhưng không dám suy nghĩ nhiều. Thành và Thủy khi nghe đến việc phải xa nhau liền khóc nháo, đối với lũ nhỏ, cuộc ly hôn này sẽ tách hai anh em chúng ra, và tôi là người chia rẽ hai đứa nó. Đôi khi Thành nhìn tôi với ánh mắt trách móc như con dao đâm vào lồng ngực, đôi lúc, khi phải đối mặt với cặp mắt sưng đỏ của Thủy, tôi chỉ muốn gào lên trong tuyệt vọng, chúng muốn mẹ chúng phải làm gì, nói gì bây giờ? Liệu tôi phải thú nhận rằng bản thân để thua một người phụ nữ thành phố có giáo dục, xinh đẹp, và thông minh, nên bây giờ hai anh em chúng nó phải xa nhau sau? 
Tự khi nào mà tình yêu thương đối với gia đình nhỏ của tôi dần xuất hiện sự căm ghét, phẫn uất mà tôi không thể nào xóa đi. Nhìn thấy hai anh em chúng nó ngồi với nhau nhìn ra ngoài hiên một buổi sáng nọ cứ như chúng sẽ chẳng bao giờ có thể gặp lại nhau lần nữa, trong tôi như bừng lên cơn giận giữ, có lẽ trong mắt chúng, tôi giờ đây đã là kẻ phản diện mất rồi, còn ba của chúng nó đến tận bây giờ cũng không thấy đâu. Tôi nhìn những bọc hành lý của mình ngổn ngang dưới sàn, rồi lại nhìn hai đứa nhóc, tôi quát: 
Thằng Thành, con Thủy! Đem chia đồ chơi ra chưa?
Nhìn chúng nó hoảng hốt, tôi lại cảm thấy chột dạ. Thằng Thành ngoài những lúc quậy phá ra, tôi chưa từng nặng lời với nó, còn cái Thủy hiền lành, chưa bao giờ khiến tôi phải rầy la, vậy mà từ khi tôi và ba chúng nó quyết định ly hôn, đã bao nhiêu lần tôi mất bình tĩnh mà lớn tiếng với chúng nó rồi? Tôi nghe tiếng chúng nó trong phòng, chia nhau những món đồ chơi mà ba chúng nó mua tặng, chẳng có đứa nào chịu chia, nghe chúng nó đẩy qua đẩy lại những món đồ chơi kia khiến tim tôi nặng trĩu. 
Đừng lằng nhằng nữa! Chia ra! - Tôi quát rồi quay đi, vì nếu nhìn lại, có lẽ tôi sẽ bật khóc. 
Trước khi đi, cái Thủy khóc nói muốn đến trường chào cô và bạn bè, tôi gật đầu bảo chúng nó đi sớm rồi về vì đầu giờ chiều xe sẽ đến. Nhìn bóng lưng hai anh em nó, mắt tôi lại nóng lên, những giọt nước mắt tôi không thể kìm lại chảy dài trên hai má tôi, còn phía sau là căn nhà nhỏ mà tôi đã luôn yêu mến, nay lại trống không. 
Về quê, tôi sẽ ở cùng mẹ, sau khi mẹ biết chuyện tôi và chồng ly hôn, bà đã rất lo lắng, cứ gặng hỏi anh chị em về tình hình của tôi. Cuối cùng bà nói “Thôi thì con về đây với mẹ, mẹ nuôi con.” Nghĩ đến mẹ, đến bản thân mình, tôi lại nghĩ đến cái Thủy, về quê tôi sẽ không thể gửi nó đi học được nữa, trường thì ở xa nhà, nó lại là con gái, ở cái nơi làng quê kia thì con gái như nó chỉ có thể ra chợ bán trái cây qua ngày mà thôi. Ôi con gái của tôi, tôi không muốn con phải trải qua sự bất hạnh đó, nhưng còn con đường nào khác đây, xuất thân của tôi không có gì nổi trội, gia đình bình thường, chỉ học đến hết cấp ba, tôi có thể dạy con ở nhà, nhưng sau đó thì sao? Còn thằng Thành nữa, ở với ba nó, rồi ai sẽ nấu cơm, giặt áo, ai sẽ gọi nó dậy đi học mỗi sáng, ai sẽ vá quần cho nó mỗi khi nó đi chơi bóng về bây giờ? Tôi vừa lo lắng, vừa thẫn thờ nhìn con đường nhỏ dẫn vào nhà, bóng dáng của hai đứa nó tự lúc nào đã quay trở về. Từ xa nhìn lại, chúng như hai con búp bê nhỏ, đứa lớn nắm tay đứa nhỏ, chúng vẫn luôn một mực bao bọc nhau, thương yêu nhau, vậy mà giờ đây hai con búp bê vẫn thường dính với nhau này phải chia tay nhau. 
Tôi chất từng túi đồ lên xe, cái Thủy sụt sùi ôm túi đồ chơi, lúc xe chuẩn bị lăn bánh, nó bật khóc, chạy lại ôm chặt thằng Thành, nói rằng:
Anh ơi! Bao giờ áo anh có rách, anh tìm về chỗ em, em vá cho anh nhé…
Tôi xoa đầu Thành lần cuối, lau mấy giọt nước mắt trên khuôn mặt lem luốc của nó, rồi nắm tay Thủy đi về phía xe đang chờ, tôi tự hỏi hai con búp bê này, rồi sẽ ra sao…
— —
1 note · View note