Tumgik
meoshamf · 2 years
Photo
Tumblr media
NGHỆ THUẬT HÚT THUỐC CỦA LƯU ĐỨC HOA 
Ai quen tôi đều biết rằng tôi là một người không hút thuốc, tôi thậm chí còn cực kì ghét thuốc lá. Nhưng tôi lại là một người yêu điện ảnh, và trên phim thì hình ảnh hút thuốc giống như một bức tranh toàn cảnh vậy. Những tên giang hồ băng đảng, Yakuza Nhật, Mafia Ý, những tên quan chức, viên cảnh sát cho đến những người dân lao động bình thường, đều có sẽ một điếu thuốc hay một điếu xì gà trên tay. Tất cả tạo nên một bức tranh đầy mùi khói và những đốm lửa. Trong số tất cả những đốm lửa đó, có một đốm lửa, mặc dù nó vẫn là một điếu thuốc như bao điếu thuốc khác, nhưng người hút nó đã đưa nó lên một vị trí khác so với tất cả điếu thuốc còn lại, đó chính là Lưu Đức Hoa. 
Trong suốt cuộc đời sự nghiệp lẫy lừng của mình, Lưu Đức Hoa đã thể hiện rất nhiều vai diễn hút thuốc khác nhau. Hút thuốc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vì vậy nên hút thuốc trong điện ảnh có thể coi là một sự hi sinh vì nghệ thuật. Cilian Murphy hiểu rất rõ điều này trong suốt sáu phần phim “Peaky Blinder”, tuy thuốc của anh làm từ thảo dược chứ không phải thuốc lá 100% như Lưu Đức Hoa. Cái cách mà Lưu Đức Hoa hút thuốc trong phim thực sự là một tầm cao mới, không chỉ bởi khuôn mặt điển trai mà còn bởi diễn xuất tài năng của anh.
Trong “The Conmen in Vegas” (1999), có một cảnh Lưu Đức Hoa hút thuốc trên lan can, với một mái tóc ánh bạch kim và chiếc áo khoác da đen cực ngầu. Khi có người đến, anh ta cầm một điếu thuốc và cúi đầu đầy ẩn ý. Hành động hút thuốc này của Lưu Đức Hoa được cư dân mạng chế thành meme, trở thành một biểu tượng cảm xúc để bày tỏ sự ngượng ngùng, xấu hổ. Cũng từ đây, hút thuốc khi tựa vào lan can trở thành một trong những điều quen thuộc nhất đối với những người hút thuốc, khi họ cảm nhận được hết những dư vị trong điếu thuốc trong một phong thái sảng khoái, thư giãn nhất. Phải nói rằng Lưu Đức Hoa chỉ với vài phút ngắn ngủi đã làm cho điếu thuốc của mình trở nên rất đặc biệt.
Nếu bạn đam mê điện ảnh Hồng Kong mà lại bỏ qua “Thiên Nhược Hữu Tình” thì thật là một thiếu sót quá lớn. Diễn xuất của Lưu Đức Hoa và Ngô Thanh Liên thực sự đã đưa “Thiên Nhược Hữu Tình” trở thành “Thiên Tình Sử” của điện ảnh Hồng Kong. Trong phim, Lưu Đức Hoa thủ vai Hoa Đệ, là một tên giang hồ đắm chìm trong thế giới đêm, đua xe, tham gia các cuộc thanh trừng của bọn xã hội đen, vì vậy hình ảnh anh cùng với một điếu thuốc lá trên tay dường như là tất yếu. Tuy nhiên, thứ làm điếu thuốc trong “Thiên Nhược Hữu Tình” trở nên đặc biệt đó là sự biểu cảm của Lưu Đức Hoa. Từ một món đồ giải trí quen thuộc của một tên xã hội đen, đến những dòng tâm sự mà anh giấu kín trong mình không dám thổ lộ, cuối cùng thành người bạn tâm giao của Hoa Đệ trong những ngày buồn tủi, tất cả những cung bậc cảm xúc, từ vui đến buồn, từ sang tới hèn, từ ngổ ngáo đến trầm ngâm, tất cả đều được Lưu Đức Hoa đưa vào trong điếu thuốc một cách hoàn hảo. Từ những cử chỉ đơn giản như cách anh châm điếu thuốc bằng một tay, cách anh hút xong một hơi rồi nhếch mép đầy đểu cáng, hay những pha phà khói đã trở thành huyền thoại, tất cả đều nhờ đến diễn xuất đỉnh cao của Lưu Đức Hoa.
“Thám Trưởng Lôi Lạc” là một trong số những bộ phim hình sự-tâm lí xuất sắc nhất điện ảnh Hồng Kong từng chứng kiến, khi không chỉ có tới 8 đề cử tại Liên Hoan Phim Hồng Kong lần thứ 11 và thắng 1 giải trong số đó, mà còn thắng giải tại Liên Hoan Phim Kim Mã lần thứ 28, cả hai đều thắng giải Vai Phụ Xuất Sắc Nhất. Tuy nhiên không vì thế mà hình ảnh thám trưởng Lôi Lạc của Lưu Đức Hoa bị mờ nhạt, trái lại còn cực kì nổi bật. Lưu Đức Hoa hút thuốc trong vai này, tuy nhiên anh không còn là một tên ngoài vòng pháp luật như trên bộ phim tôi kể trên nữa, mà là một thanh tra cảnh sát nửa chính nửa tà với con đường đầy rẫy tội lỗi khi bắt đầu tham nhũng, vung tiền mua chức vụ,..Với một nhân vật phức tạp về nội tâm như vậy, điếu thuốc của Lưu Đức Hoa cũng trở nên khó đoán lạ thường. Hầu hết chúng ta sẽ thấy thám trưởng Lạc hút thuốc rất điềm tĩnh, tuy nhiên ẩn sâu trong từng nhịp rít thuốc đó là bao nhiêu toan tính ngầm của anh. Chúng ta có thể bị đánh lừa rằng Lưu Đức Hoa chỉ hút thuốc vì thèm thuốc nếu chúng ta không chú ý đến những lần anh đánh mắt trái khi rít một hơi thuốc sâu cho bớt căng thẳng, những lần anh rít từng đợt nhẹ và đảo mắt xung quanh, những cú phá khói đầy thỏa mãn đấy. Lưu Đức Hoa đưa hình ảnh hút thuốc rất bình thường trở nên hoàn toàn toan tính, cho tôi hỏi, ngoài những tên tuổi lão làng như Al Pacino, Roberto De Niro, Brad Pitt,...mấy ai có thể làm được điều này ?
Nãy giờ chúng ta đã phân tích về điếu thuốc lá trong tay Lưu Đức Hoa trở nên sống động như thế nào, vậy anh có hút thuốc bình thường hay không ? Câu trả lời là có, hay đúng hơn là anh diễn xuất để hút thuốc bình thường. “Điều này thì có gì phải diễn ?”, nếu bạn nào có ý nghĩ như vậy, tôi mời các bạn xem “Vượng Giác Ca Môn”, siêu phẩm của đạo diễn tài ba Vương Gia Vệ. Trong phim có một phân cảnh khi Hoa (Lưu Đức Hoa) đi xem phim với Nga (Trương Mạn Ngọc), và Hoa đợi Nga ngoài cửa. Lúc đó Hoa rút ra một điếu thuốc và hút với một phong thái chẳng khác gì người bình thường, tuy nhiên phân cảnh đó đã đi sâu vào tâm trí của rất nhiều khán giả. Họ chia sẻ rằng họ chỉ có thể cảm giác được nó chứ không thể diễn tả thành lời, trong đó có tôi. Cách hút thuốc đơn giản ấy của Lưu Đức Hoa phải chăng là có ý đồ gì không ? Anh đang có những suy nghĩ gì lúc đấy ? Về tương lai ? Về tình duyên ? Về những rắc rối băng đảng ? Không ai có thể giải thích được. Còn nếu dẫn chứng này vẫn chưa thuyết phục được các bạn thì mời các bạn xem tiếp “Long Tại Giang Hồ”, có một phân đoạn Lưu Đức Hoa hút thuốc tại đồn cảnh sát, Lưu Đức Hoa rút điếu thuốc ra, rít một hơi thật sâu, sau đó nhắm mắt lại, tận hưởng cái cảm giác đê mê trong làn khói trắng. Lưu Đức Hoa hút thuốc như người hút điếu đầu tiên sau một thời gian dài, mặc dù chỉ là một cảnh hút thuốc rất bình thường, nhưng biểu cảm khuôn mặt của Lưu Đức Hoa nói lên tất cả: sự thỏa mãn. Liệu có mấy ai có thể diễn lại được khoảnh khắc này ?
Cái hồn được thể hiện trong điếu thuốc lá của Lưu Đức Hoa là một tầm cao mới trong điện ảnh mà ít ai có thể so bì được. Điếu thuốc lá không chỉ là đạo cụ mà đối với Lưu Đức Hoa, nó là một người bạn diễn, một người tâm sự cũng như là một phần trong tâm hồn của Lưu Đức Hoa vậy.
10 notes · View notes
meoshamf · 2 years
Photo
Tumblr media
MOON KNIGHT VÀ HỘI CHỨNG RỐI LOẠN NHÂN CÁCH PHÂN LY
CẢNH BÁO SPOILER !!! HÃY XEM PHIM ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỘT TRẢI NGHIỆM CHÂN THỰC NHẤT !!!
Xin chào, lại là tôi, Meoshamf đây. Series Moon Knight của MCU cũng đã kết thúc được một khoảng thời gian rồi, và khá buồn khi MCU thông báo rằng đây là một limited series tức là sẽ không có mùa 2, điều này bỏ ngỏ trong tôi một sự tiếc nuối lớn khi mà tôi vẫn còn muốn biết thêm về nhân vật này. Đó là lí do tôi viết bài viết này, để chia sẻ cũng như tìm hiểu một chút về căn bệnh mà nhân vật chính mắc phải - hội chứng rối loạn nhân cách phân ly (hay rối loạn đa nhân cách).
Các bạn đã bao giờ tự hỏi sẽ thế nào nếu hôm nay là chủ nhật, chúng ta sẽ có cuộc hẹn hò vào thứ hai, chúng ta đi ngủ, thức dậy và phát hiện rằng đã là thứ sáu ? Vâng, đó là những gì mà nhân vật chính trong series Moon Knight đã phải trải qua. Xuyên suốt sáu tập phim, ngoài những pha hành động mãn nhãn đậm chất siêu anh hùng, chúng ta còn được chứng kiến về nỗi đau đớn nội tâm về căn bệnh này, được hiểu thêm về những người mắc chứng bệnh này sống ra sao. Phải dành lời khen đặc biệt đến nam tài tử Oscar Isaac khi vai diễn này được anh khắc họa quá xuất sắc. Và tin tôi đi, khi các bạn xem xong series này, các bạn sẽ còn nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu vì dù sao, kết thúc của phim cũng là một kết thúc mở và MCU không thể nào bỏ lỡ tiềm năng của nhân vật này dễ dàng như thế được.
Các bạn chắc hẳn thắc mắc rằng tại sao nãy giờ tôi chỉ giới thiệu là “nhân vật chính”. Vậy thì người “nhân vật chính” này là ai ? Thực ra thì khá là khó cho tôi khi giới thiệu tên một người nhanh như vậy khi trong người anh ta có đến ba người khác. Tôi sẽ giải thích cho các bạn như thế này: Nhân vật chính trong series Moon Knight thực ra là ba trong một: Marc Spector là nhân cách chính, một lính đánh thuê và là thuyền trưởng của con tàu nội tâm của anh ta. Còn lại hai nhân cách lần lượt là Steven Grant - một nhân viên làm việc ở cửa hàng quà tặng trong bảo tàng và là một người lành tính, và Jake Lockley - một tài xế taxi kiêm một sát thủ và là một người dữ tính. Anh ta là một người với hội chứng đa nhân cách DID và với một con người với ba nhân cách hoàn toàn tách biệt nhau như vậy, chúng ta cũng có thể phần nào tưởng tượng được sự khó khăn trong đời sống vật chất cũng như nội tâm của “nhân vật chính”. Nhưng chúng ta sẽ chỉ đề cập tới Marc Spector và Steven Grant trong bài viết này là chủ yếu, lí do vì Jake Lockley vẫn còn quá nhiều câu hỏi để có thể phân tích.
Trong phim, người xem sẽ được giới thiệu Steven Grant, người hiện đang là “một nhân viên làm việc tại một viện bảo tàng”, một chàng trai không có gì nổi bật thậm chí có phần hơi rụt rè, vụng về và thậm chí còn bị đồng nghiệp xem là một “kẻ vô dụng”. Anh hiện đang phải vật lộn với một cuộc sống khó khăn, cô độc. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Anh còn bị mắc chứng rối loạn đa nhân cách phân ly, và thực tế là anh chỉ là một nhân cách trong một cơ thể của một người đàn ông mang tên Marc Spector - nhân cách chính. Cứ như thế, cả hai đều phải trải qua những ngày mang đầy sự hiểu lầm, bạo lực cũng như hé mở rất nhiều sự thật về bản thân họ. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta không bàn về Moon Knight, mà là về căn bệnh rối loạn nhân cách phân ly.
Với những người bị hội chứng rối loạn nhân cách phân ly như Marc Spector, điều mà tôi nghĩ là triệu chứng cơ bản và cũng là khốc liệt nhất đó là mất trí nhớ/khoảng trống thời gian. Nói nôm na là nếu một sự thay đổi nhân cách xuất hiện và chiếm lấy quyền điều khiển, nhân cách hiện tại sẽ ngắt kết nối và khi họ quay trở lại, họ có thể không có hồi ức về các sự kiện đã xảy ra trong thời gian nhân cách khác đó phụ trách. Bởi vì DID là một phản ứng chấn thương, tương tự như vậy, việc giao quyền kiểm soát cho một thay đổi có thể được kích hoạt bởi các sự kiện chấn thương. Chúng ta có thể thấy Marc đã lùi vào trong để Steven chiếm sóng nhiều hơn, nhưng điều đó vô tình gây ra sự bối rối trong Steven.  Còn nhớ tình huống tôi đặt ra cho các bạn ở đầu bài viết không ? Vâng, đó là những gì mà Steven phải chịu đấy. Thậm chí cái cuộc hẹn hò đó, Steven còn không nhớ rằng tại sao mình lại có được diễm phuc đó cơ mà. Nhưng nó đã xảy ra, và Steven thì không thể thất hứa với cô nàng mà anh thầm thích được. Tuy nhiên, chuyện chẳng lành xảy ra và anh đến nhà hàng bò bít tết trong ngày thứ sáu, và đã bị cô nàng chửi cho một trận qua điện thoại. Éo le hơn, anh là một người ăn chay trường. Một người ăn chay trường thì làm cái quái gì ở nhà hàng bò bít tết ? Anh chẳng biết gọi món gì, nực cười là khi anh nói chữ “I’ll have the best bit of the steak”, nghĩa là “Tôi muốn phần bít tết ngon nhất” và khi bồi bàn hỏi lại: “How’d you like that ?”, nghĩa là “Anh muốn độ chín như thế nào ?”. Như tôi đã nói ở trên, Steven là một người ăn chay, độ chín miếng steak là một thứ hoàn toàn mới với anh ta. Vì chẳng biết nói gì nữa, anh chỉ biết nói “Very good” và các bạn biết gì không ? Bồi bàn, một chút ngập ngừng, đã đáp lại: “I’ll put you well done” tức là “Tôi sẽ làm phần chín hoàn toàn”. Khoảnh khắc đó nói lên tất cả sự vô vọng và cô độc của Steven Grant, mặc dù anh không làm gì sai cả. Và Steven cũng vậy, anh cũng đưa quyền điều khiển cơ thể lại cho Marc khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát, và cứ mỗi một lần đổi xác cho nhau, chỉ có duy nhất Steven là mất trí nhớ, còn Marc do đã nhận thức được Steven đã tồn tại từ lâu trong mình nên đã hạn chế được triệu chứng này. Tuy nhiên, hậu quả để lại vẫn là rất lớn: sự hụt hẫng, cô đơn và cả sự rối loạn giằng xé trong tâm trí nữa.
Khuynh hướng bạo lực. Thực sự thì triệu chứng này được các nhà làm phim của Moon Knight làm quá lên, vì dù sao đây cũng là phim siêu anh hùng, không phải phim thuần tâm lí. Nhưng triệu chứng này đã tạo thành một hiệu ứng khá hay không chỉ trong MCU mà còn đối với cộng đồng thế giới thực được thể hiện trên màn ảnh. Sự thay đổi của Marc, đặc biệt là khi anh ta trở thành Moon Knight, rất bạo lực. Trong phim, mỗi lần Steven trở về sau khoảng trống thời gian, anh ta lại gặp phải hậu quả là sự tàn sát do Marc để lại. Nhưng thực tế mà nói, đây là một triệu chứng bị phóng đại quá mức mà chúng ta đã thấy hết lần này đến lần khác từ những bộ phim như Psycho, Identity và cả Split/Glass nữa. Hollywood có vẻ rất thích sử dụng những người mắc DID để đại diện cho mặt bạo lực. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy những người bị DID không có xu hướng bạo lực hơn người bình thường, và trên thực tế, có nhiều khả năng triệu chứng này lại khiến họ trở thành nạn nhân của chính họ. Những người bị DID không phải là nhân vật phản diện và họ không bạo lực. Trong Moon Knight, họ chỉ đưa sự bạo lực này lên để phù hợp với một phim siêu anh hùng, và khi kết hợp với triệu chứng mất trí nhớ/khoảng trống thời gian ở trên, chúng ta có được nhân cách thứ ba, Jake Lockley. Jake là một trường hợp đặc biệt khi anh ta tồn tại mà không bị nhân cách nào phát hiện ra, anh ta tồn tại độc lập. Jake giống như một cơ chế phòng bị tối thượng, khi Marc và Steven đều gặp nguy hiểm đến tính mạng, đó sẽ là lúc Jake xuất hiện. Jake cực kì bạo lực, bạo lực hơn cả Marc và sẵn sàng giết người không gớm tay và bùm, anh ta biến mất để lại Marc hoặc Steven tại hiện trường một vụ tàn sát. Tôi tự hỏi nếu như một ai đó bị DID cũng mắc phải trường hợp như thế này, tôi chắc chắn rằng cuộc sống người đó sẽ không bao giờ có thể bình thường được nữa. 
Phải dành một lời khen đặc biệt đến nam diễn viên Oscar Isaac khi anh hóa thân thành nhân vật này quá tốt. Rõ ràng đến mức ta có thể thấy ngay Steven là một người Anh trong khi Marc là một người Mỹ. Anh đã khắc họa được một Steven Grant cô độc, đáng thương, bị bỏ rơi trong thế giới mà anh đang sống, ở những phân đoạn như phân đoạn ở nhà hàng bít tết, phân đoạn anh biết được nguồn gốc của chính mình hay phân đoạn mà anh phát hiện rằng người mẹ anh luôn liên lạc bấy lâu nay đã chết, thực sự làm tôi cảm thấy tổn thương thay cho Steven. Anh cũng khắc họa được một Marc lạnh lùng, nhưng ẩn sâu bên trong là một con người với rất nhiều sự đau đớn, căm phẫn, giằng xé đến tột cùng nhưng lại không thể bộc bạch, cứ thế giết chết con người anh từ bên trong. Mặc dù trước Moon Knight đã có nhiều bộ phim được khai thác vào tâm lí của người bị mắc chứng DID như Split/Glass, Me, Myself and Irene hay The Machinist, tuy nhiên Moon Knight đem lại cho chúng ta một trải nghiệm tuy giống nhưng khác. Giống ở chỗ chúng ta đã được chứng kiến thêm một nhân vật mắc chứng DID nữa trên màn ảnh, còn kh��c là nhân vật DID đó là một siêu anh hùng. Mặc dù Split đã xây dựng một Kevin Wendell Crumb xuất sắc với sự hóa thân xuất thần của James McAvoy, tuy nhiên các nhân cách của Kevin lại biết về nhau và giao tiếp với nhau khá bình thường. Còn Moon Knight dù chỉ có ba nhân cách thôi, nhưng mỗi một nhân cách là một con người riêng biệt, họ có cuộc sống hoàn toàn khác hẳn nhau và không liên quan, thậm chí không biết gì về nhau. Chính cách xây dựng đó tạo nên rất nhiều những khoảng trống cần được lấp đầy, cả về mạch phim cũng như về tâm hồn của nhân vật. Moon Knight không chỉ là một bộ phim siêu anh hùng, Moon Knight còn là một câu chuyện về một con người đang bị nghiền nát trong nội tâm, bị giằng xé trong tâm hồn và đáng thương trong cuộc sống. 
Hi vọng qua bài viết của tôi, các bạn sẽ có thể hiểu được về những người mắc hội chứng đa nhân cách phân ly. Tuy sẽ không rõ ràng như một bài luận khoa học, nhưng với tôi, Moon Knight là một trải nghiệm thật sự đỉnh cao mà người thích xem phim siêu anh hùng hoặc người thích xem phim tâm lí đều có thể cảm nhận được. Moon Knight xứng đáng được khai thác sâu hơn nữa, và hmmm, một bài phân tích về từng nhân cách trong Moon Knight thì sao nhỉ :D 
33 notes · View notes
meoshamf · 2 years
Photo
Tumblr media
REVIEW MR.MORALE AND THE BIG STEPPERS
*LƯU Ý: REVIEW CÓ THỂ PHÁ VỠ TRẢI NGHIỆM NGHE NHẠC CỦA BẠN. HÃY NGHE NHẠC BẰNG CẢ CON TIM <3
Xin chào, lại là Meoshamf đây.
Vậy là cuối cùng, sau hơn năm năm trời, vị vua của Hiphop hiện đại - Kendrick Lamar - đã quay trở lại, với một album đồ sộ bao gồm 18 tracks, gần 75 phút âm nhạc thuần khiết - Mr Morale and the Big Steppers.
Là một fan cứng của KDot, tôi đáng lẽ ra phải lên bài ngay từ hôm qua, tuy nhiên hôm qua là một ngày khá bận, nên tôi đã dành cả buổi sáng hôm nay, nghe đi nghe lại album, và tổng kết lại tôi có thể dành bốn từ để miêu tả album này:
NỖI ĐAU TẬP THỂ
Đó chính xác là những gì Kendrick Lamar đã thể hiện. Đây là một album mang tính chất sử thi, các bạn không nhìn nhầm đâu, đây là một album mang tính sử thi nhất của KDot, hơn cả To Pimp A Butterfly vốn là một album chính trị thuộc hàng huyền thoại mọi thời đại. Tôi không nói Mr.Morale and the Big Steppers hay hơn To Pimp A Butterfly, tuy nhiên về phương diện ý nghĩa thì có thể Mr.Morale and the Big Steppers đã làm tốt hơn. Ngoài ra, sự trở lại của KDot sau năm năm hoàn toàn im hơi lặng tiếng về các sản phẩm của mình cũng là một cú nổ cực lớn đối với các fan hiphop nói chung và các fan KDot nói riêng. Vậy, theo tờ The Guardian đã chia sẻ: “Sau 5 năm vắng, người chiến thắng Pulitzer trở lại với một bản hùng ca khơi dậy nỗi đau cá nhân với chấn thương tập thể - đặc biệt là không ai bị bỏ lại cả.”, Kendrick Lamar đã đem cho chúng ta những cung bậc cảm xúc gì tới từ vị vua từng gai góc quật ngã mọi đối thủ ở rap game ?
Nếu như ai đã nghe trọn bộ album thì có thể thấy, album này là sự bộc bạch của Kendrick Lamar sau khoảng thời gian vật lộn với các chấn thương tâm lí của mình, tìm kiếm các liệu pháp và phương thức để chữa khỏi được “writer’s block” - sự bí ý tưởng, điều giết chết các nhà văn và nhạc sĩ. Tuy nhiên, trong quãng thời gian đó, anh cũng đã sống chậm lại, thong thả hơn. Anh liên kết được các mối quan hệ xung quanh mình, anh nhận ra được tiềm thức bên trong mình, anh thức tỉnh được sự tâm linh trong âm nhạc, anh đã nghe được thông điệp của Chúa. “Asked God to speak through me.” Chúng ta có thể hiểu ngầm rằng, toàn bộ album này là lời nói của Chúa, được diễn đạt thông qua Kendrick Lamar.
Mr.Morale and the Big Steppers là một cơn bão vần. Vâng, các bạn sẽ bị choáng ngợp bởi số lượng vần và số lượng câu chữ dày đặc mà Kendrick đã chuẩn bị cho các bạn. Lyrics của KDot trước giờ chưa bao giờ bị đánh giá thấp ở khoản này, tuy nhiên, ở Mr.Morale and the Big Steppers, lượng vần KDot sử dụng dày đặc và cao siêu hơn nhiều. Có những bars chúng ta không thể hiểu nếu như chúng ta không sống trong văn hóa đó. Kĩ thuật lyrics của KDot đủ phi thường để tạo nên những vần điệu hấp dẫn từ một số chủ đề rất phổ biến: tin tức giả mạo, sự phóng chiếu của lối sống giả dối qua mạng xã hội, áp lực của sự nổi tiếng. Nhưng đáng chú ý hơn vẫn là sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro, những suy nghĩ dại dột, sự hi sinh và đặc biệt hơn là nỗi đau.
Các bạn, nếu không nghe quen chắc chắn sẽ đánh giá album này là album tệ, lí do vì beat. Kendrick Lamar đã chơi bài mạo hiểm khi anh trở thành một MF Doom, lấy lyrics giết beat - điều ngược lại với đa số rapper hiện tại. Những con beat KDot sử dụng vô cùng, vô cùng khó nghe. Các bản nhạc mở đầu của album không được thiết kế để trở thành một thể thống nhất, ngược lại, nó là sự ngắt quãng điên cuồng từ phong cách này sang phong cách khác - hợp âm piano staccato và backward drums, sử dụng rất nhiều loop mang âm hưởng jazz cùng với bass drums gợi lên tiếng nhịp tim đang đập điên cuồng. Một khối lượng lớn các giọng nói lồng vào kết hợp với các bản nhạc phim thập niên 80 dày đặc và trap beats. Trên Worldwide Steppers chia sẻ: “những lời của Lamar phát ra với tốc độ đến nỗi đe dọa cả những bản nhạc sau đó, một vòng lặp không ngừng, dày đặc, nghẹt thở của nhạc afro-rock của người Nigeria, giai điệu Funkees, đột nhiên bùng nổ là nhạc soul những năm 70 và, tiếp tục vòng lặp.”
Album tiếp tục thực hiện các lượt âm sắc tương tự, từ bối rối sâu sắc đến buồn bã và từ tức giận đến hài hước vui vẻ. Một bài hát tôi rất thích thể hiện rõ điều này: We Cry Together - một bản kết hợp đầy tức giận cùng với nam diễn viên Taylour Paige kéo dậy mọi thứ từ sự khởi đầu của Donald Trump, các tội ác của Harvey Weinstein cho câu hỏi “ Tại sao mấy thằng chó RnB chẳng bao giờ hợp tác với nhau ?" ngẫu nhiên sau đó lại trở thành một cuộc tranh cãi nảy lửa trong nước. Các âm sắc trầm, buồn tiếp tục được thể hiện xuyên suốt, cộng với đó là các bass đầy rẫy các cảm xúc trào dâng của sự chịu đựng, bùng nổ trở thành tiếng thét gào. Nhưng không vì đó mà mất đi sự cợt nhả vốn đã là thương hiệu của Kendrick Lamar, vẫn còn đó là sự hài hước tưởng ngờ nghệch, nhưng ai cũng cười với một đôi môi méo xệch.
KDot đã phải hứng chịu sự chỉ trích của cộng đồng LGBTQ+ sau khi phát hành “Auntie Diaries”, cho rằng đây là sự kì thị của nam rapper đến với cộng đồng này. Tuy nhiên, anh đã lên tiếng đây là bài hát dành tặng cho người dì chuyển giới của anh, giờ đã thành chú của anh. Đây có lẽ, theo tôi, là sự trưởng thành trong âm nhạc của Kendrick. “Auntie Diary” như một bản thú tội của anh, thừa nhận sự kì thị đồng tính, sỉ vả nhà thờ và các rapper cùng thế hệ của anh, đó là các hành vi rất tồi. ”Auntie Diary” là bước chuyển mình mới trong âm nhạc của KDot, không chỉ riêng anh mà còn cho cả hiphop sau này. Đặc biệt hơn trong track “Savior”, anh cho rằng sự đạo đức của các bài nhạc pop hiện tại chỉ là một bài tập đánh tick thiếu suy nghĩ, mặt khác anh còn cho rằng sự “đồng cảm” nhưu phong trào Black Lives Matter chỉ là nhất thời, giống như việc đánh tick vào ô, hôm nay là gì, ngày mai sẽ khác. Chỉ có những người thực sự sống trong cộng đồng đó mới hiểu được trải nghiệm mà KDot đã và đang trải qua: “one protest for you, 365 for me”.
Sự kết hợp với một rapper đang vướng phải các kiện tụng như Kodak Black là nước đi mạo hiểm của Kendrick, nhưng anh đủ khôn ngoan để sử dụng Kodak như một con cờ để nói lên suy nghĩ của mình. ““Let’s say bad things were done to you when you were a child, and you develop a sense of self that is based on the bad things that happened to you…”, đây chính xác là thông điệp KDot muốn gửi tới, khi anh không quan vào sự trong sạch hay sự nhúng chàm, anh chỉ muốn biết, môi trường xung quanh đã biến đổi một con người, từ bé cho đến lớn, về suy nghĩ, hành động, tư tưởng như thế nào mà thôi. 
Cuối album là một thước phim kinh dị. Anh ấy lưu lại khoảnh khắc đáng sợ nhất của album cho đến khi kết thúc. “Mother I Sober” đưa ra một loạt các “câu thơ” tàn khốc kết hợp chế độ nô lệ và lạm dụng tình dục, đồng thời giải quyết vụ tấn công tình dục do mẹ anh ta đã trải qua và trong đó một Kendrick trẻ, bị gia đình thẩm vấn, đã phủ nhận rằng một người em họ đã lạm dụng anh ta . Anh ấy không nói dối nhưng sự thiếu tin tưởng đã bủa vây câu trả lời đó, dẫn đến cảm giác hụt hẫng và sợ hãi đã khiến anh ấy “đi tìm phần người” trong mình, trong nhạc và suýt đánh mất người bạn đời của mình trong quá trình này. Đây là phần cực khó nghe nhưng hấp dẫn, được kết hợp với nhau bằng một đoạn điệp khúc mong manh dễ vỡ do Portishead’s Beth Gibbons trình bày.
Sau tất cả, Mr.Morale and the Big Steppers như một quyển nhật kí mà trong đó, Kendrick Lamar đã viết vào đó những suy nghĩ trần trụi, khốc liệt nhất trong khoảng thời gian khó khăn về tâm lí của mình. Anh đã đưa ra một thông điệp - như một lời tuyên bố hùng hồn cho tất cả: “I can’t please everybody”. Anh lặp đi lặp lại câu nói này, như một sự thật hiển nhiên, cho chính bản thân Kendrick cũng như mọi người. Cuối cùng, King Kunta kiêu hãnh của chúng ta cũng đã phải thừa nhận: Ai ai cũng có khoảnh khắc của mình, ai cũng có được khoảnh khắc được tỏa sáng dưới mặt trời, nhưng chẳng có gì là mãi mãi, kể cả với bản thân nam rapper, một huyền thoại rap đương đại. Anh cũng đã đặt một dấu mốc lớn ở album này, một dấu mốc biểu tượng cho sự nghỉ ngơi vô tận, tuy nhiên, với độ hot hiện tại của Mr.Morale and the Big Steppers, nhà vua chắc chắn sẽ còn đặt thêm những dấu chân trên con đường danh vọng đầy đau đớn này.
ALL HAIL KING KUNTA !!!
2 notes · View notes
meoshamf · 2 years
Photo
Tumblr media
DR STRANGE 2 VÀ VẾT XE ĐỔ CỦA SPIDER-MAN 3
**LƯU Ý: ĐÂY KHÔNG PHẢI BÀI REVIEW
SPOILER ALERT !!!!
Bộ phim Marvel tôi mong chờ nhất trong 2022 cuối cùng cũng được ra mắt, Dr STRANGE IN THE MULTIVERSE OF MADNESS. Tôi rất may mắn là người được xem suất chiếu sớm, và qua hai tiếng sáu phút trong rạp, tất cả những gì đọng lại trong tôi, là SỰ THẤT VỌNG.
Sự thất vọng là sao ? Có phải rằng do tôi kì vọng quá lớn nên thất vọng ? Câu trả lời là KHÔNG. Đúng là tôi có kì vọng vào phần phim này, vì nó được xem như là phim kinh dị đầu tiên của MCU, cũng như được cầm trịch bởi Sam Raimi - một đạo diễn có kinh nghiệm làm phim siêu anh hùng, và được đồn đoán là sẽ xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Tôi chỉ kì vọng như vậy, tôi không biết mạch truyện, tôi không biết nội dụng phim, tôi không biết trước bất kì điều gì, và đúng là Dr Strange 2 có làm cho tôi thích thú, nhưng chỉ dừng ở mức “phim ăn liền” mà thôi. Còn những phần đọng lại, rất ít hoặc dường như là không có gì.
Kể về những điểm tốt trước nhé. Cú plot twist đầu phim khi Wanda hóa phản diện chính thực sự tuyệt vời, nó làm tôi và rất nhiều người trong rạp phải ồ lên thích thú. Phim cũng khắc họa Wanda sau WandaVision đã phải trải qua những gì, khao khát những gì, chịu đựng những gì một cách sâu sắc nhất có thể. Phải dành lời khen cho Elizabeth Olsen khi cô diễn Wanda/Scarlet Witch quá đạt. Phim cũng định hướng rõ ràng hành trình của Dr Strange khi phải bảo vệ America Chavez, trải qua hiểm nguy như thế nào, mạo hiểm như thế nào để bảo vệ thực tại khỏi sự xâm lấm của đa vũ trụ. Một điều tốt nữa là âm thanh và kĩ xảo quá tuyệt vời. Khung cảnh Dr Strange và Sinister Strange đánh nhau bằng giao hưởng thật sự sáng tạo và vui tai, cộng với sự kết hợp/thay đổi những bài nhạc mạnh, có tiết tấu nhanh như “I Am Not A Woman, I'm A God” hay “Toxic - cover by 2WEI” và các bản ballad sâu lắng như “Hold On” là một điểm cộng của phim. Kĩ xảo thì chắc chúng ta không cần bàn gì nhiều rồi, Dr Strange phần 1 đã làm chúng ta lác cả mắt, và phần hai vẫn giữ nguyên được cái chất kĩ xảo đầy ma thuật, kì dị thay đổi cả không gian lẫn thời gian đó. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất đó là mục tiêu của Scarlet Witch: Không phải là đi tàn sát hay gì cả, chỉ đơn giản là tìm lại những đứa con của mình. Tình thương yêu bao la của người mẹ, từ lâu đã là một đề tài muôn thuở rồi. Vì con, mẹ có thể làm tất cả, và đúng như vậy, Wanda đã làm tất cả mọi thứ, kể cả việc tay nhúng chàm, chỉ để gặp lại con, chăm sóc con như cô đã từng ở Westview. Nhưng thật đáng tiếc rằng, cô chỉ đang sống trong ảo tưởng của chính mình, và khi ảo tưởng lớn đến quá mức, nó sẽ trở thành sự thật.
Tuy nhiên, đó là tất cả những gì tôi có thể khen ở Dr Strange 2. Là một fan của điện ảnh nói chung và MCU nói riêng, đây là phần phim được làm theo công thức “mì ăn liền” với tôi. Tại sao ? 
Thật tiếc cho chúng ta khi tin vui là Sam Raimi cầm ghế đạo diễn, và cũng thật buồn rằng ông đã đi vào vết xe đổ của Spider-Man 3 - phần phim được đánh giá là tệ nhất của Trilogy Spider-Man. Strange cũng phần nào trở thành Peter khi ấy, ý tôi không phải là trở thành Bully Maguire (Sinister Stranger ? :D) mà là về hành trình. Nghĩ xem, Strange và Peter đều đang có một cuộc sống yên ổn, thì sóng gió ập đến, đều là bạn hóa thù lần lượt là Wanda và Harry. Họ đều phải chống lại người đó, cộng thêm đối đầu với nhiều kẻ thù khác, cuối cùng dành chiến thắng và phản diện bỏ mạng. Tôi sau khi bước ra khỏi rạp, đi về nhà và  vẫn nghĩ rằng: “Ủa ? Vậy thôi đó hả ?”. Cảm xúc hụt hẫng của tôi đối với Dr Strange 2 là lớn, lớn hơn cả Spider-Man 3 vi ít ra, trước Dr Strange 2 đã có Spider-Man 3 làm gương rồi.
Hành trình xuyên đa vũ trụ của Strange rất thú vị, khi anh phải bảo vệ America Chavez - cô bé có khả năng đi xuyên các vũ trụ nhưng không kiểm soát được sức mạnh của mình. Trong thời gian đó, anh đụng độ và giải quyết các vấn đều khác nhau, bằng giao hảo cũng như bạo lực. Sam Raimi và ê kíp đã làm tốt ở khâu kịch bản, nhưng khi đưa lên phim thì lại hơi dài dòng. Cuộc hành trình ở Earth-838 thật sự rất chán, khi nơi này trở thành sân khấu tàn sát của riêng Scarlet Witch. Dr Strange đã làm tốt nhiệm vụ của mình ở đây, đó là thoát khỏi thế bị nhốt trong lồng, thoát khỏi còng tay, đào thoát thành công. Còn lại, tất cả như một trò đùa: Hội Illuminati lần lượt trở thành những “chú hề” đúng nghĩa khi Black Bolt chết vì sức mạnh của chính mình, Reed Richards bị biến thành kẹo dẻo đúng nghĩa đen, Captain Carter và kể cả Captain Marvel cũng bị nghiền nát dưới ma thuật của Scarlet Witch. Charles Xavier là người tôi thấy thành công nhất trong việc ngăn cản Wanda, tuy nhiên ông cũng bất thành và bỏ mạng. Người ta hỏi tôi có gì xảy ra ở Earth-838 vậy, TẤT CẢ, CHỈ CÓ VẬY. 
Điều làm tôi cảm thấy tiếc nhất ở Dr Strange 2 chính là việc có quá nhiều phản diện. Điều này cũng tương tự như Spider-Man 3, khi Peter một mình đối đầu với những Harry Osborn, Sandman và Venom. Còn Strange đã phải đối đầu với Wanda, Sinister Strange và Baron Mordo. Wanda thì quá mạnh, Sinister Strange thì quá mờ nhạt, nhưng người tôi thấy tiếc và lãng phí nhất đó là Baron Mordo. Baron Mordo là đối thủ trọn đời của Dr Strange, tôi tưởng rằng Mordo sẽ được khắc họa trở thành một người với sức mạnh kinh khủng mà Dr Strange sẽ phải đối đầu ở phần 3 chẳng hạn, tuy nhiên, sự quay trở lại quá vội vàng này khiến nhân vật này không khác gì một chú hề bị thừa thãi, một mảnh ghép không phù hợp với cả bức tranh. Thực sự thì tôi cảm thấy dàn nhân vật của Dr Strange 2 ngoài Strange, Wong, Chavez và Wanda ra thì tất cả mọi người đều rất gượng gạo, như thể thêm vào cho có vậy.
Câu thoại đắt giá của phim “I love you in every universe” là một câu thoại hay. Tuy nhiên về mặt ý nghĩa, nó không bằng một góc bé tẹo của “I love you 3000″. Tình cảm giữa Strange và Cristine trong Dr Strange 2 được khắc họa rất nực cười, khi cảm xúc của hai nhân vật này với nhau đều không rõ ràng. Strange đang cố lấp đầy khoảng trống trong tim mình bằng Cristine 838, còn Cristine thì đang cố tìm lại một Strange hoàn hảo, ở đây là Strange 616 thay cho Strange ở vũ trụ của cô. Điều này tạo ra cho tôi một tâm lí khó hiểu, khi cả hai đều chẳng thực sự yêu nhau, mà thực chất thì đang lấp đi thứ còn thiếu trong tim mình một cách vội vàng, cũng vì lẽ đó, “I love you in every universe” thực chất chỉ là một câu thả thính tầm thường mà ai cũng có thể nghĩ ra được. Nó không mang ý nghĩa về tình yêu thương lớn lao như “I love you 3000″, mà chỉ là nó hay, nhưng rất tiếc, nó lại không đúng thời điểm.
Theo tôi, Dr Strange 2 là một bức tranh đẹp được khâu bởi những mảnh vá. Sẽ có mảnh vá đẹp, sẽ có mảnh vá xấu, sẽ có mảnh vá yếu đến mức rời rạc ra khỏi bức tranh. Những gì Sam Raimi đưa đến chúng ta là một dị bản của Spider-Man 3, nhưng cải tiến thêm rằng lần này không còn Dr Strange đơn độc nữa, chúng ta đã có thêm America Chavez - gương mặt mới của Avengers và, Zombie Strange ? :D 
Đó là tất cả suy nghĩ của tôi về DR STRANGE IN THE MULTIVERSE OF MADNESS. Còn các bạn thì sao ? Hãy comment bên dưới nhé.
À quên, nhớ nán lại một chút để xem after credit 2, thay đổi cả MCU đó.
0 notes