Tumgik
giandaide · 3 years
Text
Những tỷ phú đến từ hư không - Kỳ 4: Người trốn chạy và những kẻ quay đầu
Nguồn: https://vietstock.vn/2018/09/nhung-ty-phu-den-tu-hu-khong-ky-4-nguoi-tron-chay-va-nhung-ke-quay-dau-3355-626316.htm
Các tài phiệt ở Nga đa phần là những kẻ không sạch sẽ. Tuy nhiên, họ có thể chia ra làm hai nhóm: biết điều và không biết điều.
Làm ăn tại một môi trường luật pháp không rõ ràng và tham nhũng khá phổ biến như nước Nga thời mới cải cách là một thử thách không hề nhẹ. Để có thể tồn tại và phát triển đòi hỏi người kinh doanh phải biết luồn lách và quan hệ. Điều này lại càng trở nên rõ nét hơn ở các nhà tài phiệt. Vì vậy, những người này rõ ràng không phải là những nhân vật trong sạch gì.
Tuy nhiên, kỳ vọng các nhà đại tư bản trở thành những con người trong như nước, sáng như gương thì đúng là một ảo tưởng lớn. Ngay cả John Davidson Rockefeller, Andrew Carnegie hay John Pierpont Morgan cũng từng được coi là những nhân vật máu lạnh, vô tình trong giới kinh doanh trước khi được cả xã hội kính trọng và ngưỡng mộ.
Giới tài phiệt chia phe
Khi Putin bước vào điện Kremlin, các trùm tài phiệt chia thành hai nhóm đối lập gay gắt. Các tài phiệt Roman Abramovich, Alisher Usmanov và Oleg Deripaska là những cánh chim đầu đàn của nhóm ủng hộ. Trong khi đó, Mikhail Khodorkovsky, Boris Berezovsky và Gusinsky lại là hạt nhân của phe nổi loạn. Một cuộc tranh đấu nổ ra.
Tumblr media
Abramovich, Usmanov và Deripaska – “Kiềng ba chân” của Putin. Nguồn: Daily Mirror
Điển hình nhất cho sự so kè của hai “băng nhóm” này chính là cuộc đấu trí giữa Roman Abramovich và Boris Berezovsky. Sự đối đầu giữa một người trẻ tuổi tham vọng và một con cáo già đầy quyền lực đã tạo ra nhiều giai thoại ở nước Nga thời đó.
Người không chân dung
Các tài phiệt thường xây dựng cho mình hình ảnh giống như những con ngáo ộp đáng sợ. Khi nhìn vào mặt Alisher Usmanov hay Boris Berezovsky, bạn có thể thấy được sự kiêu ngạo khủng khiếp. Khi gặp Oleg Deripaska hay Mikhail Khodorkovsky, bạn có thể bị áp đảo bởi “thần thái” thông minh và ngôn ngữ sắc sảo. Nhưng khi nhìn thấy Roman Abramovich, bạn sẽ có cảm giác như đang nhìn một “ông bạn nhà bên” hiền lành và vui tính. Một con người không chân dung và không dấu vết!
Roman Abramovich hầu như không gây cho chúng ta cảm giác phải chú ý đến ông ấy. Ông không thích tranh luận, không thích phát biểu cũng không thích kiểm soát người khác. Ai có thể nghĩ con người có vẻ ngoài “bình thường” như vậy có thể trở thành kẻ lật đổ Boris Berezovsky đáng sợ, làm bạn với Tổng thống Putin đầy quyền lực và là một trong những người giàu nhất thế giới.
Người đầu tiên phát hiện ra vai trò của Abramovich trong hậu trường là nhà báo Alexei Venediktov, Tổng biên tập Đài Tiếng vọng Moscow. Ông đến điện Kremlin để gặp gỡ những nhà hoạch định chính sách. Đầu tiên của ông là tham dự cuộc họp thông báo tình hình chung dưới sự chủ tọa của Alexander Voloshin, Chánh Văn phòng Tổng thống. Khi cuộc họp này kết thúc, Venediktov bắt chuyện với một người lạ mặt khoảng hơn 30 tuổi ở hành lang điện Kremlin.
Sau đó, ông bắt đầu tiếp xúc và làm quen với các ứng viên văn phòng nội các. Họ trả lời: “Chúng tôi đang chờ phỏng vấn”. Venediktov hỏi ai sẽ phỏng vấn họ và khi họ mô tả anh ta, ông nhận ra rằng đó chính là người đàn ông trẻ mà ông đã gặp hồi nãy. Không lâu sau, ông phát hiện ra quyền lực ghê gớm của người này.
Các ứng cử viên tham gia vào chính quyền của Putin đều phải trải qua cuộc phỏng vấn của Abramovich. Tuy nhiên, Abramovich không bao giờ khoe khoang điều này. Trong cuộc gặp gần đây nhất với Venediktov, Abramovich nhấn mạnh: “Tôi khẳng định với anh là tôi không thích chính trị”. Venediktov liền nhắc lại việc Abramovich đã giúp thành lập nội các năm 2000 như thế nào và các ứng cử viên bộ trưởng trong chính quyền Putin phải đến gặp ông ấy ra sao. Abramovich trả lời: “Không phải như thế. Đó chỉ là các cuộc trò chuyện giữa những người bạn”. Những cuộc trò chuyện giữa những người bạn ngay trong điện Kremlin ư? Venediktov chả bao giờ tin vào điều đó nhưng ông cũng không có bằng chứng nào quá cụ thể cho việc Abramovich tham gia thao túng quyền lực cả. Ông ta che chắn quá kỹ.
Quan hệ với Berezovsky
Sau này, Roman Abramovich luôn khẳng định ông không có quan hệ đồng chí hay bạn bè thân thiết gì với một kẻ lưu vong như Boris Berezovsky. Về vấn đề này thì ông chủ Chelsea đúng. Bởi ngay cả khi ông Vladimir Putin bước vào Điện Kremlin thay quyền Boris Yeltsin, Boris Berezovsky còn chẳng coi ông Putin ra gì! Khi đó, Roman Abramovich làm gì có “số má” mà đòi làm bạn thân với Berezovsky.
Roman Abramovich chỉ đơn giản xem Boris Berezovsky là hình mẫu để ông vươn lên chứ không hề có tình cảm gì ở đây. Bằng những món trang sức và những xấp USD dày cộm, Abramovich nhanh chóng lấy lòng được bà Anna Gelman, vợ Boris Berezovsky. Thế là Abramovich nhanh chóng trở thành một tay chân thân tín được Boris Berezovsky đỡ đầu. Đổi lại, sau mỗi phi vụ làm ăn, Boris Berezovsky đều nhận được những khoản tiền lớn và theo tiết lộ của Abramovich thì tổng cộng khoảng 2.5-3 tỉ USD.
Tumblr media
Abramovich và Berezovsky không quá thân thiết như nhiều người nghĩ. Nguồn: Economist
Giai đoạn 1996-1997, mối quan hệ của Boris Berezovsky và Roman Abramovich được nâng lên tầm cao mới khi Berezovsky cho “đàn em” tham gia sở hữu cổ phần tại Sibneft, một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất ở Nga.
Ngày nay thì Abramovich đã trở thành một trong những người giàu nhất ở Nga. Còn Boris Berezovsky lại trở thành kẻ tị nạn chính trị ở Anh.
Quay đầu kịp lúc
Năm 2000, ông Vladimir Putin bước vào điện Kremlin thay cho Boris Yeltsin. Ông đã mạnh tay thực hiện cải cách. Kết quả là nền kinh tế Nga vượt qua được khủng hoảng, niềm tin được khôi phục nhưng gây nên những thiệt hại to lớn cho các ông trùm. Lúc này, Boris Berezovsky quyết tâm hạ bệ Putin và thay bằng một kẻ khác “dễ bảo” hơn.
Mỗi bước chân của Boris Berezovsky, Roman Abramovich đều theo sau quan sát và học hỏi. Nhưng Abramovich không bắt chước tất cả. Tại thời khắc quan trọng của cuộc chiến, ông đã có lựa chọn cho mình.
Ông tự hỏi tại sao phải tôn thờ và trung thành với hai ông Boris: một đã về hưu (Boris Yeltsin), một đang bị đánh tả tơi (Boris Berezovsky) vì đi ngược lại với lợi ích kinh tế của dân tộc Nga vĩ đại? Thế là “đàn em” Roman Abramovich dạy cho “đại ca” Boris Berezovsky một bài học đau đớn. Abramovich đổi phe và hất cẳng bố già Berezovsky ra khỏi tất cả các định chế, công ty mà ông này có tham gia.
Dưới mắt nhiều người, Roman Abramovich ủng hộ Putin và đi vào điện Kremlin giống như cái cách Boris Berezovsky từng bước vào nơi ấy thời Boris Yeltsin. Boris Berezovsky bị xử tội và phải chạy sang Anh tị nạn. Trái lại, ông chủ của Chelsea được tung hô như một người anh hùng có công lớn với nền kinh tế Nga và thể thao Nga.
Tuy nhiên, mối quan hệ của Abramovich và Putin theo đánh giá của giới quan sát chuyên môn khác hẳn mối quan hệ giữa Berezovsky và Yeltsin. Vì Roman Abramovich không phải một nhà chính trị hay triết gia, ông ta chỉ là một nhà kinh doanh đơn thuần, luôn biết nhẫn nhịn và tuyệt đối tuân thủ pháp luật cũng như quan tâm đến lợi ích của nhân dân Nga.
Roman Abramovich có thể không phải là người tốt nhưng với Tổng thống Putin ông chắc chắn là một kẻ biết điều và có trách nhiệm.
Tumblr media
Abramovich luôn có mặt mỗi khi Putin cần sự ủng hộ và giúp đỡ. Nguồn: The Times
Sự thỏa hiệp cần thiết
Dù Vladimir Putin rất ghét Boris Berezovsky nhưng ông cũng tiếp thu điều mà tài phiệt này từng nhắn nhủ ông: “Các nhà đại tư bản luôn luôn đứng sau lưng các chính khách. Nền kinh tế thị trường và xã hội hiện đại được vận hành như vậy. Nếu như ông xoá bỏ một nhân vật này thì ngày mai sẽ có một nhân vật khác nổi lên ngay thôi”.
Tổng thống Nga không chỉ biết trừng trị các nhà tài phiệt lũng đoạn bằng “nắm đấm thép” mà còn khéo léo chìa “bàn tay nhung” cho những người nào thực tâm muốn phục vụ cho nhà nước và nhân dân như Roman Abramovich, Oleg Deripaska hay Alisher Usmanov. Rõ ràng nước trong quá sẽ không có cá, cũng không cần đuổi tận giết tuyệt làm gì!
Tổng thống Putin cũng liên tục gặp gỡ lãnh đạo các tổ chức lớn như Hội đồng Do thái, một tổ chức đầy quyền lực và được kính trọng ở Nga cũng như trên toàn thế giới. Những vận động và nỗ lực của ngài Putin đã phần nào giúp nước Nga vực dậy và đi lên.
Ông đã làm tròn lời hứa với Boris Yeltsin năm xưa: “Giữ gìn nước Nga”.
Tumblr media
Tổng thống Putin gặp gỡ lãnh đạo của Hội đồng Do thái. Nguồn: BBC
Thế Phong (Lược dịch từ Godfather of the Kremlin và The Billionaire from Nowhere)
0 notes
giandaide · 3 years
Text
Những tỷ phú đến từ hư không - Kỳ 3: Sự xuất hiện của "người Nga trầm lặng" Putin
Nguồn: https://vietstock.vn/2018/08/nhung-ty-phu-den-tu-hu-khong-ky-3-su-xuat-hien-cua-nguoi-nga-tram-lang-putin-3355-624659.htm
Với tính cách lạnh lùng và quyết đoán, Putin đã đưa nước Nga ra khỏi vòng kiểm soát của các tài phiệt.
Cuối năm 1999, Boris Yeltsin tuyên bố từ chức và trao quyền tổng thống cho Thủ tướng Vladimir Putin. Trước khi rời khỏi điện Kremlin, ông Yeltsin đã dặn dò Putin một câu ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa sâu xa: "Hãy gìn giữ nước Nga".
Trở thành Tổng thống Nga là điều mà Putin chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, Yeltsin đã lựa chọn đúng người để dẫn dắt nước Nga hồi sinh từ tro tàn.
Tumblr media
Putin khi mới nhậm chức Tổng thống. Nguồn: Sputnik International
Khởi đầu với nghề điệp viên
Vladimir Vladimirovich Putin sinh ngày 7/10/1952 tại thành phố Saint Petersburg trong một gia đình công nhân. Ngay từ nhỏ, Putin đã thể hiện tư chất thông minh, hạnh kiểm tốt nhưng thường xuyên có những cách nghĩ khác người. Ông công khai thể hiện ý tưởng sẽ trở thành điệp viên ngay từ nhỏ.
Khi vào đại học, Putin vẫn rất chuyên cần và đạt thành tích tốt. Đến năm 1975, Putin tốt nghiêp đại học và được KGB liên hệ để thu nhận. Ông được KGB huấn luyện gần 2 năm rồi sau đó về Saint Petersburg hoạt động. Năm 1984, Putin được KGB phái sang Cộng hòa Dân chủ Đức để nằm vùng trong 5 năm.
Ít gây chú ý với người xung quanh, làm việc quyết đoán hiệu quả và trung thành tuyệt đối với đất nước là những giá trị mà các điệp viên KGB luôn thấm nhuần. Người sỹ quan trẻ Putin chính là điển hình trong các điển hình của KGB. Nói theo ngôn ngữ của kiếm hiệp Trung Hoa thì Putin là dạng người “thâm tàng bất lộ”.
Vị Phó Thị trưởng trung thành và trầm lặng
Năm 1989, trước các sự kiện bức tường Berlin sụp đổ và KGB đi xuống, Putin đã quyết định chấm dứt sự nghiệp làm điệp viên. Ông về làm trợ lý cho Anatoly Sobchak. Sobchak là một chính trị gia rất có uy tín ở Nga và sau đó đã đắc cử Thị trưởng của Saint Petersburg vào năm 1991. Điều thú vị là ông từng thầy dạy của cả Vladimir Putin và Dmitry Medvedev. Cả hai người học trò của ông sau này đều đi đến đỉnh cao quyền lực của nước Nga.
Tumblr media
Putin và Sobchak trong một hội nghị ở Saint Petersburg. Nguồn: Russia Today
Khi Sobchak trúng cử chức Thị trưởng, Putin được đề cử làm Phó Thị trưởng và giữ chức này cho đến năm 1996. Dù luôn được xem là thân tín gần gũi và có ảnh hưởng nhất với Sobchak, Putin không bao giờ phô trương quyền lực của mình.
Đến tháng 6/1996, Sobchak mất chức và bị tố cáo tham ô. Putin đã thể hiện sự trung thành của mình bằng cách từ chối làm việc dưới trướng người lãnh đạo mới.
Tiến vào điện Kremlin
Được Chubais giới thiệu, Putin được giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý sự vụ Tổng thống. Chỉ trong vòng 4 năm, Putin đã thăng cấp chóng mặt và làm quyền Tổng thống Nga vào cuối năm 1999. Điều này phải kể đến công lao của Boris Yeltsin.
Sau nhiều năm cầm quyền, Boris Yeltsin nhìn xung quanh mình toàn là những kẻ tham lam, xảm trá và cơ hội. Ông đau đầu và trăn trở không thôi về số phận của nước Nga trong những năm tới. Vì nhiều lý do ông không thể thực hiện các cải cách cũng như xóa bỏ những bất cập trong hệ thống quản lý đất nước. Ông muốn trao gửi cho người xứng đáng hơn mình. Bất chợt, ông nhận ra sự tồn tại của một người luôn làm việc lặng lẽ với ánh mắt kiên định và sự tận tụy với đất nước. Con người này khác hẳn với đám Luzhkov, Gaidar, Chubais… chỉ chăm chăm đấu đá giành quyền lực. Con người này lại càng không giống với bọn Berezovsky, Khodorkovsky, Gusinsky… chuyên đào mỏ tài nguyên nhà nước để làm đầy túi riêng. Chẳng ai chú ý tới sự tồn tại của Putin ngoài Yeltsin.
Yeltsin đã nhìn thấy ở Putin “tất cả những phẩm chất mà ông vẫn muốn nghĩ về các vị tướng Nga”. Ông viết trong hồi ký của mình: “Nước Nga đã luôn tự hào về các vị tướng của mình. Những vị tướng của cuộc chiến tranh năm 1812, những vị tướng của chiến dịch Crimea, những vị tướng vĩ đại của Chiến tranh thế giới thứ II. Tôi luôn ngóng đợi một vị tướng giống như vậy xuất hiện. Thời gian trôi qua, vị tướng ấy đã xuất hiện. Anh ấy chính là Vladimir Putin".
Lúc đầu, ông Putin không mấy mặn mà với đề nghị được thăng chức mà vị Tổng thống Yeltsin đưa ra. Ông Putin chỉ đáp ngắn gọn: "Tôi sẽ làm việc bất cứ ở vị trí nào mà ngài đề cử". Phải mất công lắm thì ông Yeltsin mới thuyết phục được Putin nhận làm người kế nhiệm mình. Không phải ai cũng có con mắt tinh đời như Boris Yeltsin. Ông đã nhìn ra một thủ lĩnh mới cho nước Nga ở một viên chức chính phủ với bề ngoài có vẻ bất cần danh vọng và phù hoa như Vladimir Putin lúc đó.
Cuối cùng Yeltsin đã ra một quyết định gây tranh cãi nhất và cũng là đúng đắn nhất trong cuột đời mình. Ông trao quyền lực lại cho Putin, người mà khi ấy vẫn chưa được công chúng biết tới rộng rãi.
Putin là một người trung thành, cần mẫn và kín đáo nhưng cũng đầy bí hiểm. Nếu bạn đã đọc cuốn Man Without A Face (tạm dịch là Người không chân dung) của ông trùm gián điệp Markus Wolf thì bạn sẽ hiểu các điệp viên được dạy rằng phải luôn cố gắng ẩn mình trong đám đông và ít gây chú ý. Putin là người thấm nhuần và hiểu rõ điều này. Ông không cần nổi tiếng mà chỉ cần làm tốt việc mình cần phải làm.
Thanh kiếm kề cổ các ông trùm
Putin từng trả lời phỏng vấn trên tờ Time: “Các nhà tài phiệt ở Nga không còn tuân thủ pháp luật. Họ chỉ biết mải mê làm giàu bất chính và khiến cho hàng chục triệu người Nga mất đi những khoản tiết kiệm ít ỏi để dành cả đời mới có được. Điều đó sẽ tạo ra sự mất niềm tin và căm hận. Trọng trách của tôi là khuyến cáo mọi người tuân thủ luật pháp, bất chấp độ dày quyển sổ tài khoản của họ như thế nào. Dù các nhà tài phiệt giàu có đến đâu cũng không thể đứng trên luật pháp. Kế đến là phải làm sao cho hoạt động kinh doanh của giới doanh nhân có trách nhiệm xã hội hơn. Chúng ta phải đập bỏ bức tường căm hận giữa dân chúng và giới doanh nghiệp. Chúng tôi cần các doanh nghiệp hiểu về trách nhiệm xã hội, nhiệm vụ. Mục tiêu chính đối với một doanh nghiệp không phải là hùng hục làm giàu phi pháp rồi chuyển hết tiền ra nước ngoài tẩu tán tài sản. Họ phải biết nhìn nhận, đánh giá những gì mà một doanh nhân cần làm cho đất nước và cho nhân dân. Cuối cùng, chúng tôi phải làm tất cả để đánh bại đói nghèo”. Thực tế cho thấy Tổng thống Putin đã làm đúng những gì mình nói.
Khi ông Putin bước chân vào điện Kremlin, người lãnh đạo của tập đoàn Gazprom là nhà tài phiệt Rem Vyachirev. Ông ta kiêu ngạo đến mức khi được nghe câu hỏi: “Ông sẽ ra sao nếu Yeltsin thất cử?” đã thẳng thừng tuyên bố: “Dù ai làm Tổng thống cũng phải tìm cách chung sống hòa bình với Gazprom”.
Tuy nhiên, Rem Vyachirev đã phải co vòi trước Vladimir Putin. Trong một cuộc họp về tình trạng thiếu hụt khí đốt, Rem Vyachirev giải thích loanh quanh để biện hộ cho mình và không đưa ra được giải pháp gì. Tổng thống Putin đã nói thẳng: “Nếu ông không làm được thì quân đội sẽ tiếp nhận các đường ống dẫn khí đốt, FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) sẽ phụ trách các hạng mục khác. Ông và các lãnh đạo Gazprom sẽ vào nhà đá”. Vyachirev lập tức tái mặt và nhận ra rằng đây chính là đối thủ đáng gờm nhất trong đời mình!
Vào giữa năm 2000, Putin triệu tập một cuộc họp đặc biệt. Tất cả các tài phiệt giàu có nhất nước Nga được mời đến điện Kremlin. Họ được đưa đến căn phòng lớn nhất để gặp Tổng thống.
Putin kiên nhẫn chờ cho đến khi họ ổn định chỗ ngồi. Với vẻ mặt lạnh nhạt và quyết đoán, ông nói: “Những người ngồi đây đã đóng  góp đáng kể vào công cuộc xây dựng đất nước này thông qua những cấu trúc chính trị và bán chính trị. Vì vậy, tôi thấy chẳng có ích gì khi đổ trách nhiệm cho hình ảnh phản chiếu ở trong gương cả. Tuy nhiên, những điều này cần phải chấm dứt ngay lập tức”. Putin luôn mạnh mẽ và khó đoán trong cả cuộc đời mình. Các nhà tài phiệt già đời dường như lâm vào sợ hãi sau mấy câu nói rắn rỏi đó.
Họ cũng hiểu được phần nào gợi ý của Putin. Thứ nhất là các ông trùm không được tiếp tục thao túng chính trường. Thứ hai là phải đóng thuế đầy đủ và không vi phạm pháp luật nữa. Khi rời khỏi điện Kremlin, các ông trùm chia thành hai nhóm đối lập. Các tài phiệt Roman Abramovich và Oleg Deripaska là hạt nhân của phe có ý định tuân thủ những quy định mới của Putin. Trong khi đó, Mikhail Khodorkovsky, Boris Berezovsky và Gusinsky đứng đầu phe nổi loạn.
Những người tuân thủ luật pháp được đối xử công bằng và tử tế. Còn các ông trùm vẫn muốn duy trì cách kinh doanh vô tổ chức như cũ đã dần dần bị loại bỏ. Tổng thống Putin ra lệnh bắt giữ Gusinsky vì tội tham ô. Tội danh này chỉ được hủy bỏ khi Gusinsky đồng ý chuyển giao tập đoàn Media-Most gồm nhiều tờ báo và đài phát thanh cho công ty Gazprom của Chính phủ với giá trọn gói là 300 triệu USD.
Kế đến là việc khai đao với Mikhail Khodorkovsky vào cuối năm 2003 với loạt tội danh liên quan đến trốn thuế, rửa tiền và biển thủ công quỹ. Khodorkovsky vào tù từ lúc đó và mười mấy năm sau mới có cơ hội hít thở không khí tự do.
Tumblr media
Mikhail Khodorkovsky bị bắt năm 2003. Nguồn: BBC
Sau khi tranh cử tổng thống thất bại, Yuri Luzhkov trở lại ghế Thị trưởng Moscow và không còn gây nên sự chú ý của báo chí. Alexander Smolensky bán lại các tài sản và biến mất khỏi giới doanh nhân.
“Trùm cuối” Boris Berezovsky cũng phải trốn sang Anh để tránh bị truy nã liên bang về hàng loạt tội danh như lừa đảo, rửa tiền… Ông sống cuộc đời lưu vong cho đến lúc chết.
Bị “con trai” phản bội
Sau bao nhiêu thành công vang dội, bao nhiêu phi vụ đẳng cấp thì cuối cùng Berezovsky cũng gặp phải đối thủ lớn nhất trong đời mình. Khốn thay đó lại là học trò cưng mà ông tự nhận là luôn coi anh như con trai mình. Có lẽ điều cay đắng nhất mà Berezovsky phải chịu đựng là bị Abramovich phản bội. Tuy nhiên, chả có người Nga nào trách móc Abramovich cả. Bởi vì ông đã làm điều đó vì lợi ích của nước Nga.
Người Nga nói với nhau rằng nếu phải kiếm màu sắc đại diện cho Abramovich thì đó chính là màu xám. Ông ta không phải màu trắng (lương thiện), cũng không phải màu đen (mafia) mà là một trạng thái trung dung nằm giữa những thứ ấy.
Kỳ 4: Người quay đầu và kẻ trốn chạy
Thế Phong (Lược dịch từ Godfather of the Kremlin và The Billionaire from Nowhere)
0 notes
giandaide · 3 years
Text
Những tỷ phú đến từ hư không - Kỳ 2: Các nhà ảo thuật tài chính
Nguồn: https://vietstock.vn/2018/08/nhung-ty-phu-den-tu-hu-khong-ky-2-cac-nha-ao-thuat-tai-chinh-3355-624245.htm
Những chiêu trò trên thị trường tài chính đã giúp các tài phiệt Nga thâu tóm được lượng tài sản với tốc độ nhanh chưa từng có.
Cái gọi là tỷ phú đến từ hư không (billionaire from nowhere) có thể giải thích một cách thô thiển theo kiểu Việt Nam là tay không bắt giặc, không bột mà vẫn gột nên hồ.
Nếu như ở các thị trường tài chính phát triển có hệ thống văn bản pháp luật rõ ràng, các mánh khỏe kiểu này sẽ bị phát hiện ngay. Khi đó thì các trùm lừa đảo sẽ nhanh chóng được cơ quan chức năng hỏi thăm và vào tù đếm gián. Tuy nhiên, nước Nga trong thời kỳ đó lại không có các điều kiện như vậy.
Bán giấy lộn rồi trốn tránh trách nhiệm
Ví dụ điển hình nổi tiếng về cách móc túi của người Nga vào giai đoạn 1993-1994 chính là AVVA. Đây chính là sản phẩm của Berezovsky và Nikolai Glushkov, giám đốc tài chính của AvtoVAZ.
Berezovsky hợp tác với tập đoàn AvtoVAZ thành lập Công ty cổ phần AVVA. Cấu trúc này do Berezovski chế biến thành. Công ty này được mô tả như là một liên doanh thần thánh với dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại đột phá giữa AvtoVAZ và General Motors. Thậm chí nó còn được thổi phồng một cách quá đáng lên khi so sánh với Volkswagen, tập đoàn trở thành biểu trưng của sự kỳ diệu của nền kinh Đức sau thế chiến thứ II. AVVA được khóac lên mình sứ mạng cao cả là phải trở thành cánh chim đầu đàn cho sự phục hồi nền kinh tế Nga. Ngoài ra, theo quảng cáo của Berezovsky thì nó sẽ thổi sức sống mới cho nền kinh tế Nga và sự ấm no của dân chúng toàn đất nước phụ thuộc nhiều vào đó.
Chiến dịch quảng cáo rầm rộ bắt đầu vào tháng 10/1993 và AVVA nhận được những ưu đãi thuế đáng kể. Tuy nhiên, đọan sau của câu chuyện trở nên khá cay đắng cho nhiều người. Với đề án phát triển khoảng 800-900 triệu USD, AVVA phát hành 300 triệu ngân phiếu.
Tumblr media
Berezovsky và Nikolai Glushkov. Nguồn: Fox News
Tháng 12/1993, công ty AVVA bắt đầu bán ngân phiếu của mình cho dân chúng. Đó là những chứng chỉ giá 7 USD (tương đương 10,000 RUB). Chứng chỉ của AVVA là vô thời hạn và chỉ cần nhà máy ôtô mới được xây dựng xong là có thể đổi chúng ra tiền mặt hoặc cổ phiếu. Những người giữ chứng chỉ cũng được hứa hẹn sẽ tham dự xổ số mà giải thưởng sẽ là hàng nghìn ôtô AvtoVAZ mới trị giá khoảng 5,000-7,000 USD.
Chiến dịch quảng cáo đã mê hoặc người dân tin rằng nhà máy sẽ được xây dựng trong nay mai nên hăng hái tham gia. Hàng chục nghìn người Nga mua chứng chỉ của AVVA.
Tuy nhiên, đến năm 1994, General Motors tách ra khỏi đề án AVVA vì phát hiện nguy tham nhũng tại AvtoVAZ. Lúc này đã có 50 triệu USD ngân phiếu được bán ra. Số tiền đã không đủ để khởi công xây dựng nhà máy. Đến cuối năm 1994, chứng chỉ của AVVA mất đi hầu như toàn bộ giá trị.
Đầu năm 1995, Berezovsky trơ trẽn tuyên bố: ”AVVA không thu thập đủ số tiền cần thiết để xây dựng dây chuyền lắp ráp mới và sẽ giải thể”. Thế là mấy chục triệu USD của các nhà đầu tư nhẹ nhàng tan biến như bong bóng xà phòng. Trong khi đó, Berezovsky và Nikolai Glushkov đã bí mật thụt két công ty AVVA trong quá trình họat động nên kiếm được những khỏan tiền rất lớn để bắt đầu xây dựng đế chế. Trong kế hoạch này Nikolai Glushkov đóng vai trò là tay trong của Berezovsky “nằm vùng” trong AvtoVAZ. Sau khi vụ lừa đảo này thực hiện xong thì Glushkov cũng chuyển sang công ty khác.
Roman Abramovich, học trò cưng của Berezovsky, từng hỏi một nữ nhà báo: “Theo cô đâu là sự khác biệt giữa một con chuột cống và một con Hamster?” Nữ nhà báo không biết. Ông ta lại nói: “Chúng chẳng khác nhau gì đâu. Chỉ là vấn đề PR thôi”. Trong trường hợp AVVA, con chuột cống chẳng có giá trị gì đã trở thành con Hamster giá 20-50 USD trong các cửa hàng thú cưng.
Không sở hữu nhưng vẫn kiểm soát
John D. Rockefeller, một trong những nhà tư bản giàu có nhất lịch sử, có một câu nói cực kỳ nổi tiếng: “Own nothing, control everything”. Berezovsky có lẽ đã thấm nhuần tư tưởng này khi lập ra các quỹ đầu tư ma quỷ của mình.
Ông này lập ra khá nhiều quỹ đầu tư để huy động tiền từ các nhà đầu tư nhỏ trong dân chúng. Sau đó, ông dùng những khoản tiền này đi mua cổ phần của các công ty nhà nước dang được thanh lý với giá thấp đến nực cười.
Nói một cách nôm na là ông dùng tiền của thiên hạ đi mua các công ty nhà nước thanh lý làm ăn tốt. Sau khi nắm quyền kiểm soát công ty thì ông có toàn quyền quyết định với nguồn tài chính của nó. Khi đó tình trạng tham nhũng thụt két sẽ diễn ra và tiền lại chảy vào túi của Berezovsky và đám đàn em.
Để làm được điều này một cách thuận lợi thì Berezovsky cần hậu thuẫn về mặt chính trị. Trên thực tế, hầu như mỗi nhà doanh nghiệp dù muốn hay không đều buộc phải kiếm cho mình một “cái ô”. Đối với những người làm ăn nhỏ, họ thường tìm đến sự bảo kê của các băng mafia địa phương. Còn các tập đoàn lớn thì ô dù là các quan chức nhà nước.
Ô dù của Berezovsky là Alexander Korzhakov, sếp của cơ quan an ninh của Tổng thống Boris Yeltsin (Presidential Security Service - PSB). Korzhakov là người thân cận nhất với Yeltsin và thậm chí còn được gọi là “cái bóng của Tổng thống”. Ông góp phần kìm hãm tiến trình điều tra cảnh sát đối với vụ ám sát nhà báo kiêm đạo diễn nổi tiếng Vladislav Listyev của Berezovsky. Thậm chí, vào cuối năm 1994, Korzhakov còn phái người của mình đến “làm thịt” đối thủ cạnh tranh chính của Berezovsky là Vladimir Gusinsky.
Tumblr media
Alexander Korzhakov trong một cuộc phỏng vấn. Nguồn: BBC
Công thức làm giàu kiểu Nga
Không có ví dụ nào hoàn hảo hơn, sống động hơn và chân thực hơn Sibneft trong trường hợp này. Hàng đống tỷ phú đã được sinh ra từ không khí nhờ phi vụ này.
Vào năm 1995 có khá nhiều thương vụ lớn trong ngành dầu khí xảy ra ở Nga. Ngân hàng Menatep của Mikhail Khodorkovsky vận động hậu trường để mua Công ty Yukos và cặp bài trùng Berezovsky-Abramovich mua Sibneft. Khi đó, Sibneft là công ty dầu khí lớn thứ sáu tại Nga.
Vấn đề của các ông trùm mới nổi chính là chữ “mới nổi”. Nghĩa là họ không có sự tích lũy tiền bạc trong suốt hàng trăm năm kiểu như gia tộc Rothschild ở châu Âu hay gia tộc Rockefeller ở châu Mỹ. Họ chỉ có quyết tâm làm giàu và dựa vào thời thế, quan hệ mà thôi. Chính vì vậy, việc thiếu tiền cho các thương vụ luôn xảy ra. Một khi đã thiếu thì các tài phiệt phải đi vay thôi.
Rất may cho họ là giám đốc các ngân hàng quốc doanh ở Nga đều là những người rất “dễ mến”. Với mức lương thấp nhưng lại có quyền quyết định các nguồn tài chính khổng lồ nên tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp luôn xảy ra. Chỉ cần có cái phong bì dày cộm là Berezovsky đã có thể vay được thêm tài chính để bổ sung cho các vụ làm ăn.
Điều tiếp theo cần làm là đi “quan hệ” với các quan chức phụ trách việc thanh lý tài sản nhà nước. Có lẽ Berezovsky phải cảm ơn ông nào đã phát minh ra cái phong bì. Vì cũng với chiêu tặng phong bì mà ông ta đã mua được các doanh nghiệp hùng mạnh với giá rẻ mạt. Dù vậy, Berezovsky kết hợp với Smolensky và Abramovich đã thành công khi mua lại Sibneft với giá chỉ tầm 100 triệu USD. Berezovsky thậm chí còn không phải trả tiền cho ngân hàng vì cổ tức của Sibneft trong 3 năm đầu tiên đã vượt quá 100 triệu USD!
Tumblr media
Smolensky là đối tác của Berezovsky và Abramovich trong vụ Sibneft. Nguồn: Russia Today
Để hình dung được mức độ “rẻ” mà Berezovsky mua được thì mọi người cần biết rằng, Gazprom của Chính phủ Nga phải chi hơn 13 tỷ USD để mua lại Sibneft từ Abramovich năm 2005. Ông trùm dầu mỏ đã bán hết 73% cổ phần trong công ty Sibneft và trở thành người giàu nhất nước Nga thời điểm đó.
Nói một cách ngắn gọn, các tài phiệt Nga vay tiền của nhà nước (ở đây là các ngân hàng quốc doanh) rồi mua lại tài sản của nhà nước. Cuối cùng bán lại nó cho chính nhà nước. Thế là kiếm hàng tỷ USD dễ như chơi!
Yeltsin trao quyền lực cho Putin
Tình trạng lộn xộn và hỗn loạn trên kéo dài khá lâu. Đã có không biết bao nhiêu tài sản công bị các tài phiệt tham lam và trơ trẽn xâu xé. Nhưng tất cả những thứ đó đều phải dừng lại khi một cựu điệp viên KGB lên nắm quyền Tổng thống Nga.
Có thể nói, cuộc đời cố Tổng thống Boris Yeltsin đã phạm phải vô số sai lầm. Nhưng có khá nhiều người đã tha thứ cho ông vì ông đã làm được một việc vô cùng đúng đắn. Đó là tiến cử Vladimir Putin lên đỉnh cao quyền lực.
Kỳ 3: Sự xuất hiện của "người Nga trầm lặng" Putin
Thế Phong (Lược dịch từ Godfather of the Kremlin và The Billionaire from Nowhere)
0 notes
giandaide · 3 years
Text
Những tỷ phú đến từ hư không - Kỳ 1: Người trong giang hồ
Nguồn: https://vietstock.vn/2018/08/nhung-ty-phu-den-tu-hu-khong-ky-1-nguoi-trong-giang-ho-3355-623967.htm
Lưu manh bình thường không đáng sợ. Đáng sợ ở chỗ là khi lưu manh có học thức. Khi đó, sự phá hoại gây ra sẽ lớn gấp nhiều lần bọn đầu đường xó chợ chuyên đánh nhau, gây rối.
Có những câu chuyện người ta đọc xong vài tuần sau thì quên ngay. Nhưng những chuyện được Paven Khlebnikov kể trong Godfather of the Kremlin và Dominic Midgley, Chris Hutchins đề cập trong The Billionaire from Nowhere lại khiến chúng ta nhớ mãi. Chúng nói về những nhà tư bản nổi lên trong giai đoạn trong những năm 90 của thế kỷ trước ở Nga. Người ta vẫn gọi thời kỳ này là “bóng tối lúc bình minh” (Darkness at dawn).
Họ làm giàu thông qua tệ nạn tham nhũng của quan chức, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và những chiêu trò trên thị trường chứng khoán. Người gánh chịu tất cả những thiệt hại chính là dân chúng. Hi vọng thông qua bài viết này, độc giả sẽ có cái nhìn tỉnh táo hơn để tránh trở thành nạn nhân của những nhà tư bản thiếu đạo đức với cái miệng ngọt ngào và con dao luôn nằm trong tay áo để sẵn sàng xẻ thịt nhà đầu tư.
Chúng ta vẫn thường cảm thấy nhân vật Michael Corleone trong phim Godfather của đạo diễn Francis Ford Coppola là đáng sợ. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ về những nhân vật cộm cán của nước Nga ở thời kỳ này thì chúng ta sẽ thấy Michael Corleone phải quỳ lạy và gọi Boris Berezovsky, Mikhail Khodorkovsky, Roman Abramovich… bằng cụ!
Tumblr media
Al Pacino trong vai Michael Corleone. Nguồn: Business Insider
Xuất phát điểm khiêm tốn
Tại căn hộ ở Moscow, tài xế Alexander Smolensky 30 tuổi đang ngồi trên sofa nguyền rủa số phận hẩm hiu. Smolensky lớn lên không nhìn thấy mặt cha và đầy những nỗi lo toan cơm áo gạo tiền.
Lúc này, Mikhail Khodorkovsky 21 tuổi đang theo học tại Đại học Công nghệ Hoá học Moscow Mendeleev. Tuy nhiên, anh đang bắt đầu thích kinh doanh quán cà phê và làm vài vụ mua bán lặt vặt.
Trên hè phố, chàng sinh viên bỏ học Roman Abramovich đang bán vịt nhựa kiêm “quản lý” vài cái WC công cộng.
Còn ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, nơi các nhà khoa học nghiên cứu tên lửa đạn đạo và hạt nhân nguyên tử, Boris Berezovsky 39 tuổi đang ngồi đọc tài liệu và mơ mộng về giải Nobel Vật lý.
Gần phi trường quốc tế Moscow, gã thanh niên Vladimir Gusinsky đang lái taxi kiếm khách. Hắn mơ trở thành đạo diễn nổi tiếng và đã tốt nghiệp ngành này nhưng lại không xin được việc nên phải lăn lộn kiếm sống bằng nghề taxi “chui”.
Yury Luzhkov 48 tuổi đang chán nản ngồi giữa các viên chức bàn giấy già nua. Ông và các người bạn hầu như chẳng làm được tích sự gì ngoài việc tán gẫu và nhốn nháo vào cuối tháng khi lĩnh lương ở văn phòng thị chính Moscow.
Tại Viện kinh tế Leningrad, Anatoly Chubais 30 tuổi cũng đang than thở bài ca thân phận cuộc đời, có tài mà không được trọng dụng nên phải bán cháo phổi kiếm cơm qua ngày.
Ai mà biết được cái đám hỗn tạp toàn những kẻ “vớ vẩn” ấy lại trở thành những nhân vật “hét ra lửa, khạc ra tro” trong tương lai.
Các nhân vật trên không quen biết nhau nhưng đều có điểm chung là phất lên nhanh chóng để chiếm quyền lực và tiền bạc trong một giai đoạn “tranh tối tranh sáng”. Năm người Smolensky, Khodorkovsky, Berezovsky, Abramovich và Gusinsky đã trở thành trùm tài phiệt. Còn Luzhkov và Chubais trở thành những chính khách đầy quyền lực.
Tumblr media
Các tài phiệt Nga trong một buổi tiệc. Nguồn: CNN
Mặt trái của nền kinh tế thị trường
Boris Berezovsky chính là người nổi bật nhất trong những tỷ phú nổi lên trong giai đoạn này. Ông sở hữu nhiều cái nhất. Ông là người có học nhất, gian xảo nhất, quan hệ với bọn tội phạm nhiều nhất và có các mối quan hệ chính trị ở tầm cao nhất.
Một người từng là thầy của Roman Abramovich, từng là bạn thân của Boris Yeltsin và là đối thủ lớn nhất trong đời của Vladimir Putin thì chắc chắn không thể là một người đơn giản.
Tumblr media
Berezovsky dẫn dắt Abramovich trong những vụ làm ăn lớn đầu tiên. Nguồn: Business Insider
Bóng đen của ông ta bao trùm lên nhiều sự kiện quan trọng làm rung chuyển nước Nga. Berezovsky tự mình đi lên từ con số không và đã tạo dựng nên vương quốc của riêng mình. Tuy nhiên, ông chính là đại diện tiêu biểu nhất cho cái gọi là “mặt trái của nền kinh tế thị trường”. Nói một cách cụ thể hơn ông chính là một nhà tư bản không có đạo đức, chỉ biết làm đầy túi riêng, ăn chơi xa xỉ mà không hề quan tâm đến sự khổ tâm của chính phủ cũng như sự cơ cực của dân chúng.
Tất cả những ai đến nước Nga vào những năm 90 thời Boris Elsin cầm quyền đều thấy người dân Nga đang cố gắng vật vã để tồn tại như thế nào. Các chợ tư nhân nhỏ mọc lên khắp nơi nằm ngay giữa bụi bẩn và rác rưởi ở lối ra của tàu điện ngầm, dọc các đường phố lớn, trên các quảng trường… Hàng ngày, người ta dễ thấy những người già hưu trí xuất hiện ở đây. Họ có dáng vẻ sạch sẽ nhưng quần áo sờn mòn. Họ vây lấy người qua đường trong im lặng, mời mua ấm pha trà, vài đôi tất đan, bình đựng rượu, chiếc áo len, đôi giày da… Trên các chợ trời ngoại ô, khách bộ hành còn có thể mua được huân chương, huy chương của thời Liên Xô cũ. Đó là các cựu chiến binh của cuộc chiến tranh thế giới thứ II phải bán các phần thưởng của mình để mua thức ăn.
Tumblr media
Berezovsky từng quan hệ rất thân thiết với cựu Tổng thống Boris Yeltsin. Nguồn: Sputnik International
Việc nước Nga từ một siêu cường thế giới trở thành một đất nước hỗn loạn là một trong những sự kiện có một không hai trong lịch sử nhân loại. Sự sụp đổ này diễn ra vào thời bình và chỉ trong vòng có mấy năm. Về tốc độ và tầm cỡ của sự đi xuống này không có kẻ cạnh tranh trong lịch sử thế giới. Những người như Berezovsky đã khiến cho quá trình này càng trở nên đau đớn hơn.
Vừa là doanh nhân, vừa là trùm băng đảng
Boris Berezovsky chào đời tại Moscow năm 1946 trong một gia đình Do Thái. Ông theo học ở Đại học Moscow, sau đó nghiên cứu toán học và lấy bằng tiến sĩ toán. Đến năm 45 tuổi, ông v��o Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Boris Berezovsky chỉ hơn 40 tuổi khi “khởi nghiệp” làm ăn năm 1989 khi mà Liên Xô đang tiến hành chính sách cải tổ. Trước đó, vị giáo sư này giành phần lớn thời gian vào việc nghiên cứu các chương trình máy tính, các phương trình toán học. Chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi một người như thế lại rất thành công trong buôn bán xe hơi vốn bị bọn mafia Nga chi phối trong giai đoạn này.
Chỉ trong vòng 5 năm, Berezovski đã nâng cấp một cơ sở liên doanh khiêm tốn thành một công ty khổng lồ cường thịnh về buôn bán xe hơi, một lĩnh vực hình sự nhất trong nền kinh tế Nga. Theo thông tin từ Cơ quan bảo vệ luật pháp Nga, Berezovski đã phát triển hệ thống LogoVAZ của mình dưới sự bảo kê của các băng tội phạm đến từ Chechnya. Ông ta dùng những con người Chechnya không biết sợ đã được tôi luyện trong chiến tranh làm vệ sĩ.
Công ty LogoVAZ của Berezovsky có chức năng phân phối độc quyền xe cho công ty nhà nước AvtoVAZ. Công ty LogoVAZ bán xe tại chỗ nhưng làm hồ sơ xuất khẩu khống và hốt bạc trong lúc lạm phát gia tăng phi mã với tốc độ trên 100%/năm.
Một vụ làm ăn khác cũng góp phần thể hiện “phẩm chất” của Berezovsky là khi ông mua lại cổ phần của kênh truyền hình quốc gia ORT. Trong suốt nhiều thập kỷ, đây là kênh ăn khách nhất. Khán giả của nó là 140 triệu dân Nga và hàng chục triệu người nói tiếng Nga ở các nước khác.
Lúc đầu, ý tưởng tư nhân hoá này là của Vladislav Listyev, nhà báo và người dẫn chương trình truyền hình thành công nhất nước Nga. Ông nổi lên như một nhà bình luận sắc sảo và cá tính. Listyev là đạo diễn chính của kênh và là tác giả của việc tư nhân hoá nên được giữ chức Tổng giám đốc.  
Vốn cổ phần của ORT là 2 triệu USD. Berezovsky và các đối tác thân tín sở hữu 36%. Thế là chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn USD, ông đã nắm quyền kiểm soát kênh quan trọng bậc nhất của truyền hình Nga.
Ngay sau khi tư nhân hoá ORT, Tổng giám đốc Vladislav Listyev quyết định tập trung vào hoạt động bán quảng cáo. Ông tiến hành đàm phán với doanh nhân Sergey Lisovsky nhằm phá vỡ thế độc quyền của Berezovsky. Điều này sẽ làm Berezovsky thiệt hại hàng chục triệu USD vì ông thường lợi dụng thế độc quyền phân phối quảng cáo của mình để ký các hợp đồng chính thức với giá thấp và ăn tiền hối lộ ở bên ngoài. Điều này làm thất thoát tài sản nhà nước khá lớn.
Ngày 28/02/1995, Berezovski đã gặp một sát thủ có tên là Nikolas và chuyển cho tay này 100,000 USD tiền mặt với nhiệm vụ là phải “dọn dẹp’ gã tổng giám đốc đáng ghét kia.
Đêm ngày 01/03/1995, sau khi làm việc, Listyev đi về nhà mình. Trong bóng tối của lối vào cổng nhà, tên sát thủ đã chờ sẵn với khẩu súng và Listyev đã ngã xuống mãi mãi.
Tumblr media
Nhà báo kiêm đạo diễn Vladislav Listyev. Nguồn: All Russia Culture
Trên đây đều là những câu chuyện khá đáng sợ. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể hiện hết “đẳng cấp” của ông trùm này vì trong thời kỳ đó có khá nhiều kẻ làm được như vậy. Thứ khiến cho ông ta trở nên độc nhất vô nhị là những chiêu trò trên thị trường tài chính cùng với học trò cưng của mình là Roman Abramovich. Nó làm cho người ta có cảm giác ông ấy là một tỷ phú đến từ hư không, làm ra hàng tỷ USD chỉ từ nước bọt và không khí.
Kỳ 2: Các nhà ảo thuật tài chính
Thế Phong (Lược dịch từ Godfather of the Kremlin và The Billionaire from Nowhere)
0 notes
giandaide · 3 years
Text
The Godfather
Chữ "bố già" mà người ta hay dùng trên phim bây giờ chính là do "công tử bắc kỳ" Ngọc Thứ Lang (Nguyễn Ngọc Tú) nghĩ ra khi ông dịch The Godfather trước 75. Trước đó người ta dịch là "Cha đỡ đầu".
NTL dịch hay và mafia đến nỗi đó là một trong số ít những cuốn sách mà bản tiếng Việt còn hay hơn cả bản gốc và từ đó về sau mọi bản dịch khác bị lu mờ. Cuộc đời NTL viết lách giỏi, biết tiếng Anh lẫn Pháp nhưng nghiện hút và chích nặng, ông đi trại cai nghiện nhưng quản đốc ở đó cũng bó tay, sau 75 ông chết khi chuyển trại do cơ thể đã bị lở loét, tàn phá nặng nề.
Hiểu đơn giản nếu bản gốc là: "He hated the woman on the floor but her beauty was a magic shield"
Nó trở thành: "Hận lắm nhưng không đánh nổi con điếm này chỉ vì nó đẹp, đẹp quá đi"
Tiếc là ông chỉ dịch có mỗi The Godfather trong series mafia này. Quá mến mộ tài năng của NTL (trừ tài chích) nên các cuốn còn lại của Mario Puzo đều chỉ đọc bản gốc.
Tumblr media
3 notes · View notes
giandaide · 3 years
Photo
Tumblr media
1 note · View note
giandaide · 4 years
Text
Mối thù truyền kiếp Israel & Palestine
Sau khi nhà tiên tri Muhammad qua đời vào năm 632 tại Medina, vài năm sau đó các lực lượng Hồi giáo Ả Rập đã quay lại chiếm vùng đất Canaan.
Các nước Công giáo Châu Âu lúc này cho rằng Jerusalem phải là của người Kito giáo. Đó là ngọn nguồn từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, các quốc gia tiêu biểu là Pháp và Đế Quốc La Mã thần thánh đã tổ chức khoảng 9 cuộc Thập Tự Chinh (The Crusades) đẫm máu suốt 200 năm để chiếm lại đất Thánh Jerusalem từ tay nguồi Hồi giáo. Đạo quân nổi tiếng nhất trong các Cuộc Thập Tự Chinh là các Hiệp sĩ Dòng Đền (Knights Templar) với biểu tượng thánh giá đỏ trên khiên và giáp. Về sau đạo quân này quá lớn mạnh và dày dạn kinh nghiệm chiến trường, họ đã bị chính vua Pháp quay lưng và xử tử.
Tumblr media
Thập Tự Chinh là khởi nguồn mâu thuẫn giữa các nước Hồi giáo và thế giới phương Tây như Pháp, Anh ngày nay. Osama Bin Laden từng lấy lí do này trong các cuộc khủng bố cũng như trên báng súng của tay súng đã thảm sát nhà thờ Hồi giáo tại New Zealand năm 2019 có viết tên một nhà lãnh đạo Thập Tự Chinh.
Như vậy đất Canaan thần thánh này thay tên đổi chủ qua đủ các đế chế: Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Ai Cập, quân Thập Tự Chinh đến rồi đi.
Và rồi đến đế chế Hồi Giáo vĩ đại Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Để hình dung ra sức mạnh của đế chế này, họ đã sát nhập Trung Đông, tiêu diệt các thế lực Ai Cập và quét sạch luôn đế chế Ba Tư. Nếu như Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn chỉ tồn tại khoảng 100 năm từ tk 13 đến tk 14, thì vầng trăng lưỡi liềm của của đế chế Ottoman, đã trải khắp Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông, một phần nước Nga, trong suốt 600 năm từ tk 14 đến tận tk 20, sau khi thua trận trong Thế chiến thứ 1 (Ottoman liên minh với Đức). Ngày nay, quốc kỳ của Thổ Nhĩ Kỳ chính là vầng trăng của người Ottoman năm xưa. Các nước Hồi giáo về sau cũng lấy biểu tượng trăng lưỡi liềm để phân biệt với Ngôi sao David của người Do Thái và Thánh giá của người Kito giáo. Thật ra thời kỳ đầu người Hồi giáo chỉ thờ Chúa trời, không thờ các hình tượng khác.
Đế chế Ottoman đã gọi vùng đất Canaan này là PALESTINE.
Và hệ quả của tất cả những gì xảy ra ở trên là, đây là đất tổ chung và là nơi cư ngụ của cả 3 giáo dân Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo.
Sau Thế chiến thứ 1, Ottoman thua trận, người Anh cai quản vùng đất.
Sau Thế chiến thứ 2, năm 1947, Liên Hiệp Quốc nói hãy chia đất này làm hai nửa: Một nửa của người Do Thái gọi là Israel, một nửa của người Hồi giáo gọi là Palestine. Còn thành cổ Jerusalem thì được kiểm soát đặc biệt.
Israel lập tức đồng ý và thành lập quốc gia.
Người Palestine thì không! Thế giới Hồi giáo cho rằng phán quyết đã quá thiên vị cho Israel. Liên minh Hồi giáo Ả Rập bao gồm các nước xung quanh như Ai Cập, Lebanon, Jordan, Iraq, Syria, Yemen, Ả Rập Saudi lập tức vây đánh hội đồng Israel. Ai Cập chiếm được một mảnh phía Nam bên dưới chính là Dải Gaza (GAZA STRIP). Jordan chiếm được mảnh phía Đông chính là vùng Bờ Tây sông Jordan (WEST BANK).
Tuy nhiên, Israel thì lại chiếm được gần hết lãnh địa mà Liên Hiệp Quốc đã chia cho Palestine! Kế hoạch đánh hội đồng phá sản. Israel tự hào gọi đây là “Cuộc chiến giành độc lập”. Thế giới Hồi giáo gọi đây là “Thảm họa”.
Người Hồi giáo Palestine chạy nạn về đâu? Tất nhiên là Dải Gaza và Bờ Tây do các nước Hồi giáo anh em chiếm được.
Người Palestine tấn công trả thù lại Israel. Nhưng đến năm 1967, trong vòng 6 ngày, quân đội Israel chẳng những đánh bại Palestine, mà tiếp tục chiếm lại được luôn Dải Gaza, Bờ Tây, chiếm cả bán đảo Sinai của Ai Cập, cao nguyên Golan của Syria!
Đến tận khoảng năm 2005, Israel mới tự nguyện rút khỏi Dải Gaza, Bờ Tây và các khu vực này.
Lúc này, một lực lượng của người Hồi giáo dòng Sunni nổi lên và chiến thắng trong cuộc bầu cử của người Palestine, đó chính là Hamas, trở thành một thế lực đối đầu với Israel. Hamas bị nhiều quốc gia coi là khủng bố do có sử dụng phương thức đánh bom tự sát.
Khoảng năm 2007, do xu hướng thế giới đã trở nên hòa bình còn phong trào Hamas chủ trương quá cứng rắn, một nhà nước Palestine mới được lập nên và tuyên bố giải tán quốc hội của Hamas. Hai bên lục đục nội bộ nhau.
Hiện nay, Hamas kiểm soát toàn bộ dải Gaza, còn lực lượng Fatah của chính quyền Palestine kiểm soát Bờ Tây, ở giữa là nhà nước Do Thái Israel. Còn Jerusalem thì tranh chấp. Israel do đó thường xuyên hứng tên lửa từ các bên bắn vào.
Như vậy Israel là quốc gia Do Thái duy nhất trên thế giới và đắng cay lại nằm lọt thỏm giữa các nước Hồi Giáo xung quanh.
Vậy là 70 năm kể từ khi LHQ chia đất, rất nhiều cuộc họp, hòa giải, rất nhiều quốc gia can ngăn, nhưng các hiệp ước ký xong rồi lại xé, hòa bình vẫn không đến được với đất Canaan của cụ tổ Abraham.
Năm 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận đất thánh Jerusalem là của Israel, thổi bùng thêm mâu thuẫn giữa Do Thái giáo và Hồi giáo nơi đây.
------
Lãnh thổ vùng Canaan hiện tại
Tumblr media
0 notes
giandaide · 4 years
Text
Nguồn gốc 3 tôn giáo từ đất thánh Jerusalem - Phần 3
[HỒI GIÁO]
600 năm sau Chúa Jesus, tại một hang đá gần Mecca, cách Jerusalem khoảng 1500km, một người đàn ông đang ngồi tĩnh lặng suy ngẫm thì nhận được một điềm báo từ Chúa trời thông qua thiên thần Gabriel. Người đàn ông này là thế hệ con cháu của Ishmael, hai mẹ con năm xưa đã phải bỏ trốn vào hoang mạc.
Ông tên là Muhammad. Hồi giáo ra đời.
Từ Islam - Hồi giáo có hàm ý là “quy phục Thượng đế”. Người Hồi giáo được gọi là Muslim nghĩa là “người quy phục”.
Tumblr media
Đức tin của người Hồi giáo cũng kế thừa từ các niềm tin Do Thái giáo và Kito giáo. Họ tôn trọng các sách thánh này và cả những con người như Abraham, Moses, David, Jesus… Họ coi ông Abraham là “Người bạn của Chúa trời” và truy nguồn gốc của mình về ông Ishmael. Duy có một điểm khác, họ tin rằng Muhammad là nhà tiên tri cuối cùng của Chúa, và tin kinh Koran của họ phản ánh chính xác và nguyên gốc lời của Chúa trời nhất.
5 trụ cột đức tin của người Hồi giáo chính là:
1 - Chỉ có một Chúa trời: Allah
2 - Người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần mỗi ngày hướng về thánh địa Mecca
3 - Giúp đỡ và bố thí cho người nghèo
4 - Trong tháng Ramadan: không ăn, hút thuốc, uống rượu hay quan hệ tình dục từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn
5 - Người Hồi giáo phải hành hương đến Mecca một lần trong đời
Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo của Muhammad cũng không hoàn toàn suôn sẻ. Người nghèo và nô lệ đón nhận nhưng rất nhiều người khác không đồng tình. Ông phải trải qua rất nhiều biến cố đấu tranh trước khi hầu hết bán đảo Ả Rập trở nên người Hồi giáo.
Cuối đời tuy là nhà lãnh đạo tôn giáo của vùng đất rộng lớn, ông sống giản dị, nhà cửa đơn giản, bố thí cho người nghèo. Ông mất tại Medina, cách Mecca hơn 300km.
Tương truyền, vào một đêm khi Muhammad còn sống, ông được thiên thần Gabriel rước đi thăm Jerusalem, ở đó ông đã được gặp Adam, Jesus, Moses, Abraham và cả Thiên Chúa. Một số người không tin, nhưng ông đã kể về một đoàn khách buôn gặp trên đường và những câu chuyện của họ. Sau này đoàn khách đó về đến Mecca họ đã xác nhận chính xác.
Như vậy, đối với người Hồi giáo, ngoài đất thánh Mecca và Medina, họ còn có một đất thánh nữa, lại là JERUSALEM.
------
Tóm lại, JERUSALEM: Là niềm tự hào của người Do Thái, kinh đô huy hoàng của David và Solomon Là đất thánh của người Kito giáo, nơi Chúa Jesus đã đến và bị đóng đinh Là nơi linh thiêng của người Hồi giáo, nơi Muhammad của họ đã nói chuyện với Thượng Đế. Thời kỳ đầu, người Hồi giáo quay đầu về Jerusalem thay vì Mecca như ngày nay.
------
Và tóm lại, Người Do Thái tin Chúa nhưng không tin Jesus là Đấng cứu thế. Người Kito giáo thì cho rằng Do Thái đã chối bỏ Chúa Jesus. Người Hồi giáo thì tôn trọng toàn bộ nhưng chỉ tin Chúa thông qua Muhammad của họ.
0 notes
giandaide · 4 years
Text
Nguồn gốc 3 tôn giáo từ đất thánh Jerusalem - Phần 2
[KITO GIÁO]
Qua thời cực thịnh, đất Canaan của người Do Thái bị xâu xé và đô hộ bởi hết thế lực này đến thế lực khác, từ đế chế Assyria, Babylon, đến Ba Tư của hoàng đế Cyrus, rồi đến Hy Lạp của Alexander Đại Đế, dân Do Thái lớp bị giết, lớp thì ly tán tứ phương, lớp thì chấp nhận sống chung với sự đô hộ, đền thờ Jerusalem cứ xây nên lại bị đánh sập.
Cho đến khi đất Canaan về tay đế chế La Mã.
Người Do Thái có một lời tiên tri rằng, Đấng Cứu Thế của họ sẽ đến trên lưng một con lừa, và giải thoát cho họ. Sở dĩ là lừa mà không phải ngựa, vì con ngựa mang hình ảnh của chiến trận, trong khi con lừa mang hình ảnh của sự khiêm nhường và hòa bình.
Và người đó đến thật!
Một người đàn ông đã cưỡi trên một con lừa tiến vào thành Jerusalem. Ông chính là Jesus xứ Nazareth.
Ông giảng dạy mọi người theo truyền thống Do Thái, về tình yêu thương, lòng khoan dung và chữa lành bệnh cho nhiều người. Ông dạy mọi người phải yêu thương ngay cả kẻ thù của mình, không có lí do gì để thù hận. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo này không suôn sẻ hoàn toàn. Thực tế, chỉ có một số ít tín đồ tin tưởng ông là Đấng Cứu Thế. Nhiều người bất đồng quan điểm, thậm chí một số người sống hòa bình với người La Mã để đổi lại các lợi ích, nên cũng không mặn mà quan điểm của ông Jesus.
Tumblr media
Chỉ một tuần sau khi vào Jerusalem, sau bữa ăn cuối cùng với các môn đồ (Bữa Tiệc Ly), ông Jesus bị Judas xứ Iscariot chỉ điểm cho lính La Mã bắt vì tội tự xưng là vua dân Do Thái, phản nghịch lại Hoàng đế.
Thống đốc La Mã khi đó là Pontius Pilate lưỡng lự không muốn giết ông Jesus. Pilate cho đám đông chọn giữa Jesus và một người nữa cũng bị kết án xem ai được thả ra. Đám đông đã chọn người kia. Pilate hỏi đám đông vì sao muốn Jesus chết? Ông đã mắc tội gì? Đám đông không trả lời, chỉ hô to muốn đóng đinh Jesus. Pilate rửa tay trước mặt đám đông thể hiện rằng mình không chịu trách nhiệm gì cho việc này rồi ra lệnh hành hình. Trên đỉnh của thập tự, Pilate đã cho viết, “Ieus Nazarenus Rex Iudaeorum”, tức “Jesus xứ Nazareth, Vua Dân Do Thái”, đó là nguồn gốc chữ I.N.R.I trên thập tự ngày nay.
3 ngày sau, mộ của ông Jesus trống rỗng. Nhiều ngày sau đó, các môn đồ trung thành nhất nhìn thấy những khải tượng về việc sống lại của Chúa Jesus. Những người này tin tưởng ông là Đấng Cứu Thế của họ. Họ tin sẽ có một ngày, Chúa trời quay lại đón họ về nước của Người như Jesus đã nói.
Kito giáo ra đời.
Người La Mã lúc này nhìn nhận Kito giáo là một nhánh của Do Thái giáo. Câu hỏi là tại sao khi đó người La Mã để Chúa Jesus chết, nhưng bây giờ lại có Giáo Hội Công Giáo Roma ở Vatican, nằm giữa thành Rome?
Nguyên nhân là hơn 300 năm sau Chúa Jesus, Hoàng Đế La Mã lúc này là Constantinus I đã mơ thấy một điềm báo liên quan đến Kito giáo mách bảo cho ông về chiến thắng trước một trận đánh. Chính xác ông mơ thấy gì thì vẫn còn là một tranh cãi, nhưng sau chiến thắng đó, ông là Hoàng Đế đầu tiên cải đạo sang Kito giáo và ban hành các sắc lệnh bảo vệ cho những người theo đạo này. Năm 380, Hoàng đế Theodosius I chính thức công nhận Kito giáo là quốc giáo trên toàn đế chế La Mã.
Kinh Thánh của người Kito giáo có 2 phần là Cựu Ước kế thừa từ Kinh Thánh của người Do Thái nói về Chúa trời đã tạo ra thế giới ra sao, câu chuyện Adam và Eva…. Phần kia là Tân Ước là các bức thư của các tông đồ kể về thời đại Chúa Jesus.
Sau này, do các mâu thuẫn về thần học và chính trị, Kito giáo chia rẽ làm 3 dòng lớn:
1 - Công Giáo Roma (Catholic - người Việt gọi là Công Giáo) phổ biến ở các nước Anh, Pháp, Ý, Nam Mỹ, Mỹ, Canada...
2 - Chính thống giáo Đông Phương (Eastern Orthodox) phổ biến tại Nga, Ukraine, Hy Lạp…
3 - Tin lành (Protestantism - Kháng Cách) có mặt tại cả Bắc Mỹ, Châu Phi, Châu u, Mỹ Latin, Châu Á và Úc.
Công giáo và Chính Thống giáo kể từ khi chia rẽ Đông - Tây năm 1054, thì tận đến 1.000 năm sau, vào năm 2016, Giáo Hoàng của Công giáo Roma mới gặp mặt Thượng Phụ của Chính Thống giáo Nga ở Havana - Cuba. Đây được gọi là cuộc gặp mặt lịch sử về tôn giáo.
Tại Việt Nam, cách gọi Đạo Chúa của những người không theo đạo, là cách gọi không chính xác lắm, đôi khi có ý muốn nói người Công Giáo.
Như vậy, Chúa Jesus của những người Kito giáo đã đến với họ và bị hành hình cũng tại JERUSALEM.
0 notes
giandaide · 4 years
Text
Nguồn gốc 3 tôn giáo từ đất thánh Jerusalem - Phần 1
Bài này viết khi đang tìm hiểu lịch sử Châu Âu trong một dự án minh họa.
Trước tiên, hãy ghi nhớ một thông tin, lịch sử của Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo xoay quanh đúng một người đàn ông: ông Abraham. Ông được cho là ông tổ chung trong truyền thống Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo. Do đó 3 tôn giáo này được gọi là Các tôn giáo bắt nguồn từ Abraham (Abrahamic religions).
[DO THÁI GIÁO]
Các đế chế hết trỗi dậy rồi lại lụi tàn. Đế chế Babylon, Assyria, rồi Ba Tư, của cải và quyền lực giúp họ xây dựng nên những cung điện và thành phố nguy nga, nhưng rồi tất cả cũng về với cát bụi. Chỉ có một nhóm người khi đó, tuy yếu thế, nhưng họ đã sống lâu hơn tất cả những đế chế vĩ đại kia. Đó là những người Hebrew, còn gọi là người Israel, Jews hay được biết dưới cái tên: dân Do Thái.
Đóng góp đầu tiên cho nhân loại của người Do Thái không phải là tiền hay công nghệ gì đột phá. Mà đó là một ý niệm mang tính cách mạng khi đó: ý niệm về tôn giáo chỉ thờ duy nhất một vị thần, hay còn gọi là tôn giáo độc thần (Monotheism). Người Do Thái gọi vị thần đó là Chúa trời, người có quyền năng và sự sáng suốt, vượt ra khỏi tri thức của con người. Ý niệm này về sau đã được kế thừa tạo ra 2 tôn giáo lớn tiếp theo với tổng cộng 4 tỉ tín đồ.
Và cụ tổ của người Do Thái, là ABRAHAM.
Hơn 4000 năm trước, ông Abraham được sinh ra ở một thành phố cổ, đâu đó tại Iraq ngày nay.
Sau khi cha ông qua đời, người ta tin rằng ông được Chúa trời liên lạc trực tiếp, chỉ bảo ông hãy ngừng việc thờ phượng các thần như mọi người đang làm, và chỉ thờ một Chúa trời thực sự thôi. Ngoài ra Chúa trời còn lập một giao ước với Abraham rằng: hãy rời quê nhà đến xứ Canaan, sinh con đẻ cái và Chúa trời sẽ ban phước cho tất cả, Chúa trời sẽ là Chúa của họ. Ông Abraham vâng lời lên đường ra đi. Đó là lí do từ Promised Land, miền đất Chúa đã hứa theo giao ước, hay “miền đất hứa” thường được dùng để chỉ những nơi tốt đẹp.
Vùng đất Canaan đó chính là ISRAEL & PALESTINE ngày nay.
Tumblr media
Tuy nhiên, môi trường quá khắc nghiệt ở Canaan khiến ông Abraham và gia đình chuyển tiếp đến Ai Cập màu mỡ hơn.
Abraham có 2 người vợ. Người vợ lẽ sinh cho ông đứa con đầu tiên tên là Ishmael. Người vợ chính sinh cho ông đứa con kế tên là Isaac. Do người vợ chính không ưa nên mẹ con Ishmael đã phải ra đi, bỏ trốn vào vùng hoang mạc. Hồi giáo đã rẽ hướng ở đây: Ishmael về sau đã đến Mecca, con cháu ông sinh sôi phủ khắp bán đảo Ả Rập, trở thành những ông vua sa mạc, thành lập nên Hồi giáo hùng mạnh.
Còn con cháu Isaac sau này sinh sôi nên các bộ tộc Israel. Sở dĩ có cái tên Israel vì một người con của Isaac là Jacob đã mơ thấy mình vật lộn với Chúa trời. Chúa trời chúc phúc và đặt tên cho Jacob là Israel - “Kẻ đã đấu với Chúa”. Từ đó họ được gọi là dân Israel.
Sự thịnh vượng của họ ở Ai Cập bắt đầu làm chính quyền Ai Cập không ưa, người Ai Cập bắt đầu mâu thuẫn và biến người Do Thái thành nô lệ. Lấy cớ có lời đồn rằng một bé trai Do Thái sẽ trở thành người lãnh đạo giải phóng cho dân tộc mình. Pharaoh khi đó đã ra lệnh giết tất cả các bé trai Do Thái bằng cách trấn nước xuống sông Nile. Danh tính của vị Pharaoh này đến nay vẫn đang tranh cãi.
Moses là một bé trai Do Thái thoát chết. Về sau ông được Chúa trời chỉ dẫn lãnh đạo dân Do Thái thoát khỏi Ai Cập về lại xứ Canaan. Sự kiện này là Exodus. Trong đó có chi tiết huyền hoặc Moses dắt đoàn người rẽ đôi nước vượt qua Biển Đỏ thoát khỏi lính Ai Cập rất nổi tiếng trên phim ảnh. Sau đó ông và đoàn người đã lưu lạc trong sa mạc suốt 40 năm trước khi dân Do Thái về lại được Canaan, miền đất năm xưa Chúa đã hứa dành cho họ.
Moses được coi là anh hùng dân tộc của người Do Thái, và được cho là đã viết nên Kinh Torah, là 5 sách đầu tiên của Kinh thánh Do Thái, còn gọi là Ngũ Thư, là nền tảng của Do Thái giáo. Phim hoạt hình Hoàng tử Ai Cập - The Prince of Egypt 1998 chính là cuộc đời của Moses. Mặc dù trước Moses, người Do Thái đã có ý niệm về Chúa trời, nhưng đến Moses thì mọi thứ mới được rõ ràng và có lề luật trở thành Do Thái giáo.
Ban đầu về lại Canaan, người Do Thái không có vua, họ sống kiểu bộ tộc và còn phải đối chọi với tộc người Philistine, là những chiến binh to cao. Để rồi chiến binh bé nhỏ David của người Do Thái đã chiến thắng gã khổng lồ Goliath của người Philistine, và sau nhiều biến cố, cuối cùng trở thành vua David vĩ đại thống nhất toàn cõi Israel. Sự kiện này trở thành giai thoại và hay được ví von trong thể thao khi một kẻ nhỏ bé chiến thắng kẻ cao to. Người Do Thái tự hào chọn ngôi sao 6 cánh của vua David (David Star) làm biểu tượng kiêu hãnh của mình. Bức tượng Vua David của Michenlangelo chính là khoảnh khắc David co tay chuẩn bị tấn công Goliath bằng một viên đá.
Sau David, con trai ông chính là vua Solomon giàu có số một, người hay xuất hiện trong các sách làm giàu. Solomon mở rộng bờ cõi bằng tài ngoại giao và đàm phán hơn là vũ lực như cha ông mình. Thời đại huy hoàng của David và Solomon được gọi là Thời đại các Vua, mãi mãi là niềm tự hào của người Do Thái về sau.
Nơi mà David và Solomon chọn làm kinh đô của người Do Thái, chính là JERUSALEM.
0 notes
giandaide · 4 years
Text
Tóm lược Chiến tranh Triều Tiên
Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu vào ngày 25 tháng 6 năm 1950, khi khoảng 75.000 binh sĩ từ Quân đội Nhân dân Triều Tiên tràn qua vĩ tuyến 38, ranh giới giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do Liên Xô hậu thuẫn ở phía bắc và Cộng hòa thân phương Tây của Triều Tiên. Phía nam. Cuộc xâm lược này là hành động quân sự đầu tiên của Chiến tranh Lạnh. Đến tháng 7, quân đội Mỹ đã thay mặt Hàn Quốc tham chiến. Theo như các quan chức Mỹ, đó là cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Sau vài lần qua lại vĩ tuyến 38, cuộc giao tranh bị đình trệ và thương vong không đáng kể. Trong khi đó, các quan chức Mỹ tìm cách đình chiến với Triều Tiên. Họ lo sợ rằng sẽ nổ ra một cuộc chiến rộng hơn với Nga và Trung Quốc - hoặc thậm chí, như một số người đã cảnh báo, là Chiến tranh Thế giới thứ III. Cuối cùng, vào tháng 7 năm 1953, Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tổng cộng, khoảng 5 triệu binh lính và dân thường đã thiệt mạng trong cái mà nhiều người Mỹ gọi là “Cuộc chiến bị lãng quên” vì thiếu sự chú ý công chúng hơn so với các cuộc chiến như Thế chiến I, II và Chiến tranh Việt Nam . Bán đảo Triều Tiên ngày nay vẫn bị chia cắt.
Bắc và Nam Triều Tiên
“Nếu những bộ óc giỏi nhất trên thế giới chọn ra cho chúng tôi một địa điểm tồi tệ nhất để tham gia cuộc chiến đáng nguyền rủa này,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Acheson (1893-1971) từng nói, “thì sự lựa chọn nhất trí sẽ là Hàn Quốc.” Bán đảo này đã đến với nước Mỹ gần như một cách tình cờ. Kể từ đầu thế kỷ 20, Hàn Quốc đã là một phần của đế quốc Nhật Bản, và sau Thế chiến thứ hai, người Mỹ và Liên Xô quyết định xem nên làm gì với tài sản của kẻ thù. Tháng 8 năm 1945, các quan chức Bộ Ngoại giao đã chia đôi bán đảo Triều Tiên dọc theo vĩ tuyến 38. Người Nga chiếm đóng khu vực phía bắc còn Hoa Kỳ chiếm khu vực ở phía nam.
Tumblr media
Bạn có biết? Không giống như Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh Triều Tiên không được truyền thông Mỹ chú ý nhiều. Hình ảnh đại diện nổi tiếng nhất của cuộc chiến này trong văn hóa đại chúng là bộ phim truyền hình “M*A*S*H”, lấy bối cảnh tại một bệnh viện dã chiến ở Hàn Quốc. Phim kéo dài từ năm 1972 đến năm 1983, và tập cuối cùng của nó là tập được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình.
Tumblr media
Đến cuối thập kỷ, hai quốc gia mới đã hình thành trên bán đảo. Ở miền nam, nhà độc tài chống cộng Syngman Rhee (1875-1965) được ủng hộ miễn cưỡng từ chính phủ Mỹ; ở phía bắc, nhà độc tài cộng sản Kim Nhật Thành (1912-1994) được ủng hộ nhiệt tình hơn một chút từ Liên Xô. Tuy nhiên, cả hai nhà độc tài đều không bằng lòng với lãnh thổ của mình ở vĩ tuyến 38, các cuộc giao tranh ở biên giới trở nên phổ biến. Gần 10.000 binh sĩ Bắc và Nam Triều Tiên đã thiệt mạng trước khi cuộc chiến bắt đầu.
Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Lạnh
Mặc dù vậy, cuộc xâm lược của Triều Tiên vẫn gây bất ngờ cho các quan chức Mỹ. Theo như những gì họ lo ngại, đây không chỉ đơn giản là một cuộc tranh chấp biên giới giữa hai chế độ độc tài bất ổn ở bên kia địa cầu. Thay vào đó, nhiều người lo sợ rằng đây là bước đầu tiên trong chiến dịch thôn tính thế giới của cộng sản. Vì lý do này, không can thiệp không được. (Trên thực tế, vào tháng 4 năm 1950, một báo cáo của Hội đồng An ninh Quốc gia còn gọi là NSC-68 đã khuyến nghị Hoa Kỳ sử dụng vũ lực quân sự để “kiềm chế” chủ nghĩa cộng sản bành trường ở bất cứ nơi nào có thể, bất kể giá trị chiến lược hoặc kinh tế nội tại của các vùng đất đó. ”)
“Nếu chúng ta để mất bán đảo Triều Tiên,” Tổng thống Harry Truman (1884-1972) nói, “Liên Xô sẽ tiếp tục và nuốt chửng hết nơi này đến nơi khác”. Cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên là biểu tượng của cuộc đấu tranh toàn cầu giữa đông và tây, thiện và ác trong Chiến tranh Lạnh. Khi quân đội Triều Tiên tràn vào Seoul, thủ đô Hàn Quốc, Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn lực lượng cho một cuộc chiến chống lại cộng sản.
Lúc đầu, đó chỉ là một cuộc phòng thủ để đẩy lùi người cộng sản ra khỏi Hàn Quốc, nhưng sau đó đã trở nên ngày càng tồi tệ với lực lượng Đồng minh. Quân đội Bắc Triều Tiên có kỷ luật tốt, được huấn luyện tốt và được trang bị tốt; Ngược lại, lực lượng của Rhee rất sợ hãi, bối rối và dường như có xu hướng bỏ chạy khỏi chiến trường trước bất kỳ hành động khiêu khích nào. Ngoài ra, đây còn là một trong những mùa hè nóng nhất và khô hạn nhất từng được ghi nhận, lính Mỹ thường bắt buộc phải uống nước từ những cánh đồng lúa được bón bằng chất thải của con người. Do đó, các bệnh nguy hiểm về đường ruột và các bệnh tật khác thường xuyên đe dọa.
Tumblr media
Vào cuối mùa hè, Tổng thống Truman và Tướng Douglas MacArthur (1880-1964), chỉ huy phụ trách chiến trường Châu Á, đã quyết định về một loạt mục tiêu chiến tranh mới. Giờ đây, đối với phe Đồng minh, Chiến tranh Triều Tiên phải là một cuộc tấn công: để “giải phóng” miền Bắc khỏi những người cộng sản.
Ban đầu, chiến lược mới này tỏ ra hiệu quả. Cuộc đổ bộ Inch’on, đã đẩy quân Triều Tiên ra khỏi Seoul và quay trở lại sau vĩ tuyến 38 của họ. Nhưng khi quân đội Mỹ vượt qua ranh giới và tiến về phía bắc tới sông Áp Lục (Yalu River), biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc Cộng sản, người Trung Quốc bắt đầu lo ngại và bảo vệ mình khỏi cái mà họ gọi là “hành động xâm lược có vũ trang vào lãnh thổ Trung Quốc”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông (1893-1976) gửi quân đến Triều Tiên và cảnh cáo Hoa Kỳ tránh xa ranh giới Áp Lục nếu không muốn chiến tranh toàn diện.
"Không gì thay thế được chiến thắng"
Đây là điều mà chắc chắn Tổng thống Truman và các cố vấn của ông không hề muốn: một cuộc chiến như vậy sẽ dẫn đến sự xâm lược của Liên Xô ở châu Âu, triển khai vũ khí nguyên tử và sẽ có hàng triệu cái chết vô nghĩa. Tuy nhiên, đối với Tướng MacArthur, bất cứ điều gì đi ngược lại cuộc chiến đều thể hiện “sự xoa dịu” đối với cộng sản, một điều không thể chấp nhận được.
Tumblr media
Trong khi Truman tìm cách ngăn chiến tranh với Trung Quốc, MacArthur lại làm mọi thứ để kích động lên. Cuối cùng, vào tháng 3 năm 1951, ông gửi một bức thư cho Joseph Martin, một nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, người ủng hộ MacArthur trong việc tuyên chiến toàn diện với Trung Quốc – người được cho là đã tiết lộ bức thư ra báo chí. MacArthur viết “Không có gì thay thế được chiến thắng” chống lại chủ nghĩa cộng sản quốc tế.
Đối với Truman, bức thư này là giọt nước tràn ly. Ngày 11 tháng 4, Tổng thống đã sa thải vị tướng vì tội bất hợp tác.
Chiến tranh Triều Tiên đi vào bế tắc
Tháng 7 năm 1951, Tổng thống Truman và các chỉ huy quân sự mới của ông bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình tại Panmunjom. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp tục dọc theo vĩ tuyến 38 trong khi các cuộc đàm phán đình trệ. Cả hai bên đều sẵn sàng chấp nhận một lệnh ngừng bắn nhằm duy trì ranh giới vĩ tuyến 38, nhưng họ không thể thống nhất về việc các tù nhân chiến tranh có nên được cưỡng chế “hồi hương” hay không. (Trung Quốc và Triều Tiên nói có; Hoa Kỳ nói không.)
Tumblr media
Cuối cùng, sau hơn hai năm đàm phán, hai bên đã ký một hiệp định đình chiến vào ngày 27 tháng 7 năm 1953. Thỏa thuận cho phép tù binh ở lại nơi họ thích; vẽ một ranh giới mới gần vĩ tuyến 38 đã cho Hàn Quốc thêm 1.500 dặm vuông lãnh thổ; và tạo ra một “khu phi quân sự” rộng 2 dặm vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Thương vong sau cuộc chiến
Chiến tranh Triều Tiên diễn ra tương đối ngắn nhưng đặc biệt đẫm máu. Gần 5 triệu người chết. Hơn một nửa trong số này - khoảng 10% dân số Hàn Quốc trước chiến tranh - là dân thường. (Tỷ lệ thương vong dân sự này cao hơn Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Việt Nam.) Gần 40.000 người Mỹ đã chết trong các chiến dịch ở Hàn Quốc và hơn 100.000 người bị thương. Ngày nay, chúng được tưởng nhớ tại Đài tưởng niệm các cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên gần Đài tưởng niệm Lincoln trên National Mall ở Washington, D.C., gồm một loạt 19 bức tượng thép của các quân nhân.
Tumblr media
0 notes
giandaide · 4 years
Text
Tóm lược Chiến Tranh Lạnh
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ và Liên Xô đã chiến đấu cùng nhau như những đồng minh chống lại phe Trục. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai quốc gia khá căng thẳng. Người Mỹ từ lâu đã cảnh giác với chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô và lo ngại về sự cai trị chuyên chế của nhà lãnh đạo Nga Joseph Stalin đối với đất nước của ông. Về phần mình, Liên Xô phẫn nộ với việc người Mỹ từ chối coi Liên Xô là một phần hợp pháp của cộng đồng quốc tế trong nhiều thập kỷ cũng như việc Mỹ chậm trễ tham gia Thế chiến II, dẫn đến cái chết của hàng chục triệu người Nga. Sau khi chiến tranh kết thúc, những mối bất bình này nảy sinh thành cảm giác thiếu tin tưởng và thù hằn lẫn nhau.
Chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô ở Đông Âu thời hậu chiến đã khiến nhiều người Mỹ lo ngại về kế hoạch kiểm soát thế giới của Nga. Trong khi đó, Liên Xô tỏ ra bất bình với những gì họ cho là khoa trương ngụy biện, củng cố vũ khí và hay can thiệp vào các quan hệ quốc tế của Mỹ. Trong bầu không khí thù địch như vậy, Chiến tranh Lạnh không phải do một nguyên nhân đơn lẻ nào gây ra, mà trên thực tế, một số sử gia cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi.
Chiến tranh lạnh: Ngăn chặn
Vào thời điểm Thế chiến II kết thúc, hầu hết các quan chức Mỹ đều đồng ý rằng cách phòng thủ tốt nhất trước mối đe dọa từ Liên Xô là chiến lược "ngăn chặn". Trong cuốn “Bức điện dài” nổi tiếng của mình, nhà ngoại giao George Kennan (1904-2005) đã giải thích chính sách: Liên Xô, theo như ông viết, là “một lực lượng chính trị cuồng tín với niềm tin rằng, đối với Mỹ sẽ không bao giờ có chuyện thỏa thuận vĩnh viễn.” Do đó, lựa chọn duy nhất của Mỹ là “ngăn chặn lâu dài, kiên nhẫn nhưng kiên quyết và thận trọng trước các khuynh hướng bành trướng của Nga”. Ông tuyên bố trước Quốc hội năm 1947: “Đó phải là chính sách của Hoa Kỳ,“ hỗ trợ các dân tộc tự do đang chống lại âm mưu khuất phục… bởi các áp lực bên ngoài ”. Lối suy nghĩ này đã định hình chính sách đối ngoại của Mỹ trong 4 thập kỷ sau đó.
Bạn có biết? Thuật ngữ 'chiến tranh lạnh' xuất hiện lần đầu tiên trong một bài luận năm 1945 của nhà văn người Anh George Orwell có tên 'Bạn và bom hạt nhân'.
Thời đại hạt nhân
Chiến lược ngăn chặn này tạo tiền đề cho việc tích trữ vũ khí chưa từng có ở Hoa Kỳ. Vào năm 1950, một Báo cáo của Hội đồng An ninh Quốc gia được gọi là NSC – 68 đã lặp lại khuyến nghị của Truman rằng đất nước sử dụng vũ lực quân sự để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng cộng sản ở bất cứ nơi nào mà nó có thể xảy ra. Để đạt được mục tiêu đó, báo cáo kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng gấp 4 lần.
Đặc biệt, các quan chức Mỹ khuyến khích phát triển vũ khí hạt nhân tương tự như những quả bom đã dùng để kết thúc Thế chiến II. Từ đây bắt đầu một "cuộc chạy đua vũ trang" chết người. Năm 1949, Liên Xô đã thử nghiệm một quả bom nguyên tử của riêng mình. Đáp lại, Tổng thống Truman tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chế tạo một loại vũ khí nguyên tử thậm chí còn có sức hủy diệt khủng khiếp hơn: bom khinh khí, hay “siêu bom”. Stalin cũng làm y như vậy.
Tumblr media
Kết quả là, các nguy cơ trong Chiến tranh Lạnh bị đẩy lên rất cao. Vụ thử bom H đầu tiên, tại đảo san hô Eniwetok ở Quần đảo Marshall, cho thấy thời đại hạt nhân đáng sợ như thế nào. Nó tạo ra một quả cầu lửa rộng 25 dặm vuông làm bốc hơi một hòn đảo, th��i bay một lỗ hổng khổng lồ dưới đáy đại dương và đủ sức công phá để xóa sổ một nửa Manhattan. Các cuộc thử nghiệm sau đó của Mỹ và Liên Xô đã phun chất thải phóng xạ vào bầu khí quyển.
Tumblr media
Mối đe dọa hủy diệt của vũ khí hạt nhân cũng có tác động lớn đến cuộc sống trong nước của người Mỹ. Người ta xây hầm tránh bom ở sân sau của họ. Thực hành các cuộc diễn tập tấn công trong trường học và những nơi công cộng. Những năm 1950 và 1960 chứng kiến ​​một đợt bùng phát các bộ phim nổi tiếng khiến khán giả khiếp sợ với những mô tả về sự tàn phá hạt nhân và các sinh vật đột biến. Theo cách này hay cách khác, Chiến tranh Lạnh luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của người Mỹ.
Qui mô vũ trụ
Khám phá không gian là một đấu trường kịch tính khác trong Chiến tranh Lạnh. Vào ngày 4 tháng 10 năm 1957, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-7 của Liên Xô đã phóng Sputnik (tiếng Nga có nghĩa là "bạn đồng hành"), vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới và là vật thể nhân tạo đầu tiên được đưa vào quỹ đạo Trái đất. Sự ra mắt của Sputnik là một bất ngờ và không hề dễ chịu đối với hầu hết người Mỹ. Tại Hoa Kỳ, không gian được coi là biên giới tiếp theo, một phần mở rộng hợp lý của truyền thống khám phá lớn của Hoa Kỳ, và điều quan trọng nhất là không được để mất sân chơi vào tay Liên Xô. Ngoài ra, sức mạnh vượt trội của tên lửa R-7 - dường như có khả năng đưa cả đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ Mỹ - khiến việc thu thập thông tin tình báo về các hoạt động quân sự của Liên Xô trở nên đặc biệt cấp bách.
Tumblr media
Năm 1958, Hoa Kỳ phóng vệ tinh của riêng mình, Explorer I, do Quân đội Hoa Kỳ thiết kế dưới sự chỉ đạo của nhà khoa học tên lửa Wernher von Braun, Cuộc đua Không gian đã được bắt đầu. Cùng năm đó, Tổng thống Dwight Eisenhower ký lệnh thành lập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA), một cơ quan liên bang chuyên khám phá không gian, cũng như một số chương trình tìm cách khai thác tiềm năng quân sự của không gian. Tuy nhiên, Liên Xô đã đi trước một bước, phóng con người đầu tiên vào vũ trụ vào tháng 4 năm 1961.
Tháng 5 năm đó, sau khi Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ, Tổng thống John F. Kennedy (1917-1963) đã tuyên bố táo bạo trước công chúng rằng Hoa Kỳ sẽ đưa người lên mặt trăng vào cuối thập kỷ này. Dự đoán của ông trở thành sự thật vào ngày 20 tháng 7 năm 1969, khi Neil Armstrong trong sứ mệnh Apollo 11 của NASA, trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, giành chiến thắng trong Cuộc đua Không gian dành cho người Mỹ.
Tumblr media
Các phi hành gia Hoa Kỳ được coi là những anh hùng tối thượng của Hoa Kỳ. Trong khi người Liên Xô bị coi là những kẻ phản diện khủng khiếp nhất, với những nỗ lực không ngừng để vượt qua Mỹ và chứng minh sức mạnh của hệ thống cộng sản.
Nỗi sợ Cộng Sản
Trong khi đó, bắt đầu từ năm 1947, Ủy ban Hạ viện Kiểm tra Hành động chống Hoa Kỳ (HUAC) đã đưa Chiến tranh Lạnh trở về sân nhà theo một cách khác. Tổ chức này bắt đầu một loạt các cuộc điều trần, được thiết kế sao cho chứng tỏ rằng hoạt động của cộng sản nhằm lật đổ Hoa Kỳ vẫn đang tồn tại và hoạt động rất tích cực. 
Ở Hollywood, HUAC đã buộc hàng trăm người làm việc trong ngành điện ảnh từ bỏ niềm tin chính trị cánh tả và làm chứng chống lại nhau. Hơn 500 người mất việc làm. Nhiều nhà văn, đạo diễn, diễn viên và những người khác trong “danh sách đen” này đã không thể làm việc trở lại trong hơn một thập kỷ. HUAC cũng cáo buộc các nhân viên Bộ Ngoại giao tham gia vào các hoạt động lật đổ. Ngay sau đó, các chính trị gia chống cộng sản khác, đáng chú ý nhất là Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy (1908-1957), đã mở rộng cuộc điều tra này và cáo buộc cả những ai đang làm việc trong chính phủ liên bang.
Hàng nghìn nhân viên liên bang đã bị điều tra, sa thải và thậm chí bị truy tố. Sự chống cộng điên cuồng này lan rộng trong suốt những năm 1950, khiến các giáo sư đại học mất việc làm, mọi người thì bị yêu cầu làm chứng chống lại đồng nghiệp của mình, “lời thề trung thành” trở nên rất phổ biến khi đó.
Chiến tranh lạnh ở nước ngoài
Cuộc chiến chống cộng sản trong nước cũng phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng với mối đe dọa từ Liên Xô ở nước ngoài. Tháng 6 năm 1950, hành động quân sự đầu tiên của Chiến tranh Lạnh bắt đầu khi Quân đội Nhân dân Triều Tiên do Liên Xô hậu thuẫn xâm lược nước láng giềng thân phương Tây ở phía nam. Nhiều quan chức Mỹ lo ngại đây là bước đầu tiên trong chiến dịch thôn tính thế giới của cộng sản và cho rằng không can thiệp không được. Truman cử quân đội Mỹ đến Hàn Quốc, nhưng Chiến tranh Triều Tiên đã đi vào bế tắc và kết thúc vào năm 1953.
Tumblr media
Năm 1955, Hoa Kỳ và các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa Tây Đức trở thành thành viên của NATO và cho phép tổ chức này tái quân sự hóa. Liên Xô đáp trả bằng Hiệp ước Warsaw, một tổ chức phòng thủ chung giữa Liên Xô, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary, Đông Đức, Tiệp Khắc và Bulgaria, thành lập một bộ chỉ huy quân sự thống nhất dưới quyền Nguyên soái Ivan S. Konev của Liên Xô.
Các tranh chấp quốc tế khác tiếp tục diễn ra. Vào đầu những năm 1960, Tổng thống Kennedy phải đối mặt với những rắc rối. Cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn năm 1961 và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm sau đó dường như chứng minh rằng mối đe dọa cộng sản giờ đây nằm ngay trong các nước bất ổn thuộc “Thế giới thứ ba” thời hậu thuộc địa.
Không nơi nào rõ ràng hơn ở Việt Nam, nơi mà sự sụp đổ của chế độ thực dân Pháp đã dẫn đến cuộc đấu tranh giữa người theo chủ nghĩa dân tộc do Mỹ hậu thuẫn là Ngô Đình Diệm ở miền Nam và người theo chủ nghĩa dân tộc cộng sản Hồ Chí Minh ở miền Bắc. Kể từ những năm 1950, Hoa Kỳ đã cam kết cho sự tồn tại của một chính phủ chống cộng sản trong khu vực, và vào đầu những năm 1960, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tin chắc rằng nếu họ muốn "kiềm chế" thành công chủ nghĩa bành trướng cộng sản ở đó, họ phải can thiệp sâu hơn dưới danh nghĩa của ông Diệm. Tuy nhiên, kế hoạch về một cuộc can thiệp quân sự nhanh chóng cuối cùng đã sa lầy trở thành một cuộc chiến kéo dài đến 10 năm.
Tumblr media
Chiến tranh Lạnh kết thúc
Ngay khi nhậm chức, Tổng thống Richard Nixon (1913-1994) đã bắt đầu thực hiện cách tiếp cận mới trong quan hệ quốc tế. Thay vì coi thế giới là một nơi thù địch, “hai cực”, ông gợi ý, tại sao không sử   dụng ngoại giao thay vì hành động quân sự để tạo ra nhiều cực hơn? Để đạt được mục tiêu đó, ông đã khuyến khích Liên Hợp Quốc công nhận chính quyền cộng sản Trung Quốc và sau chuyến đi đến đó năm 1972, ông bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Đồng thời, ông áp dụng chính sách “détente” - “thư giãn” - đối với Liên Xô. Năm 1972, ông và Thủ tướng Liên Xô Leonid Brezhnev (1906-1982) đã ký Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược (SALT I), cấm cả hai bên chế tạo tên lửa hạt nhân, tiến tới một bước nhằm giảm mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đã kéo dài hàng thập kỷ.
Tumblr media
Bất chấp những nỗ lực của Nixon, Chiến tranh Lạnh lại nóng lên dưới thời Tổng thống Ronald Reagan (1911-2004). Giống như nhiều nhà lãnh đạo cùng thế hệ với mình, Reagan tin rằng sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản đã đe dọa tự do ở khắp mọi nơi. Kết quả là, ông đã vận động cung cấp viện trợ tài chính và quân sự cho các chính phủ chống cộng và các lực lượng nổi dậy trên khắp thế giới. Chính sách này, đặc biệt khi được áp dụng ở các nước đang phát triển như Grenada và El Salvador, được gọi là Học thuyết Reagan.
Tuy nhiên, khi Reagan đang vật lộn với chủ nghĩa cộng sản ở Trung Mỹ, Liên Xô bắt đầu tan rã. Để đối phó với các vấn đề kinh tế và chính trị ngày càng nghiêm trọng ở Liên Xô, Thủ tướng Mikhail Gorbachev (1931-) nhậm chức vào năm 1985 và đưa ra hai chính sách xác định lại mối quan hệ của Nga với phần còn lại của thế giới: "glasnost" - cởi mở chính trị và " perestroika” - cải cách kinh tế.
��nh hưởng của Liên Xô ở Đông Âu bắt đầu suy yếu. Vào năm 1989, mọi quốc gia cộng sản khác trong khu vực đã thay thế chính phủ của mình bằng một chính phủ phi cộng sản. Vào tháng 11 năm đó, Bức tường Berlin - biểu tượng dễ thấy nhất của Chiến tranh Lạnh kéo dài hàng thập kỷ - cuối cùng đã bị phá hủy, chỉ hơn hai năm sau khi Reagan thách thức thủ tướng Liên Xô trong một bài phát biểu tại Cổng Brandenburg ở Berlin: “Mr. Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này. ”
Năm 1991, Liên Xô tan rã. Chiến tranh lạnh kết thúc.
0 notes
giandaide · 5 years
Text
Tóm lược Thế chiến thứ Hai
Sự bất ổn tạo ra ở châu Âu bởi Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-18) đã tạo tiền đề cho một cuộc xung đột quốc tế khác - Chiến tranh thế giới thứ hai - nổ ra hai thập kỷ sau đó và còn tàn khốc hơn.
Lên nắm quyền ở một nước Đức không ổn định về kinh tế và chính trị, Adolf Hitler, lãnh đạo Đảng Quốc xã, đã tái thiết quốc gia và ký kết các hiệp ước chiến lược với Ý và Nhật Bản để tiếp tục tham vọng thống trị thế giới. Cuộc xâm lược của Hitler vào Ba Lan vào tháng 9 năm 1939 đã khiến Anh và Pháp tuyên chiến với Đức, đánh dấu sự khởi đầu của Thế chiến thứ hai. Trong 6 năm tiếp theo, cuộc xung đột cướp đi sinh mạng của nhiều người và phá hủy nhiều đất đai, tài sản trên toàn cầu hơn bất kỳ cuộc chiến nào trước đó. Trong số ước tính 45-60 triệu người thiệt mạng có 6 triệu người Do Thái bị sát hại trong các trại tập trung của Đức Quốc xã như một phần trong "Giải pháp cuối cùng" (Final Solution) ma quỷ của Hitler, ngày nay được gọi là vụ diệt chủng Holocaust.
Những điều dẫn đến Thế chiến II
Sự tàn phá của Thế chiến thứ Nhất đã gây bất ổn đáng kể cho châu Âu, và về nhiều mặt, việc Chiến tranh thế giới thứ Hai nổ ra bắt nguồn từ những vấn đề chưa được giải quyết bởi cuộc chiến trước đó. Đặc biệt, sự bất ổn chính trị và kinh tế ở Đức, và sự bất bình đối với các điều khoản khắc nghiệt mà Hiệp ước Versailles áp đặt, đã góp phần gia tăng quyền lực cho Adolf Hitler và Đảng Công nhân Đức Quốc xã, viết tắt là NSDAP trong tiếng Đức và Đảng Quốc xã trong tiếng Anh.
Tumblr media
Ngay từ năm 1923, trong cuốn hồi ký tuyên truyền "Mein Kampf" (Cuộc đấu tranh của tôi), Adolf Hitler đã tiên đoán về một cuộc chiến tranh chung của châu Âu dẫn đến "sự tiêu diệt của chủng tộc Do Thái ở Đức".
Sau khi trở thành Thủ tướng Đức vào năm 1933, Hitler nhanh chóng củng cố quyền lực, trở thành Quốc trưởng (lãnh đạo tối cao) vào năm 1934. Bị ám ảnh bởi ý tưởng về sự vượt trội của chủng tộc Đức "thuần chủng", mà ông ta gọi là "Aryan", Hitler tin rằng chiến tranh là cách duy nhất để giành được “Lebensraum” - không gian sống - để chủng tộc Đức được mở rộng.
Vào giữa những năm 1930, ông bí mật bắt đầu tái vũ trang nước Đức, vi phạm Hiệp ước Versailles. Sau khi ký kết liên minh với Ý và Nhật Bản để chống lại Liên Xô, Hitler đưa quân đến chiếm đóng Áo vào năm 1938 và năm sau đó sáp nhập Tiệp Khắc. Sự xâm lược công khai của Hitler không được kiểm soát, vì thời điểm đó Hoa Kỳ và Liên Xô đang tập trung vào chính trị nội bộ, còn Pháp và Anh (hai quốc gia bị tàn phá nặng nề nhất bởi Thế chiến thứ Nhất) thì đều không mặn mà việc đối đầu lần nữa.
Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ (1939)
Cuối tháng 8 năm 1939, Hitler và nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã ký Hiệp ước Không xâm lược Xô-Đức, hiệp ước này đã kích động một sự lo ngại tại London và Paris. Hitler từ lâu đã lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược Ba Lan, quốc gia mà Anh và Pháp đã đảm bảo hỗ trợ quân sự nếu nước này bị Đức tấn công. Hiệp ước với Stalin có nghĩa là Hitler sẽ không phải đối mặt với một cuộc chiến trên hai mặt trận Đông lẫn Tây khi ông ta xâm lược Ba Lan, và sẽ có sự hỗ trợ của Liên Xô trong việc chinh phục và chia rẽ đất nước này.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Hitler xâm lược Ba Lan từ phía tây; hai ngày sau, Pháp và Anh tuyên chiến với Đức, bắt đầu Thế chiến thứ hai.
Ngày 17 tháng 9, quân đội Liên Xô xâm lược Ba Lan từ phía đông. Dưới sự tấn công từ cả hai phía, Ba Lan nhanh chóng thất thủ, và đến đầu năm 1940, Đức và Liên Xô đã phân chia quyền kiểm soát đối với quốc gia này, theo một giao thức bí mật được đính kèm với Hiệp ước Không xâm lược. Sau đó, các lực lượng của Stalin chuyển sang chiếm các nước Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania) và đánh bại lực lượng kháng cự của Phần Lan trong Chiến tranh Nga-Phần Lan. Sáu tháng sau cuộc xâm lược Ba Lan, việc Đức và các nước Đồng minh ở phía Tây án binh bất động đã khiến các phương tiện truyền thông báo chí cho rằng đây là “cuộc chiến rởm” (phony war). Tuy nhiên, trên biển, hải quân Anh và Đức đã đối mặt trong một trận chiến nảy lửa, và các tàu ngầm U-boat đáng gờm của Đức đã tấn công các tàu buôn đến Anh, đánh chìm hơn 100 tàu trong bốn tháng đầu tiên của Thế chiến thứ hai.
Mặt trận phía Tây (1940-41)
Ngày 9 tháng 4 năm 1940, Đức đồng thời xâm lược Na Uy và chiếm đóng Đan Mạch, cuộc chiến bắt đầu gay gắt.
Ngày 10 tháng 5, các lực lượng Đức tràn qua Bỉ và Hà Lan theo một triết lý chiến tranh được gọi là "blitzkrieg", chiến tranh chớp nhoáng.
Ba ngày sau, quân đội của Hitler vượt sông Meuse và tấn công quân Pháp tại Sedan, nằm ở đầu phía bắc của Phòng tuyến Maginot, một chuỗi công sự phức tạp được xây dựng sau Thế chiến thứ nhất và được coi là hàng rào phòng thủ không thể xuyên thủng. Trên thực tế, quân Đức đã chọc thủng phòng tuyến bằng xe tăng cùng máy bay của họ và tiếp tục tiến về phía sau, khiến phòng tuyến này trở nên vô dụng.
Lực lượng Viễn chinh Anh (BEF) được di tản bằng đường biển khỏi Dunkirk vào cuối tháng 5, trong khi ở miền Nam quân Pháp tiến hành một cuộc kháng cự cam go.
Khi nước Pháp trên bờ vực sụp đổ, nhà độc tài phát xít của Ý Benito Mussolini đã thành lập một liên minh với Hitler, Hiệp ước thép. Ý tuyên chiến chống lại Pháp và Anh vào ngày 10 tháng 6.
Ngày 14 tháng 6, quân Đức tiến vào Paris; một chính phủ mới được thành lập bởi Thống chế Philippe Petain (anh hùng của Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất) đã yêu cầu đình chiến hai đêm sau đó. Nước Pháp được chia thành hai khu vực, một khu vực dưới sự chiếm đóng của quân đội Đức và khu vực còn lại thuộc chính phủ của Petain, đặt tại Vichy. Hitler giờ chuyển sự chú ý sang Anh, quốc gia có lợi thế phòng thủ do được ngăn cách với Lục địa bởi eo biển Manche.
Tumblr media
Để mở đường cho một cuộc đổ bộ (được gọi là Chiến dịch Sư tử biển), máy bay Đức đã ném bom Anh trên diện rộng bắt đầu từ tháng 9 năm 1940 cho đến tháng 5 năm 1941, được gọi là Blitz, bao gồm các cuộc không kích ban đêm vào London và các trung tâm công nghiệp khác gây ra thương vong và thiệt hại nặng nề cho dân thường. Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) cuối cùng đã đánh bại Luftwaffe (Không quân Đức) trong Trận chiến Anh Quốc (Battle of Britain), Hitler đã phải hoãn kế hoạch xâm lược. Với việc các nguồn lực phòng thủ của Anh bị đẩy đến mức giới hạn, Thủ tướng Winston Churchill bắt đầu nhận viện trợ quan trọng từ Hoa Kỳ theo Đạo luật Cho thuê tài chính (Lend-Lease Act), được Quốc hội thông qua vào đầu năm 1941.
Hitler và Stalin: Chiến dịch Barbarossa (1941-42)
Đầu năm 1941, Hungary, Romania và Bulgaria đã gia nhập phe Trục, quân đội Đức tràn qua Nam Tư và Hy Lạp vào tháng 4 năm đó. Cuộc chinh phục vùng Balkan của Hitler là tiền đề cho mục tiêu thực sự của ông: xâm lược Liên Xô, nơi có lãnh thổ rộng lớn sẽ mang lại cho chủng tộc thượng đẳng Đức đủ “Lebensraum” cần thiết. Nửa còn lại trong chiến lược của Hitler là tiêu diệt người Do Thái từ khắp châu Âu do Đức chiếm đóng. Các kế hoạch cho “Giải pháp cuối cùng” đã được đưa ra vào khoảng thời gian Liên Xô tấn công, để rồi trong ba năm sau đó, hơn 4 triệu người Do Thái đã bỏ mạng trong các trại tử thần được thành lập ở Ba Lan do Đức chiếm đóng.
Tumblr media
Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Hitler ra lệnh tấn công Liên Xô với mật danh Chiến dịch Barbarossa. Mặc dù xe tăng và máy bay Liên Xô vượt trội số lượng so với Đức nhưng công nghệ hàng không Nga phần lớn là lỗi thời, cộng với yếu tố bất ngờ khi tấn công đã giúp Đức tiến vào bán kính 200 dặm của Moscow trong giữa tháng 7. Tranh cãi giữa Hitler và các chỉ huy đã khiến các cuộc tiến công tiếp theo của quân Đức trì hoãn cho đến tháng 10, rồi bị chặn đứng bởi một cuộc phản công của Liên Xô và tiếp theo sau là mùa đông khắc nghiệt.
Mặt trận Thái Bình Dương (1941-43)
Trong khi Anh phải đối đầu với Đức ở châu Âu, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng chống lại sự xâm lược của Nhật Bản, khi vào cuối năm 1941, Nhật mở rộng chiến tranh với Trung Quốc và chiếm giữ các thuộc địa của châu Âu ở Viễn Đông.
Vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, 360 máy bay Nhật Bản đã tấn công căn cứ hải quân lớn của Mỹ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii, khiến người Mỹ hoàn toàn bất ngờ, cướp đi sinh mạng của hơn 2.300 quân nhân. Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng đã thống nhất dư luận Mỹ, ủng hộ việc bước vào Thế chiến thứ hai.
Tumblr media
Vào ngày 8 tháng 12, Quốc hội Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật Bản chỉ với một phiếu bất đồng. Đức và các Lực lượng Trục khác đã nhanh chóng tuyên chiến với Hoa Kỳ.
Sau một chuỗi dài chiến thắng của Nhật Bản, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã giành chiến thắng trong Trận Midway vào tháng 6 năm 1942, đây là một bước ngoặt của cuộc chiến. Tại Guadalcanal, một trong những quần đảo Solomon phía nam, quân Đồng minh cũng đã thành công khi chống lại lực lượng Nhật Bản trong một loạt trận chiến từ tháng 8 năm 1942 đ��n tháng 2 năm 1943, giúp lật ngược tình thế hơn nữa ở Thái Bình Dương.
Vào giữa năm 1943, hải quân Đồng minh bắt đầu một cuộc phản công dữ dội chống lại Nhật Bản, bao gồm một loạt các cuộc đổ bộ vào các đảo quan trọng do Nhật Bản trấn giữ ở Thái Bình Dương. Chiến lược “nhảy đảo” (island-hopping) này đã tỏ ra thành công, để rồi các lực lượng Đồng minh tiến gần hơn tới mục tiêu cuối cùng là xâm lược lục địa Nhật Bản.
Chiến thắng của Đồng minh trong Thế chiến II (1943-45)
Tại Bắc Phi, các lực lượng Anh và Mỹ đã đánh bại người Ý và Đức vào năm 1943. Một cuộc xâm lược của Đồng minh vào Sicily và Ý sau đó khiến chính phủ của Mussolini sụp đổ vào tháng 7 năm 1943, dù vậy cuộc chiến của Đồng minh chống lại người Đức tại Ý vẫn tiếp tục cho đến năm 1945.
Ở Mặt trận phía Đông, một cuộc phản công của Liên Xô được phát động vào tháng 11 năm 1942 đã kết thúc Trận Stalingrad đẫm máu, nơi đã chứng kiến ​​các trận đánh ác liệt nhất trong Thế chiến II. Mùa đông đến gần, cùng với lương thực và nguồn cung cấp y tế ngày càng cạn kiệt, đã khiến quân Đức nhanh chóng sụp đổ, và người lính Đức cuối cùng đầu hàng vào ngày 31 tháng 1 năm 1943.
Tumblr media
Ngày 6 tháng 6 năm 1944 – được kỷ niệm là “Ngày D” (D-Day) – quân Đồng minh bắt đầu một cuộc xâm lược lớn vào châu Âu, đổ bộ 156.000 binh sĩ Anh, Canada và Mỹ lên các bãi biển của Normandy, Pháp. Đáp lại, Hitler dồn toàn bộ sức mạnh còn lại của quân đội sang Tây Âu, cầm chắc thất bại cho Đức ở mặt trận phía Đông. Quân đội Liên Xô nhanh chóng tiến vào Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary và Romania, trong khi Hitler tập trung lực lượng để đánh bật người Mỹ và Anh khỏi Đức trong trận Bulge (12/1944 - 1/1945), cuộc tấn công lớn cuối cùng của quân Đức trong cuộc chiến.
Tumblr media
Một trận oanh tạc dữ dội trên không xảy ra vào tháng 2 năm 1945, theo sau đó là cuộc xâm lược trên bộ của Đồng minh vào Đức. Vào thời điểm Đức chính thức đầu hàng ngày 8 tháng 5, các lực lượng Liên Xô đã chiếm đóng phần lớn Đức. Hitler tự sát ngày 30 tháng 4 trong boongke ở Berlin.
Tumblr media
Chiến tranh kết thúc (1945)
Tại Hội nghị Potsdam từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1945, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman (người đã nhậm chức sau cái chết của Roosevelt vào tháng 4), Churchill và Stalin đã thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra với Nhật Bản cũng như giải pháp hòa bình với Đức. Nước Đức thời hậu chiến sẽ bị chia thành 4 vùng chiếm đóng, do Liên Xô, Anh, Mỹ và Pháp kiểm soát. Về vấn đề phân chia tương lai của Đông Âu, Churchill và Truman đã ngầm đồng ý với Stalin, vì họ cần sự hợp tác của Liên Xô trong cuộc chiến chống Nhật Bản.
Tumblr media
Thương vong nặng nề trong các chiến dịch tại Iwo Jima (tháng 2 năm 1945) và Okinawa (tháng 4 đến tháng 6 năm 1945), cộng thêm lo ngại về chi phí cho cuộc đổ bộ lên đất Nhật Bản thậm chí còn tốn kém hơn đã khiến Truman cho phép sử dụng một loại vũ khí mới có sức tàn phá lớn. Được phát triển trong một chiến dịch tuyệt mật có tên mã là Dự án Manhattan, các quả bom nguyên tử đã được thả xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào đầu tháng 8.
Tumblr media
Ngày 15 tháng 8, chính phủ Nhật Bản ra một tuyên bố, họ chấp nhận các điều khoản của Tuyên bố Potsdam, và vào ngày 2 tháng 9, Tướng Douglas MacArthur của Hoa Kỳ đã chấp nhận sự đầu hàng chính thức của Nhật Bản trên tàu USS Missouri ở Vịnh Tokyo.
Tumblr media
Quân nhân Mỹ gốc Phi trong hai cuộc chiến
Chiến tranh thế giới thứ hai đã phơi bày một nghịch lý rõ ràng trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ. Mặc dù hơn 1 triệu người Mỹ gốc Phi đã phục vụ trong cuộc chiến đánh bại Quốc xã và Chủ nghĩa phát xít, nhưng họ chỉ phục vụ trong các đơn vị tách biệt. Chính sách phân biệt đối xử của Jim Crow vốn đã lan tràn trong xã hội Mỹ nay càng được quân đội Mỹ củng cố thêm. Những người lính da màu hiếm khi tham chiến và phần lớn được chuyển xuống các đơn vị lao động và tiếp tế do các sĩ quan da trắng chỉ huy.
Tumblr media
Có một số đơn vị người Mỹ gốc Phi đã chứng tỏ sự đắc lực góp phần vào chiến thắng trong Thế chiến thứ hai, trong đó Đội bay Tuskegee là một trong những đơn vị được ca ngợi nhất. Red Ball Express, đoàn xe tải chủ yếu là người da màu chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho quân đội của Tướng George S. Patton trên tiền tuyến ở Pháp. Tiểu đoàn xe tăng 761 toàn bộ là da màu đã tham chiến trận Bulge và Sư đoàn bộ binh 92 đã chiến đấu trong các trận đánh ác liệt trên bộ ở Ý. Tuy nhiên, bất chấp vai trò của họ trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít, cuộc chiến vì sự bình đẳng vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người lính Mỹ gốc Phi sau khi Thế chiến II kết thúc. Họ vẫn ở trong các đơn vị tách biệt và các vị trí cấp thấp hơn, cho đến tận Chiến tranh Triều Tiên, nổ ra vài năm sau khi Tổng thống Truman ký lệnh xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc trong quân đội Hoa Kỳ vào năm 1948.
Thương vong và di sản để lại
Chiến tranh thế giới thứ hai được chứng minh là cuộc xung đột quốc tế đẫm máu nhất trong lịch sử, cướp đi sinh mạng của 60 đến 80 triệu người, trong đó có 6 triệu người Do Thái đã chết dưới tay Đức quốc xã trong suốt thời kỳ Holocaust. Dân thường chiếm khoảng 50-55 triệu người, trong khi quân đội chiếm từ 21 đến 25 triệu người thiệt mạng. Hàng triệu người khác bị thương, và số người mất nhà cửa, tài sản còn nhiều hơn nữa.
Di sản của cuộc chiến bao gồm sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản từ Liên Xô sang Đông Âu và chủ nghĩa này cuối cùng thành công vang dội ở Trung Quốc, sự chuyển dịch quyền lực toàn cầu từ châu Âu sang hai siêu cường đối thủ của nhau - Hoa Kỳ và Liên Xô - để rồi sau đó đối đầu nhau trong Chiến tranh Lạnh.
0 notes
giandaide · 5 years
Text
Tóm lược Thế chiến thứ Nhất
Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu vào năm 1914 sau vụ ám sát Đại Công Tước Franz Ferdinand của Áo. Vụ giết người dẫn đến một cuộc chiến khắp châu Âu kéo dài đến năm 1918. Trong cuộc xung đột:
Phe Trung tâm (The Central Powers) gồm Đức, Áo-Hungary, Bulgaria và Đế chế Ottoman
đã chiến đấu chống lại
Phe Đồng Minh (The Allied Powers - còn gọi là phe Hiệp Ước) bao gồm Anh, Pháp, Nga, Ý, Romania, Nhật Bản và Hoa Kỳ
Do sự xuất hiện của các công nghệ quân sự mới và sự khủng khiếp của chiến tranh chiến hào, Thế chiến thứ Nhất đã chứng kiến mức độ tàn sát và phá hủy chưa từng có. Vào thời điểm cuộc chiến kết thúc và phe Đồng minh tuyên bố chiến thắng, hơn 16 triệu người gồm binh lính và dân thường đã thiệt mạng.
Vụ ám sát Đại Công Tước Franz Ferdinand
Căng thẳng đã gia tăng khắp châu Âu - đặc biệt là ở khu vực Balkan (đông nam châu Âu) - trong nhiều năm trước khi Thế chiến thứ nhất thực sự nổ ra.
Một số liên minh đã tồn tại nhiều năm giữa các cường quốc châu Âu, Đế chế Ottoman, Nga và các bên khác, nhưng bất ổn chính trị ở Balkan (đặc biệt là Bosnia, Serbia và Herzegovina) đã đe dọa phá hủy các thỏa thuận này.
Tia lửa châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ nhất đã xảy ra ở Sarajevo, Bosnia, nơi Đại Công Tước Franz Ferdinand - người thừa kế Đế chế Áo-Hung - bị bắn chết cùng với vợ mình, Sophie, bởi nhà dân tộc chủ nghĩa Serbia Gavrilo Princip vào ngày 28 tháng 6 năm 1914. Princip và những người theo chủ nghĩa dân tộc khác đấu tranh để chấm dứt sự thống trị của Áo-Hung đối với Bosnia và Herzegovina.
Tumblr media
Vụ ám sát Franz Ferdinand gây ra một chuỗi sự kiện leo thang nhanh chóng: Áo-Hungary, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, đổ lỗi cho chính phủ Serbia về vụ tấn công và hy vọng sử dụng vụ việc này như một cái cớ để giải quyết vấn đề chủ nghĩa dân tộc tại Serbia một lần và mãi mãi.
Vì người Nga hùng mạnh lại đang ủng hộ Serbia, nên Áo-Hungary phải chờ cho đến khi nhận được sự bảo đảm từ Hoàng Đế Đức Kaiser Wilhelm II rằng Đức sẽ ủng hộ, thì họ mới dám tuyên chiến. Các nhà lãnh đạo Áo-Hung lo ngại rằng sự can thiệp của Nga sẽ lôi kéo cả đồng minh của Nga là Pháp và có thể cả Anh.
Đến ngày 5 tháng 7, Kaiser Wilhelm bí mật cam kết ủng hộ Áo-Hungary trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Đế Quốc Áo-Hungary sau đó đã gửi tối hậu thư cho Serbia, với những điều khoản khắc nghiệt đến mức gần như không thể chấp nhận được.
Chính phủ Serbia huy động quân đội và kêu gọi Nga hỗ trợ.
Ngày 28 tháng 7, Áo-Hungary tuyên chiến với Serbia, đánh dấu sự sụp đổ của nền hòa bình lâu dài giữa các cường quốc châu Âu.
Trong vòng một tuần, Nga, Bỉ, Pháp, Anh và Serbia đã tuyên bố chống lại Áo-Hungary và Đức: Thế chiến thứ nhất bắt đầu.
Mặt trận phía Tây
Theo một chiến lược quân sự gọi là Kế hoạch Schlieffen (Schlieffen Plan) (được đặt tên theo người nghĩ ra, Thống chế Đức Alfred von Schlieffen), Đức bắt đầu Thế chiến trên hai mặt trận, xâm lược Pháp thông qua Bỉ trung lập ở phía Tây và đối đầu với Nga ở phía Đông.
Ngày 4 tháng 8 năm 1914, quân Đức vượt biên giới vào Bỉ. Trong trận đầu tiên của Thế chiến, quân Đức đã tấn công thành phố Liege được phòng thủ kiên cố, bằng vũ khí mạnh nhất của họ — những khẩu đại bác khổng lồ — và chiếm thành phố trong vòng 10 ngày.
Quân Đức đã để lại cái chết và sự tàn phá sau khi họ tiến qua Bỉ về phía Pháp, họ bắn thường dân và hành quyết một linh mục người Bỉ mà họ cáo buộc là kích động dân chúng phản kháng.
Trận sông Marne lần thứ nhất
Trong trân đánh sông Marne lần đầu, vào ngày 6 tháng 9, năm 1914, Pháp và Anh đã đối đầu với quân xâm lược Đức, lúc này thâm nhập sâu vào vùng đông bắc nước Pháp, trong vòng 30 dặm của Paris. Quân Đồng minh đã phát hiện bước tiến của quân Đức và tổ chức một cuộc phản công thành công, đẩy quân Đức quay trở lại phía bắc sông Aisne.
Thất bại này đồng nghĩa với sự sụp đổ của kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Đức tại Pháp. Cả hai bên đều đào chiến hào và Mặt trận phía Tây trở thành một cuộc chiến tiêu hao sinh lực kinh hoàng kéo dài suốt hơn ba năm.
Tumblr media
Các trận đánh đặc biệt dài hơi và tốn kém trong chiến dịch này đã diễn ra tại Verdun (tháng 2 đến tháng 12 năm 1916) và trận Somme (tháng 7 đến tháng 11 năm 1916). Chỉ riêng trận Verdun, quân Đức và Pháp đã thương vong gần một triệu người.
Mặt trận phía Đông
Tại Mặt trận phía Đông, các lực lượng Nga đã xâm lược các khu vực do Đức chiếm giữ ở Đông Phổ và Ba Lan, nhưng bị quân Đức và Áo chặn đứng trong trận Tannenberg vào cuối tháng 8 năm 1914.
Bất chấp chiến thắng của Đức, cuộc tấn công của Nga đã buộc Đức phải di chuyển hai quân đoàn từ Mặt trận phía Tây sang phía Đông, góp phần khiến Đức bị tổn thất trong Trận chiến sông Marne.
Cùng với sự kháng cự quyết liệt của Đồng minh ở Pháp, khả năng điều động tương đối nhanh chóng của quân Nga ở phía Đông đã khiến cho cuộc xung đột kéo dài hơn, cam go hơn thay vì một chiến thắng nhanh chóng mà Đức đã hy vọng giành được theo Kế hoạch Schlieffen ban đầu.
Cách mạng Tháng Mười Nga
Từ năm 1914 đến năm 1916, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công trên Mặt trận phía Đông, nhưng cũng không thể phá vỡ phòng tuyến của Đức.
Thất bại trên chiến trường, kết hợp với bất ổn kinh tế, khan hiếm lương thực và các nhu yếu phẩm khác, đã dẫn đến sự bất mãn của phần lớn dân chúng Nga, đặc biệt là những công nhân và nông dân nghèo đói. Sự thù địch gia tăng này đã nhắm vào chế độ đế quốc của Sa hoàng Nicholas II.
Cuối cùng, sự bất ổn âm ỉ của nước Nga bùng nổ trong Cách mạng Tháng Mười năm 1917, do Vladimir Lenin và những người Bolshevik lãnh đạo, cuộc cách mạng này đã chấm dứt sự cai trị của Sa hoàng và khiến Nga ngừng tham gia Thế chiến thứ nhất.
Tumblr media
Nga đạt được một hiệp định đình chiến với Phe Trung tâm vào đầu tháng 12 năm 1917, để quân Đức rảnh tay đối mặt với các Đồng minh còn lại ở Mặt trận phía Tây.
Sự tham gia của Mỹ
Khi Thế chiến bùng nổ năm 1914, Hoa Kỳ vẫn đứng bên lề và áp dụng chính sách trung lập được Tổng thống Woodrow Wilson đề xuất trong khi tiếp tục tham gia thương mại và vận chuyển tới các nước châu Âu ở cả hai phe xung đột.
Tuy nhiên, tính trung lập ngày càng khó duy trì khi các tàu ngầm Đức không được kiểm soát đã gây hấn với các tàu hàng trung lập, kể cả những tàu chở hành khách. Năm 1915, Đức tuyên bố vùng biển xung quanh Quần đảo Anh là vùng chiến sự, các tàu U-boat của Đức đã đánh chìm một số tàu thương mại và hành khách, bao gồm cả một số tàu của Hoa Kỳ.
Sự phản đối lan rộng về việc tàu U-boat của Đức đánh chìm tàu viễn dương Anh Lusitania — đi từ New York, Mỹ đến Liverpool, Anh với hàng trăm hành khách Mỹ trên tàu — vào tháng 5 năm 1915 đã giúp xoay chuyển làn sóng dư luận Mỹ chống lại Đức. Vào tháng 2 năm 1917, Quốc hội đã thông qua một dự luật cấp kinh phí trị giá 250 triệu đô-la để Hoa Kỳ sẵn sàng nhảy vào cuộc chiến.
Tumblr media
Một tháng sau, Đức đánh chìm thêm bốn tàu buôn của Mỹ, và vào ngày 2 tháng 4, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson xuất hiện trước Quốc hội kêu gọi tuyên chiến chống lại Đức.
Chiến dịch Gallipoli
Phe Đồng minh cố gắng giành chiến thắng trước Đế chế Ottoman, đế chế đã về Phe Trung tâm và tham gia vào cuộc xung đột vào cuối năm 1914.
Sau một cuộc tấn công thất bại vào Dardanelles (eo biển nối Biển Marmara với Biển Aegean), lực lượng Đồng minh do Anh dẫn đầu đã tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ quy mô lớn vào Bán đảo Gallipoli vào tháng 4 năm 1915. Cuộc xâm lược đã thất bại thảm hại, và vào tháng 1 năm 1916 các lực lượng Đồng minh đã phải rút lui hoàn toàn khỏi các bờ biển của bán đảo sau khi nhận lấy 250.000 thương vong.
Bạn có biết không? Chàng trai trẻ Winston Churchill, khi đó đứng đầu Cục Hải quân Hoàng gia Anh, đã từ chức chỉ huy sau thất bại ở Gallipoli năm 1916 và chấp nhận gia nhập một tiểu đoàn bộ binh ở Pháp.
Các lực lượng do Anh dẫn đầu cũng chiến đấu với Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman ở Ai Cập và Lưỡng Hà, trong khi ở miền bắc nước Ý, quân đội Áo và Ý đã đối đầu trong một loạt 12 trận chiến dọc theo sông Isonzo, nằm ở biên giới giữa hai quốc gia.
Trận Isonzo
Trận Isonzo lần thứ nhất diễn ra vào cuối mùa xuân năm 1915, ngay sau khi Ý tham gia vào cuộc chiến với phe Đồng minh. Trong trận Isonzo lần thứ mười hai, còn được gọi là trận Caporetto (tháng 10 năm 1917), quân tiếp viện của Đức đã giúp Áo-Hungary giành được chiến thắng quyết định.
Sau thất bại của Ý trong trận Caporetto, các đồng minh của Ý đã tham gia để tăng cường hỗ trợ. Quân đội Anh và Pháp - và sau đó cả Mỹ - đã đến khu vực này, và quân Đồng minh bắt đầu đánh chiếm lại Mặt trận Ý.
Cuộc chiến trên biển
Những năm trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, ưu thế của Hải quân Hoàng gia Anh vượt trội so với bất kỳ hạm đội của quốc gia nào khác, nhưng Hải quân của Đế quốc Đức cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hai cường quốc hải quân. Sức mạnh của Đức trên biển càng được củng cố thêm khi có mặt hạm đội tàu ngầm cực kỳ nguy hiểm U-boat.
Sau trận Dogger Bank vào tháng 1 năm 1915, khi đó người Anh tấn công bất ngờ các tàu Đức ở Biển Bắc, hải quân Đức đã tránh đối đầu trên qui mô lớn với Hải quân Hoàng gia hùng mạnh của Anh trong hơn một năm. Người Đức đặt toàn bộ triết lý hải chiến của mình dựa trên đội tàu U-boat của họ.
Tháng 5 năm 1916, trận chiến hải quân lớn nhất của Thế chiến thứ nhất diễn ra, trận Jutland.
Tumblr media
Trận đánh này giữ vững ưu thế của hải quân Anh trên Biển Bắc và làm cho Đức bế tắc trong việc phá hủy sự phong tỏa hải quân của Phe Đồng minh trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến.
Những cuộc không chiến
Thế chiến thứ Nhất là cuộc xung đột lớn đầu tiên khai thác sức mạnh của máy bay. Mặc dù không có tác động mạnh như Hải quân Hoàng gia Anh hay U-boat của Đức, việc sử dụng máy bay trong Thế chiến thứ nhất đã đóng vai trò then chốt về sau trong các cuộc xung đột quân sự toàn cầu.
Vào buổi bình minh của Thế chiến thứ nhất, hàng không là một lĩnh vực tương đối mới; Anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay kéo dài thành công đầu tiên chỉ 11 năm trước đó, năm 1903. Ban đầu máy bay được sử dụng chủ yếu để do thám. Trong Trận Marne lần thứ nhất, thông tin do thám từ các phi công đã giúp quân Đồng minh khai thác các điểm yếu trong phòng tuyến của quân Đức, giúp quân Đồng minh đẩy Đức ra khỏi Pháp.
Những khẩu súng máy đầu tiên đã được lắp thành công trên máy bay vào tháng 6 năm 1912 tại Hoa Kỳ, nhưng không hoạt động tốt lắm; Nếu bắn không đúng lúc, một viên đạn có thể dễ dàng phá hủy cánh quạt của chính chiếc máy bay đó. Morane-Saulnier L, một dòng máy bay của Pháp, đã giải quyết vấn đề: Cánh quạt được bọc thép với các nêm làm lệch hướng để ngăn đạn bắn trúng nó. Morane-Saulnier Type L được sử dụng bởi Pháp, Không quân Hoàng gia Anh, Không quân Hải quân Hoàng gia Anh và Không quân Đế quốc Nga. Bristol Type 22 của Anh là một mẫu máy bay phổ biến khác được sử dụng cho cả nhiệm vụ trinh sát và chiến đấu.
Tumblr media
Nhà phát minh người Hà Lan Anthony Fokker đã cải tiến hệ thống làm lệch hướng của Pháp vào năm 1915. “Bộ chuyển hướng” của ông đồng bộ sự nhả đạn của súng với cánh quạt của máy bay để tránh cả hai va chạm nhau. Ngoài chiếc máy bay phổ biến nhất của ông trong Thế chiến thứ Nhất là Fokker Eindecker một chỗ ngồi, Fokker đã tạo ra hơn 40 loại máy bay khác cho người Đức.
Phe Đồng minh cho ra mắt máy bay ném bom hai động cơ Handley-Page HP O/400 đầu tiên vào năm 1915. Khi công nghệ trên không ngày càng tiến bộ, các máy bay ném bom hạng nặng tầm xa như Gotha G.V của Đức (được giới thiệu lần đầu năm 1917) đã được sử dụng để tấn công các thành phố như London. Tốc độ và khả năng cơ động khiến chúng nguy hiểm chết người hơn rất nhiều so với các cuộc đột kích bằng Khí cầu Zeppelin trước đó của Đức.
Vào cuối cuộc chiến, quân Đồng minh đã sản xuất số lượng máy bay nhiều hơn gấp 5 lần so với quân Đức. Vào ngày 1 tháng 4 năm 1918, Anh thành lập Lực lượng Không quân Hoàng gia, hay RAF, lực lượng không quân đầu tiên tách riêng độc lập khỏi hải quân và lục quân.
Trận sông Marne lần thứ hai
Khi Đức đã có thể củng cố sức mạnh của mình ở Mặt trận phía Tây sau hiệp định đình chiến với Nga ở phía Đông, quân đội Đồng minh đã phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công từ Đức cho đến khi Hoa Kỳ hứa hẹn sẽ đưa quân tiếp viện đến.
Ngày 15 tháng 7 năm 1918, quân Đức phát động cuộc tấn công cuối cùng của mình trong cuộc chiến, tấn công quân Pháp (lúc này có sự tham gia của 85.000 quân Mỹ cũng như một số Lực lượng Viễn chinh Anh) trong Trận chiến Marne lần thứ hai. Phe Đồng minh đã đẩy lùi thành công cuộc tấn công và tiến hành cuộc phản công ngược lại chỉ ba ngày sau đó.
Tumblr media
Sau khi hứng chịu thương vong lớn, Đức buộc phải hoãn một kế hoạch tấn công xa hơn về phía bắc, trong vùng Flanders trải dài giữa Pháp và Bỉ, nơi được coi là hy vọng chiến thắng tốt nhất của Đức.
Trận Marne lần thứ hai đã xoay chuyển cục diện chiến tranh một cách quyết định về phía Đồng minh, về sau giành lại được phần lớn Pháp và Bỉ.
Vai trò của Sư đoàn 92 và 93
Vào lúc Thế chiến thứ nhất bắt đầu, có bốn trung đoàn da màu trong quân đội Hoa Kỳ: Binh đoàn 24 và 25 và Binh đoàn 9 và 10. Tất cả bốn trung đoàn đều tập trung những người lính nổi tiếng đã chiến đấu trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ và Chiến tranh Mỹ-Ấn Độ, và phục vụ trên các lãnh thổ của Mỹ. Nhưng họ không được triển khai chiến đấu ở nước ngoài trong Thế chiến thứ nhất.
Người da màu phục vụ cùng với những người lính da trắng trên các tiền tuyến ở châu Âu là điều không thể tưởng tượng được đối với quân đội Hoa Kỳ. Thay vào đó, những binh lính người Mỹ gốc Phi đầu tiên được gửi ra nước ngoài phục vụ trong các tiểu đoàn lao động biệt lập, bị hạn chế ở các vai trò nhỏ trong Quân đội và Hải quân, và cấm hoàn toàn đối với Thủy quân lục chiến. Nhiệm vụ của họ chủ yếu bao gồm dỡ hàng trên tàu, vận chuyển vật liệu từ các kho tàu, căn cứ và bến cảng, đào hào, nấu nướng và bảo trì, dỡ bỏ hàng rào thép gai, các thiết bị không hoạt động được, và chôn cất binh lính.
Trước những lời chỉ trích từ cộng đồng Da màu và các tổ chức dân quyền về tiêu chuẩn hạn chế và cách đối xử với binh lính người Mỹ gốc Phi trong chiến tranh, quân đội đã thành lập hai đơn vị chiến đấu Da màu vào năm 1917, Sư đoàn 92 và 93. Sư đoàn 92 phải đối mặt với những chỉ trích vì không hiệu quả trong chiến dịch Meuse-Argonne tháng 9 năm 1918. Tuy nhiên sư đoàn 93 chiến đấu thành công hơn.
Với lực lượng đang suy yếu, Pháp yêu cầu Mỹ tiếp viện, Tướng John Pershing, chỉ huy Lực lượng Viễn chinh Mỹ, đã gửi các trung đoàn trong Sư đoàn 93 đến thay thế, vì Pháp đã có kinh nghiệm chiến đấu cùng với những người lính da màu trong quân đội Thuộc địa Pháp ở Senegal. Trung đoàn 369 của Sư đoàn 93, biệt danh Những chiến binh địa ngục - Harlem Hellfighters, đã chiến đấu rất anh dũng, với tổng cộng 191 ngày trên tiền tuyến, lâu hơn bất kỳ trung đoàn nào của Lực lượng viễn chinh Mỹ.
Tumblr media
Pháp đã trao tặng họ Huân chương Thập Tự Chiến Tranh - Croix de Guerre vì tinh thần anh dũng của họ. Có hơn 350.000 binh sĩ người Mỹ gốc Phi đã phục vụ trong Thế chiến thứ nhất với nhiều vai trò khác nhau.
Đình chiến
Tính đến mùa thu năm 1918, các lực lượng của Phe Trung tâm đã rút khỏi mọi mặt trận.
Bất chấp chiến thắng của người Thổ Nhĩ Kỳ tại Gallipoli, các lực lượng xâm lược đã đánh bại họ sau đó, cùng với các cuộc nổi dậy của người Ả Rập đã phá hủy nền kinh tế Ottoman và tàn phá đất đai của họ. Người Thổ đã ký một hiệp ước với Phe Đồng minh vào cuối tháng 10 năm 1918.
Áo-Hungary, tan rã từ bên trong do các phong trào dân tộc chủ nghĩa ngày càng gia tăng trong dân chúng, đã thỏa thuận một hiệp định đình chiến vào ngày 4 tháng 11. Đối mặt với nguồn lực trên chiến trường ngày càng cạn kiệt, sự bất mãn ngay trên sân nhà và sự đầu hàng của các đồng minh, Đức cuối cùng buộc phải tìm kiếm một hiệp định đình chiến vào ngày 11 tháng 11 năm 1918, kết thúc Thế chiến thứ nhất.
Hòa ước Versailles
Tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919, các nhà lãnh đạo Phe Đồng minh bày tỏ mong muốn xây dựng một thế giới thời hậu chiến có thể tự bảo vệ mình trước những cuộc xung đột có quy mô tàn khốc như vậy trong tương lai.
Một số bên tham gia thậm chí đã gọi Thế chiến thứ nhất một cách đầy hi vọng là “Cuộc chiến kết thúc mọi cuộc chiến”. Nhưng Hiệp ước Versailles ký ngày 28/6/1919 đã không đạt được mục tiêu cao cả đó.
Bị kết tội chiến tranh, chịu những khoản bồi thường nặng nề và bị từ chối gia nhập Hội Quốc Liên (League of Nations), Đức cảm thấy bị lừa khi ký hiệp ước.
Năm tháng trôi qua, sự căm thù đối với hiệp ước Versailles và cả những người lập ra nó, đã lắng đọng thành một nỗi căm thù âm ỉ ở Đức mà hai thập kỷ sau đó, nó được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến Thế chiến thứ hai.
Thương vong trong Thế chiến thứ Nhất
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã cướp đi sinh mạng của hơn 9 triệu binh sĩ; 21 triệu người khác bị thương. Thương vong dân sự lên tới gần 10 triệu người. Hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đức và Pháp, mỗi quốc gia đã gửi khoảng 80% nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 49 tham chiến.
Tumblr media
Sự xáo trộn chính trị xung quanh Thế chiến thứ nhất cũng góp phần vào sự sụp đổ của bốn triều đại hoàng đế lớn: Đức, Áo-Hungary, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Di sản của Thế chiến thứ Nhất
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã gây ra biến động xã hội lớn, khi hàng triệu phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động để thay thế những người đàn ông đã ra trận và cả những người không bao giờ trở lại. Cuộc chiến tranh thế giới đầu tiên này cũng góp phần làm lây lan một trong những đại dịch toàn cầu chết chóc nhất thế giới, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, khiến khoảng 20 đến 50 triệu người thiệt mạng.
Chiến tranh thế giới thứ nhất còn được gọi là “cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên”. Nhiều công nghệ quân sự hiện nay - súng máy, xe tăng, không chiến và liên lạc vô tuyến - đã được giới thiệu trên quy mô lớn trong Thế chiến thứ nhất.
Tumblr media
Ngoài ra, những tác động nghiêm trọng do vũ khí hóa học như khí mù tạt và phosgene gây ra đối với binh lính và dân thường trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đã khiến công chúng và quân đội tỏ thái độ chống lại việc tiếp tục sử dụng chúng. Các hiệp định của Công ước Geneva, được ký năm 1925, đã hạn chế việc sử dụng các tác nhân hóa học và sinh học trong chiến tranh và vẫn có hiệu lực cho đến ngày nay.
0 notes
giandaide · 5 years
Photo
Tumblr media
0 notes
giandaide · 5 years
Text
Ghi chú về thiết kế #3 - Cái gì làm ta cảm thấy đẹp khi nhìn vào?
Có vẻ trên Internet hiếm thấy bài viết nào nói chính xác về chuyện này (mình đã google trước khi viết rồi), hoặc sẽ tồn tại những bài kiểu, ừm.., do đó là bản năng của con người, do thiết kế đó dùng màu đẹp, do nó dùng font đẹp (khá huề vốn).
Mình thì không thích những gì mơ hồ. Và cũng bởi vì, nếu không biết rõ lí do chính xác, thì không thể làm nghề được. Chẳng lẽ cứ làm theo cảm tính, rồi đưa ra lí do bậy bạ thế nọ thế kia khi gặp khách hàng?
Cho nên mình đã phát triển ra 1 cách lý giải logic để bám theo và giải thích cho bất cứ ai khi cần thiết.
Bây giờ, trước khi nhìn vào một bức tranh, một thiết kế, một bìa tạp chí, hay bất cứ thứ gì, nếu ta làm lần lượt theo qui trình sau:
# Đầu tiên, hãy thử bỏ đi ý niệm về sở thích. Nếu ta thích mèo thì khả năng là ta sẽ có cảm tình với một thiết kế có con mèo trong đó, bất chấp các yếu tố còn lại. Điều này lý giải tại sao, có thể ta rất thích thiết kế đó nhưng người khác thì không, đơn giản vì họ không thích mèo! Do đó hãy tạm quên sở thích đi.
# Sau đó, hãy thử loại bỏ tiếp ý niệm về định kiến Định kiến, đặc biệt là về văn hóa và thói quen, là những thứ kiểu như, "tôi không chấp nhận là có 3 người xuất hiện trong 1 tấm hình, vì nó không may mắn", "tôi thấy cây cối có hoa lá màu xanh dương là một điều kỳ dị"... Tương tự đối với các định kiến về tôn giáo, chính trị, niềm tin. Hãy tạm quên nó đi.
# Sau đó, bỏ đi tiếp đi ý niệm về kỷ niệm Kỷ niệm sẽ khiến ta nhớ về một điều gì đó trong quá khứ, dẫn đến có cảm tình với cái ta nhìn vào mà không lý giải được, bất chấp nó xấu hay đẹp. Đó là lý do chỉ có mình ta thấy nó đẹp, còn người khác thì không. Ví dụ khi nhìn vào những font chữ mang hơi hướm Sài Gòn xưa, ta nhớ ngày xưa cạnh nhà mình cũng có những cái bảng hiệu giông giống như vậy, và ta có cảm tình với các font chữ đó. Ngược lại, đối với những thế hệ trẻ hơn, lớn lên sau giai đoạn đó, hoàn toàn không có ký ức về các bảng hiệu kia, thì những font chữ này thậm chí còn trông xấu nữa là đằng khác!
# Như vậy, bây giờ ta chỉ còn là một giống loài suy nghĩ theo logic mà thôi Khi ta nhìn vào một biểu tượng, một logo hay tranh ảnh, bộ não sẽ đánh giá nó trong vài giây đầu, đó gọi là first impression. Và trong tích tắc của first impression đó, ta sẽ cảm thấy một thiết kế là đẹp nếu như đạt đủ hai điều kiện:
Nó đủ đơn giản để não xử lý thông tin dễ dàng
Nó làm não cảm thấy dễ chịu khi xử lý
Tại sao não cảm thấy dễ chịu khi xử lý một thông tin?
Nói ngắn gọn, trong hàng trăm ngàn năm của lịch sử, con người sinh ra từ tự nhiên, sống trong tự nhiên, lấy cảm hứng để phát minh từ tự nhiên (máy bay, miếng dán velcro...), khi chết đi lại trở về tự nhiên, nên cho dù gần đây có sống ở môi trường đô thị, thì trong não con người luôn tồn tại một tiềm thức cổ xưa:
Mỗi khi bắt gặp thứ gì đó mô phỏng giống trong tự nhiên, nó sẽ cảm thấy rất dễ chịu khi xử lý.
Ok, bây giờ là qui trình mà nó xử lý.
Màu sắc
Đầu tiên, khi nhìn vào một logo, biểu tượng, tranh ảnh, do tốc độ ánh sáng là nhanh nhất, màu sắc và bố cục sẽ đi vào mắt rồi tiến lên não trước. Mình cho rằng màu sắc nhanh hơn một chút so với bố cục, bởi vì não sẽ xử lý quang phổ ánh sáng nhanh hơn, nhưng do quá nhanh nên coi như là cùng lúc.
Nếu như cái ta nhìn vào được mix màu tương tự như một cảnh sắc trong thiên nhiên thì não sẽ cảm thấy thân quen khi xử lý. Ví dụ như mix xanh dương và xanh lá. Chắc hẳn ai cũng nhớ hình nền đồng cỏ thần thánh của Windows XP. Nó tên là Bliss, nó có màu xanh dương của bầu trời và xanh lá của thảm cỏ. Trong tự nhiên, đó là cặp màu rất quen thuộc với con người trong hàng triệu năm tiến hóa. Trong vật lý, đó là 2 màu gần nhau trong dãy quang phổ, còn trong thiết kế, đó gọi là phối màu tương đồng (Analogous).
Tumblr media
Ngoài ra, có một kiểu mix màu mà não còn dễ xử lý hơn nữa, và chắc chắn có hiệu quả, đó là phối kiểu Mono: chỉ có 1 màu, hoặc thậm chí chỉ có trắng và đen. Giảm bớt task lại tất nhiên là dễ xử lý hơn đúng không, logic. Bên dưới là những lon Carlsberg chỉ có một màu xanh lá.
Tumblr media
Bố cục
Trong tất cả các thể loại bố cục, bố cục dễ làm nhất và dễ khiến cho não happy nhất chính là làm cho nó hoàn toàn cân xứng. Nếu cái mớ hình ảnh hỗn độn trước mắt ta được sắp thành hình tròn, vuông, tam giác đều và được cân chính giữa thiết kế, thì não chưa cần biết ý nghĩa các hình đó là gì, trước tiên nó sẽ thấy dễ chịu.
Tumblr media
Bức tranh “Trường học ở Athens” của Raphael có bố cục cân xứng khi nhìn lướt qua
Ngoài ra, con người được sinh ra trong một thế giới mà họ đã quen nhìn nhận phần lớn mọi thứ theo phương thẳng đứng, như cái cây thẳng đứng, con người đi thẳng đứng, ngọn núi thẳng đứng... nên mắt có vẻ dễ chịu hơn nếu nhìn một vật thẳng đứng, chứ không phải nằm ngang.
Ta hãy thử vẽ 3 hình sau trên giấy:
Một tam giác nằm chính xác ngay giữa tờ giấy vuông Cũng tam giác đó nhưng lệch lên phía trên tờ giấy Cũng tam giác đó nhưng lệch sang bên phải tờ giấy
Tumblr media Tumblr media Tumblr media
Ta sẽ nhận ra, một cách vô thức: hình đầu tiên rất hoàn hảo, hình như hai tuy không hoàn hảo nhưng nó vẫn cân hơn nhiều so với hình thứ 3, mặc dù tam giác ở hai hình này đều bị đặt lệch! Đó là ví dụ về việc nhận thức mọi thứ theo chiều dọc của mắt người: miễn không lệch ra khỏi trục dọc thì ta sẽ thấy nó vẫn cân.
Như vậy mọi thứ đều có logic của nó. Nếu đặt các vật thể lung tung không theo qui tắc, thì đồng nghĩa với việc đặt người xem vào một cái nhà trẻ, mà mỗi góc có một đứa trẻ, điều đó khiến não người xem sẽ phải xử lý tác phẩm cực nhọc hơn.
Vậy thì tốt nhất, nếu chưa biết làm gì, hãy cho mọi thứ vuông, tròn, tam giác đều, hay hình thù gì đó cân xứng và đặt ở chính giữa không gian. Đó là một giải pháp an toàn cho một người không chuyên sâu, và mắt người xem sẽ rất dễ chịu khi xử lý nó.
Chữ
Sau khi màu và bố cục được xử lý, nếu thiết kế đó có chữ, ta sẽ bắt đầu đọc nó. Và bởi vì chữ cũng có màu sắc và bố cục, việc tạo ra chữ rồi đặt chữ vào thiết kế như thế nào cho đúng, được gọi là làm typography. Typography cũng có những kỹ thuật của nó nên mình viết chi tiết ở bài kế. Nhưng về tổng thể, nếu bố cục & màu của chữ không phá vỡ màu & bố cục chung của thiết kế thì tất cả sẽ ổn.
Vậy thì biết cái bí mật về sự đẹp này sẽ giúp được gì?
Đảo ngược lại, nó sẽ ra cái qui trình thiết kế.
Đầu tiên thiết kế bố cục tổng thể trước, xác định vị trí chữ sao cho không phá vỡ bố cục chung, sau đó thêm các yếu tố về tình cảm, định kiến, kỷ niệm, tùy theo đối tượng muốn hướng đến... cuối cùng là xử lý màu. Đó chính là qui trình thiết kế.
Tóm lại
Đây là cách giải thích của riêng mình về cảm giác đẹp khi nhìn vào thiết kế. Đó hoàn toàn là vấn đề về cách mà não xử lý thông tin, chứ không phải một sự mơ hồ huyền bí nào đó. Dựa vào cách tiếp cận này, ta có thể đưa ra một qui trình khá chuẩn để thiết kế và đảm bảo được hiệu quả khi mọi người nhìn vào.
0 notes
giandaide · 5 years
Text
Ghi chú về thiết kế #2 - Tầm quan trọng checklist
Có một lần mình làm bài hình họa cách đây gần chục năm, mẫu là người thật. Tập trung rất lâu, quên cả thời gian, cho đến khi giáo viên nhắc phải đi nghỉ đi, đừng có cố mà tả mấy cái vết chân chim, mấy cái mụn nhọt của mẫu nữa, ghi nhớ rằng:
"Nghệ sĩ giỏi phải biết dừng lại đúng lúc."
Lý do?
Khi chúng ta sáng tạo, dù là ART hay DESIGN, đến một lúc nào đó, não bắt đầu có khuynh hướng overthink - nghĩ quá mọi thứ lên và khiến mọi thứ lệch khỏi mục tiêu ban đầu. Nó kích hoạt một siêu năng lực tiềm ẩn mà ai cũng có, đó là "thích làm nghệ sĩ".
Điều này cực kỳ phổ biến khi ai đó trang trí nhà, chọn trang phục, trang trí blog cá nhân... mà người đó lại theo chủ nghĩa hoàn mỹ thì ôi thôi, họ sẽ ngồi trước "đứa con tinh thần" của mình từ sáng tới chiều chỉ để sửa một chi tiết, mà có khi trong thực tế, khán thính giả sẽ không bao giờ quan tâm tới nó. Trong khi đó, mục tiêu quan trọng hơn là nhà cửa gọn gàng, áo quần thoáng mát, font chữ dễ đọc thì lại không đạt được!
Trong thiết kế, đó là khi ta ngồi mân mê cái thiết kế logo quán bánh xèo tự biên tự diễn của mình khi nó đã ổn, với hình một dĩa bánh xèo và mấy lá xà lách kế bên, và bắt đầu:
"Hmmm, ăn xong thì phải xỉa răng, mình sẽ add thêm mấy cây tăm xỉa răng nữa để thể hiện sự chu đáo của quán mình!"
Để rồi cuối cùng, sau 15 phút design ban đầu, cộng thêm 1 tháng chỉnh sửa, với tất cả sự tự hào của một người nghệ sĩ bán bánh xèo, ta trình làng cái logo và mọi người bật ngửa vì không biết đây là tiệm bánh xèo hay tạp hóa, khi mà nó cõng theo cả tăm xỉa răng, giấy chùi miệng, một cái bình bông theo đề nghị của vợ và nhìn kỹ một chút thì ô kìa còn có cả ly nước mía nữa, phòng trường hợp người xem khát nước khi xem cái logo này!
Tâm lý này rất là bình thường và bẩm sinh ai cũng có.
Đó là lí do tại sao một số khách hàng khi đã sửa be bét thiết kế sang đến version thứ n-bình-phương thì họ chợt nhận ra (hoặc designer giúp họ nhận ra), những bản thiết kế đầu đôi khi tốt hơn, vì có thể nó không màu mè nhưng nó lại đáp ứng đúng mục tiêu ban đầu. Nếu cứ tiếp tục vẽ vời thêm, việc kéo dài thời gian để thỏa mãn tính nghệ sĩ, sẽ gây ra hậu quả tốn thời gian, không kịp tiến độ để đưa sản phẩm ra đời phục vụ công việc.
Do đó, khi ta biết tạm ngừng đúng lúc và lùi ra xa một chút để quan sát, ta sẽ có cái nhìn tổng thể hơn về những gì mình đang làm và đưa ra quyết định tốt hơn.
Vậy làm sao biết khi nào nên dừng lại?
Dù sáng tạo bất cứ điều gì thì cũng phải có 1 checklist, đặt ra các mục tiêu cụ thể của cái mình sẽ làm, luôn bám sát nó, và nhớ là đặt ra ÍT MỤC TIÊU THÔI, càng nhiều mục tiêu thì độ khó của thiết kế càng tăng và càng dễ thất bại tất cả các mục tiêu.
VD: mục tiêu bảng hiệu có logo bánh xèo sẽ là:
Nhìn biết ngay là bán bánh xèo
Dễ đọc kể cả đứng trong giông bão và tầm nhìn xa 10km!
Chứ không phải là:
Nhìn biết ngay là bán bánh xèo
Dễ đọc kể cả đứng trong giông bão và tầm nhìn xa 10km!
Thể hiện được sự chu đáo của quán
Thể hiện được sự sạch sẽ của quán
Thể hiện được là vợ chủ quán thích hoa
Thể hiện được là ông chủ quán cũng thích hoa nốt!
Vân vân và vân vân...
Như vậy hễ khi nào thiết kế đạt được 2 mục tiêu thực dụng ban đầu, thì dừng lại là ổn. Nếu tiếp tục sáng tạo thì phải luôn đảm bảo nó vẫn phục vụ cho 2 mục tiêu đó.
VD:
Có thể update từ một cái bánh xèo nhìn hơi mỏng thành phiên bản dày nhân hơn cho có cảm tình. OK!
Có thể update từ cái font chữ mảnh mảnh lên font chữ đậm hơn để dễ đọc từ xa. OK!
Đổi từ tông xanh lá - vàng sang tông đỏ - vàng để tương phản tốt hơn và mang tính ẩm thực hơn. OK!
Còn nếu sửa cho chữ cái O trong chữ XÈO trở thành hình cái bánh xèo cho độc đáo? Hmm, cân nhắc nha, nó không có nằm trong 2 tiêu chí ban đầu, mà nhìn từ xa người ta đọc BÁNH XÈO thành BÁNH XÈ thì chết dở thật sự!
Bên dưới là một bảng hiệu quán ăn mà theo mình, dù dưới góc độ nhà thiết kế hay một khách đi ăn bình thường, nó không cầu kỳ nhưng lại đạt được đúng các tiêu chí của một bảng hiệu quán ăn: rõ ràng - đủ thông tin - dễ đọc từ xa.
Tumblr media
Tóm lại
"Nghệ sĩ giỏi thì phải biết dừng lại đúng lúc" và bám sát checklist sẽ giúp ta làm việc đó. Điều này không chỉ đúng trong thiết kế mà còn đúng trong rất nhiều việc khác.
0 notes