Tumgik
mocdang-blog · 7 years
Photo
Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media
“Điều làm nên một ngày của chúng ta không phải là chinh phục được mặt trăng cũng chẳng phải trúng xổ số một số tiền khổng lồ. Chỉ là tấm bưu thiếp, một lời cảm ơn, một bó hoa ,một tách café hay một chén trà mà ai đó đã đặt trên bàn ta mà thôi… Chúng ta phải tiếp tục sống, nếu chỉ vì những thứ này đi chăng nữa…”
783 notes · View notes
mocdang-blog · 7 years
Text
Vài dòng về tuổi thơ ở “khu tao sống”
Cuối ngày,  mình tình cờ đọc được một đoạn viết về nơi “chôn nhao cắt rốn” của cô bạn cùng khoa. Thế là cũng đánh thức trong lòng mình vài dòng suy nghĩ về mảnh đất đã lắng nghe tiếng khóc đầu tiên của mình. Nơi mình muốn nói tới  vốn chẳng phải một nơi tấp bật của Sài Gòn, cũng chẳng phải nơi sầm uất của nhất của huyện này mà nó chỉ là một vùng ven nông thôn. Nơi đây ngày trước nó là một khu chỉ toàn đồng ruộng, cuốc cày, sau này có vài nhà dựng lên ở thì mới lập nên xóm ấp. Bây giờ thì nó đã thay đổi rất nhiều, khiến những người ở đây còn phải bất ngờ vì sự đi lên của nó. Dù nó thay đổi tới dường nào đi chăng nữa thì nó cũng gắn bó một cách trọn vẹn với tuổi thơ của mình. Xóm mình hồi đó yên ả, thanh bình lắm. Giờ mình ngồi ngẫm nghĩ lại chắc mình cũng không tin là ở thành phố tấp nập như thế này lại tồn tại một nơi yên bình như thế này sao? Xung quanh nhà độ mười năm về trước chỉ toàn là những cánh ruộng lúa ngày xưa và các bờ gò. Do theo nhu cầu kinh tế hay lý do nào khác mà người ta đành phải bán đi những con ruộng mà cha ông mình tích góp, gìn giữ bao đời cho con cho cháu. Xung quanh đó còn có những bụi cây bạch đàn. Mình còn nhớ như in là vào những mùa bạch đàn ra hoa, thay lá là nhuộm vàng cả cánh đồng xanh, hoa bạch đàn tỏa một mùi hương dịu mát như là mùi của trời, của gỗ, của đất mà không xen lẫn vào đâu được. Những đứa trẻ chăn bò ngày đó chọn những gốc bạch đàn to làm nơi bám víu để chạy trốn những cơn nắng dữ của trưa hè. Mình nhớ rõ vào khoảng thời gian này lúc mình còn là một đứa trẻ cấp một nhỏ xác, vô tư và hồn nhiên chẳng chút lo âu, áp lực như bây giờ. Những chiều tan trường về, thời đó chỉ biết học về và vui chơi, tối thì học bài và đúng tám giờ là coi như đã yên giấc ngủ. Đi học về là chỉ biết về thẳng nhà, với cha mẹ với những cánh đồng thân yêu thơm mùi cỏ, chẳng phải vướng bận về điểm số và học thêm học bớt như lũ trẻ bây giờ. Những chiều về chỉ biết thả mình trên đồng theo những con gió, chạy nhảy bắt cào cào, châu chấu, mỗi lần như thế là cỏ chọt vào chân nghe ngứa ngứa nhưng rất thích. Mùa diều!Hồi ấy khoái nhất là mùa diều mỗi độ giữa xuân. Thời điểm mà bọn trẻ con trong xóm nô nức ra đồng vui đùa, đứa này nạnh đứa kia “ diều tao đẹp hơn, bự hơn diều mày”. Mình cũng đua chen theo tụi nó, cũng bắt mẹ mua cho con diều phượng hoàng đuôi dài thật to, đủ sắc để mỗi chiều đem ra thi đấu với chúng nó. Nghĩ mà buồn cười thiệt, mình là đứa duy nhất không bị “băng” diều bởi vì mình xài dây cước, diều đứa nào vướng vô là coi như xác định ( ác từ nhỏ)
:)) Cho nên, con diều kỉ niệm cho đến bây giờ mình vẫn còn giữ, nó đã hơn mười năm. Cứ chiều về là chẳng buồn thay áo, để nguyên bộ đồng phục cầm diều phi thẳng ra ruộng, tay buông diều, tay thì giữ cuộn dây và chạy nhanh như đang thả tuổi thơ theo gió, nhờ diều bay gởi dùm mình biết bao ước mơ hồn nhiên nhỏ bé của một đứa trẻ lên bảy. Ở ruộng ban ngày thì tận hưởng mùi hương của cỏ, của đất, ngoài ra ban đêm thì bạn còn nghe được thứ “âm thanh đồng nội” của đám lưỡng cư và côn trùng. Mùa khô thì đươc nghe nhiều âm thanh lắm. Tiếng dế thì y rằng đêm nào cũng nghe riết quen tai. Còn mùa hạ thì nghe tiếng ve. Không chỉ nơi sân trường mới nghe được tiếng ve, mà ở đồng cũng nghe được nữa đấy, râm ran cả vùng trời. Sợ nhất vào tháng Trung thu, mùa của tiếng lạch xành. Nhờ nó mà bạn chẳng cần coi lịch là đã biết Trung thu sắp về, tiếng “lạch xa lạch xành” của nó làm bạn không thể lẫn đi đâu với tiếng nào được nữa. Có lần nghe ba mình kể, hồi xưa ông bà còn lợi dụng tiếng kêu của đám côn trùng này để dọa mấy đứa trẻ là “ngủ đi, ông kẹ kêu đó, không ngủ là ông kẹ bắt”. Đêm nào mà một con lạch xành nào lọt vào trong nhà là đêm đó cả nhà coi như khỏi ngủ bởi tiếng “la hét” gọi mùa của nó. Hồi đó mình cũng khờ lắm, có lần hỏi mẹ “ủa mẹ, chừng nào mấy con quỷ này hết kêu vậy”, mẹ nói “khi nào chỗ này hết đất, hết ruộng” Công nhận mẹ nói đúng ghê, giờ người ta bán ruộng bán đất, đua nhau cất nhà nên những con ấy rủ nhau đi chơi ở đâu hết rồi. Hồi trước mỗi đêm là nghe tụi nó râm ran, đi cả vào trong giấc ngủ mà thành ghiền, nhờ nó mà hồi đó đêm nào cũng ngon, giờ hết rồi nên mỗi lần khó ngủ lại nhớ tụi nó.Ở chỗ mình ngày xưa, thương nhất là vào những mùa mưa. Lúc còn tiểu học, đường trong xóm mà mình đi học mỗi ngày là những con đường đất đỏ. Mưa đến là lổm chổm những vũng nước đỏ ao, chiều đi học về mà có xe chạy ngang là bẩn hết cả áo trắng. Mình phải lật đật chạy về thật nhanh, vội quăng cái áo trắng vào thau nước vì sợ mẹ thấy mẹ la. Mùa mưa ngập ruộng nặng nhất là từ tháng tám đến tận tháng mười. Cứ mỗi đêm đến thì cóc, nhái, ễn ương đua nhau ỉ ôi rền ngoài đó. Vào mùa này, chiều chỉ biết xoắn quần lội  xuống bắt ốc với đám trong xóm. Mùa khô ruộng cạn lắm, ấy vậy mà khi nước ngập là nước có khi lên tận đầu gối. Đứa này đẩy đứa kia té sấp xuống ruộng, ướt mình vậy mà vui, ở chúng chỉ biết vui đùa , vui cho hết mùa nước ngập đến mùa nước cạn, vui cho hết niềm vui của tuổi thơ ngày đó. Những niềm vui mà bọn trẻ bây giờ tìm lại chắc khó lắm.
Trải qua bao nhiêu cuộc bể dâu, xóm làng nơi mình đã thay đổi đến chóng mặt. Hồi xưa mùa gió thì dưới cánh đồng rợp người, trên trời thì rợp sắc. Mùa nắng thì cỏ cháy, mùa mưa thì cỏ xanh, nước ngập. Còn bây giờ hai mùa như một, bởi vì còn ruộng nữa đâu nữa mà cỏ với cây. Thay vào đó là những ngôi nhà, những xưởng sản xuất nhỏ, tất cả chỉ vì nhu cầu thời đại, tuân theo quy luật tất yếu của cuộc đời này thôi. Xóm cũ ngày xưa cũng thu hút nhiều dân nhập cư nhiều miền đến sinh sống, bước chân ra đuờng gặp người lạ hơn là người quen, tình làng xóm ngày đó cũng dần thay đổi. Dù buồn dù nhớ những tháng năm đó thì mình cũng phải chấp nhận và tuân theo nó thôi, ngoài ra thì bản thân mình cũng tự nhủ phải phấn đấu trở thành một bộ phận góp công phát triển nó nữa chứ...Rất vui, rất hạnh phúc và rất nhớ, bởi vì mình đã được tận hưởng một niềm vui tuổi thơ đúng nghĩa!
0 notes